(CATP) Dự án sân bay Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vừa được Quốc hội thông qua chủ trương. Khi đại biểu Quốc hội chưa rời khỏi ghế hội trường thì đất nền vùng ven dự án này đã bắt đầu lên cơn sốt, nhiều khu vực giá đất bị đẩy lên 20 - 30%. Cơn sốt này một phần do sự tiếp tay của “cò” đất.
Được mùa "cò"
Chúng tôi có mặt tại vùng ven của dự án sân bay Long Thành vào ngày 7-7-2015. Biển rao bán đất mọc lên như nấm, “nóng” nhất là từ khu vực ngã ba Nhơn Trạch kéo dài đến địa bàn ấp 3, xã Long An (huyện Long Thành). Chúng tôi bấm máy gọi vào số điện thoại trên một biển rao bán đất tại xã Long An.
Đầu dây bên kia một giọng nam cất lên: “Anh mua đất thời điểm này là đúng rồi. Đất ở đây đang lên giá từng ngày, càng về sau càng cao. Tôi đang có trong tay hàng chục lô đất nằm ở vị trí đắc địa ven dự án sân bay Long Thành. Anh cứ đến khảo sát rồi bàn tiếp. Đất tôi giá mềm lắm, một mảnh đất nông nghiệp diện tích khoảng 100m2, tôi bán trên dưới 210 triệu đồng. Nếu mua hết cả khu, tôi giảm giá cho”.
Phối cảnh dự án bất động sản sân bay Long Thành
Đang trò chuyện điện thoại thì một thanh niên tiến tới bên xe chúng tôi, cười hỏi: “Anh mua đất hả, để em giúp. Em người ở đây, em thuộc khu vực này trong lòng bàn tay. Anh muốn mua giá nhiêu? Gần hay xa sân bay em giới thiệu cho?”.
Chàng trai giới thiệu tên Nguyễn Văn T., cho biết thêm: “Anh không nên đến công ty bất động sản hỏi mua. Nên theo dân địa phương như tụi em giá sẽ rẻ hơn. Tụi em chỉ giới thiệu kiếm chút tiền cà phê, còn công ty chuyên nghiệp thì họ đẩy giá lên cao lắm”.
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào khu dân cư ở ấp 3, xã Long An để tìm hiểu. Nhiều nhà dân cũng đã cắm biển rao bán. Ghé vào một ngôi nhà có biển bán, chị chủ nhà cho biết: “Tôi ở đây cũng vài chục năm rồi, đất khu này trước rẻ như cho. Nay lên giá mạnh nên tôi bán chuyển nhà đi nơi khác”.
Một rừng tràm đang được người dân “trảm” để bán đất
Theo quan sát của chúng tôi, giá đất khu vực này lên cao vì dự án bất động sản sân bay Long Thành hiện đã được đẩy mạnh. Hệ thống đường sắp hoàn thành, đất đã được phân lô. Bảng thông tin dự án cũng thể hiện rõ chi tiết các khu vực chức năng rất hoành tráng.
Không chỉ đất nền dự án mà ngay cả đất rẫy, đất vườn cũng đang “sốt” lây. Một người dân địa phương cho biết: “Đất rẫy ở các xã Suối Trầu, Bàu Cạn... đang lên giá chóng mặt, có nơi lên gấp đôi. Đất rẫy trước giá chỉ 500 triệu đồng/ha, nay lên cả tỷ”.
Những chiêu trò của "cò"
Chúng tôi tìm đến các sàn bất động sản vùng ven dự án sân bay quốc tế Long Thành để khảo sát. Thực tế cho thấy lượng người đến giao dịch tại đây chưa rầm rộ. Cơn “sốt” ảo chỉ đang bùng lên ở bên ngoài. Một nhân viên dự án khu đô thị Victoria City cho biết, khả năng tháng sau cơn sốt mới thực sự bắt đầu, đất dự án có thể sẽ tăng 30% so với thời điểm hiện nay.
Một bảng giới thiệu dự án bất động sản
Một nhân viên bất động sản cho biết: “Rất nhiều chiêu để “cò” làm giá. Chiêu phổ biến là thuê một nhóm người giả dạng đi mua đất. Khi “cò” đang giới thiệu cho người mua một miếng đất nào, nhóm này sẽ xuất hiện có nhiệm vụ trả giá cao hơn, mua nhiều lô để “làm việc lớn”. Lý do là khu vực đất này nằm ở “vùng trọng điểm”.
Nếu không mua ngay mai mốt giá sẽ lên gấp mấy chục lần. Sau khi làm giá, nhóm này sẽ rút đi. Tâm lý người mua là sợ bị giành mất “miếng ngon”, nên sẵn sàng chấp nhận mua với giá cao.
Một chiêu khác là giả dạng con ông cháu cha. “Cò” dạng này thuộc làu làu tên của các lãnh đạo địa phương, tự xưng cháu “anh ba”, “anh tư”, “chú bốn”... Nếu khách mua đất thì “cò” hứa sẽ sớm hoàn thành giấy tờ. Đối với những người mua đất để đầu cơ, giấy tờ sớm đồng nghĩa sẽ dễ dàng bán đất sớm khi có lời, nên chấp nhận mua với giá cao hơn thực tại.
Đối với các công ty bất động sản, họ sẵn sàng thuê xe đón khách đi tham quan đất. Trên xe, công ty sẽ cho nhiều “nội ứng” cũng là khách mua đất. Nhiệm vụ của nhóm này là tạo tâm lý “khát” đất cho khách thực. Khi đến khu đất, nhóm này sẵn sàng đặt cọc mua đất với giá cao để “kích” khách mua.
Có một cách thức gây hiệu ứng dây chuyền mua đất là “bỏ con tép bắt con tôm”. Cụ thể, công ty này biết người mua đất có nhiều bạn bè muốn mua đất. Sau khi bán cho người này, công ty sẽ cho người đến mua lại với giá cao. Có lời nhanh, người này sẽ bán và đồng thời báo tin cho bạn bè biết. Nhóm bạn này sẽ lọt vào “bẫy” và mua đất ồ ạt.
Ngoài ra, để “giăng bẫy” khách hàng, nhiều công ty sẵn sàng chi tiền cho người dân địa phương để làm cộng tác viên. Người dân địa phương được họ mớm lời trước, khi khách đến hỏi mua chỉ việc nói theo. Nhiều người dễ dàng bị qua mặt vì nghĩ rằng “Nông dân chân chất nói chuyện thì chắc không sai”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Thế Ân - Phó chủ tịch UBND huyện Long Thành cho biết: “Việc đẩy giá phần lớn là do “cò” thực hiện. Việc mua bán chuyển nhượng đất chủ yếu do người từ nơi khác đến. Họ mua để đầu cơ và bán ngay khi có lời. Điều đáng lo là nếu người mua không nắm rõ quy hoạch mà mua trúng khu vực không được phép xây dựng, hạn chế xây dựng thì sẽ rất phức tạp. Cụ thể trong khu vực tĩnh không của sân bay chắc chắn sẽ bị hạn chế xây dựng. Khu vực gần đường bay sẽ rất ồn nên việc quy hoạch khu dân ở là không hợp lý, khu này sẽ bố trí sản xuất là chính. Chính vì vậy người dân khi mua đất nên tìm hiểu quy hoạch xây dựng đã được công bố. Việc đền bù giải tỏa, dự định tới đầu năm 2018 mới cơ bản hoàn thành những khu vực chính, để khởi công các hạng mục lớn”.