Từ chỉ đạo xử lý quyết liệt của Bộ trưởng Giao thông Vận tải:

Doanh nghiệp cúp vàng được cứu

Thứ Sáu, 10/07/2015 14:56  | Huy Văn

|

(CATP) Trao đổi với phóng viên Báo CATP chiều 6-7-2015, Phó giám đốc (PGĐ) Công ty cổ phần công nghệ Việt Séc (gọi tắt Công ty Việt Séc) - Lê Văn Học phấn khởi: Sau gần hai năm bị “cấm vận”, lời kêu cứu của doanh nghiệp (DN) đã được nhiều lãnh đạo tiếp nhận.

Được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), DN đang trên bờ vực phá sản có cơ hội chuyển mình...

Khi "cúp vàng" gặp nạn

Phó giám đốc Học cho biết, Công ty Việt Séc (TP.Vũng Tàu, tỉnh BR-VT) là DN chuyên sản xuất tàu thuyền bằng công nghệ vật liệu mới PPC, được hai cơ quan đăng kiểm (ĐK) CS Lloyd (Cộng hòa Séc) và Hải quân Việt Nam cấp giấy chứng nhận ĐK.

Tại Hội chợ thiết bị công nghệ quốc tế Techmart 2012 ở Hà Nội, sản phẩm của công ty được Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tặng cúp vàng. Nhiều đơn vị trong lực lượng vũ trang đã tin tưởng sử dụng tàu thuyền do công ty sản xuất, trong đó có Bộ tư lệnh Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát đường thủy Quảng Ngãi...

Một trong những tàu ca nô do Công ty Việt Séc sản xuất bằng vật liệu PPC

Tuy nhiên, sản phẩm của công ty không thể bán rộng rãi ra thị trường vì bị Cục ĐK Việt Nam thuộc Bộ GTVT từ chối ĐK với lý do chưa đạt tiêu chuẩn và quy phạm về tàu thuyền làm bằng vật liệu mới PPC. Đang bị làm khó thì tháng 8-2013 xảy ra vụ tai nạn đường thủy tại vùng biển Cần Giờ, TPHCM khiến ca nô ký hiệu BP 12-04-02 chìm.

Hai Cục ĐK và Hàng hải Việt Nam đã vào cuộc, kết luận nguyên nhân chính là chở quá lượng người cho phép cùng một số nguyên nhân khác và dù không liên quan gì đến chất lượng con tàu nhưng người sáng lập Công ty Việt Séc là ông Vũ Văn Đảo đã vướng vòng lao lý.

Trong khi Cục ĐK vẫn tiếp tục “im lặng” dẫn đến sản phẩm làm ra không bán được, chất đầy kho; nhà máy sản xuất đầu tư hàng chục tỷ đồng phải đóng cửa. Chịu quá nhiều thiệt hại, công ty có nguy cơ phá sản nên liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng kêu cứu.

Ông Học trình bày tiếp: Rất may vụ việc đã được đưa ra diễn đàn Quốc hội tháng 6 vừa qua. Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Thị Công (Đoàn BR-VT) Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân nêu rõ: Tỉnh BR-VT có DN sản xuất tàu bằng vật liệu PPC, hai cơ quan ĐK của CH Séc và Hải quân chấp nhận, nhưng ĐK của Bộ GTVT không đồng ý.

Việc này Bộ KH-CN sẽ trao đổi với Bộ GTVT để làm rõ. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã khẳng định trước Quốc hội sẽ cho ĐK tàu thuyền sản xuất bằng công nghệ vật liệu mới PPC ngay trong tháng 6-2015.

Bộ trưởng "nói và làm"

Sáng 17-6-2015, Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì cuộc họp tại Hà Nội (đại diện Công ty Việt Séc được mời tham dự), nghiêm khắc phê bình các đơn vị, cá nhân liên quan. Ngay hôm sau, Bộ trưởng Đinh La Thăng ký Văn bản (VB) 7783/BGTVT-KHCN gửi Cục ĐK Việt Nam, yêu cầu thực hiện ngay ba vấn đề:

Một là, công nhận kết quả do ĐK CS Lloyd hoặc ĐK Hải quân hay bất cứ tổ chức ĐK nào thực hiện, trên cơ sở đó cấp các giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật (CNATKT) cho phương tiện thủy nội địa vỏ PPC trong giai đoạn chưa ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa vỏ PPC” (gọi tắt là quy chuẩn quốc gia).

Hai là, khẩn trương xây dựng trình bộ quy trình kiểm tra cấp giấy CNATKT và bảo vệ môi trường tạm thời cho phương tiện thủy nội địa vỏ PPC trước ngày 28-6-2015 để Bộ GTVT xem xét, ban hành. Ba là, khẩn trương xây dựng trình bộ đề cương quy chuẩn quốc gia trước ngày 24-6, hồ sơ dự thảo trình bộ trước ngày 31-8-2015.

Ngày 25-6-2015, Cục trưởng Cục ĐK Trần Kỳ Hình ký VB 2411/ĐKVN-TB gửi Công ty Việt Séc và các cơ quan tố tụng TPHCM, khẳng định: Công ty Việt Séc sản xuất tàu thuyền bằng vật liệu mới PPC là đúng theo giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học.

Hiện nay, pháp luật không cấm việc đóng tàu thuyền bằng vật liệu mới nói chung và PPC nói riêng mà còn được nhà nước khuyến khích đầu tư. Cục ĐK ủng hộ ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới để sản xuất tàu thuyền với mục tiêu tạo ra phương tiện vận tải thân thiện môi trường, giá thành rẻ, vốn đầu tư và chi phí vận hành, khai thác thấp.

Liên quan đến tàu BP 12-04-02, ông Hình xác định: Do Việt Séc sản xuất, đơn vị sử dụng là cơ quan Cửa khẩu Biên phòng tỉnh BR-VT, do đó việc ĐK được thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng. Thực tế phương tiện này đã được Phòng ĐK Hải quân thực hiện ĐK và cấp giấy chứng nhận để đưa vào sử dụng.

Ông Hình cho biết thêm, hiện Cục ĐK đang xúc tiến việc ĐK tàu thuyền sản xuất bằng vật liệu PPC đồng thời triển khai thực hiện việc công nhận kết quả của ĐK CS Lloyd và Phòng ĐK Hải quân.

Trong tâm trạng phấn khởi, PGĐ Học cho biết: “Chưa tới 24 giờ sau khi có VB 2411, Cục ĐK đã cấp giấy “CNATKT và bảo vệ môi trường” đầu tiên cho tàu ca nô chở khách do Công ty Việt Séc sản xuất bằng vật liệu PPC. Với đà này, hàng loạt phương tiện của Việt Séc sẽ tung ra thị trường sau khi được Cục ĐK cấp giấy CNATKT. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các vị lãnh đạo, DN chúng tôi đã được cứu!”.

Về việc ông Vũ Văn Đảo bị truy tố trong vụ án chìm tàu ở Cần Giờ (Báo CATP đã phản ánh), sau khi nghiên cứu, Tòa án nhân dân (TAND) TPHCM trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) thành phố điều tra bổ sung hai vấn đề.

Thứ nhất, cần có kết luận giám định ca nô BP 12-04-02 không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng. Thứ hai, đối với các nguyên nhân được cáo trạng viện dẫn, không có nguyên nhân nào liên quan đến việc chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra là do “đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn” như cáo trạng truy tố.

Với kết luận của Bộ GTVT, việc trả hồ sơ là có cơ sở; tuy nhiên, Viện KSND thành phố vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố theo cáo trạng ban đầu dù chưa đáp ứng được yêu cầu của tòa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang