(CATP) Ngày 9-7-2015, Báo Công an TPHCM có đăng ý kiến của Tổng Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) về việc Tổng công ty này bị truy thu 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Để rộng đường dư luận, Báo Công an TP xin trích đăng ý kiến của bà Trương Thị Nguyệt Hương, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực 4, tại buổi họp báo thường kỳ của KTNN vào sáng 10-7.
Giải thích về kiến nghị truy thu thuế TTĐB của Sabeco, bà Hương cho biết, thuế TTĐB là thuế đánh vào khâu sản xuất và xác định là giá bán ra cuối cùng của sản xuất. Sabeco đã thành lập Công ty TNHH MTV TM Sabeco (Công ty TM Bia Sài Gòn) để tiêu thụ các sản phẩm của mình.
Mô hình tổ chức sản xuất này là 100% vốn của công ty mẹ, sau đó Công ty TM Bia Sài Gòn thành lập các công ty con, công ty liên kết, có vốn từ 90-94% của Sabeco. Mười Công ty thương mại khu vực bán các sản phẩm của Sabeco ra Đại lý cấp 1. Đây là một mô hình khép kín của Sabeco.
Bà Nguyệt Hương làm rõ thêm kết luận kiểm toán liên quan đến thuế TTĐB bổ sung của Sabeco
Với mô hình này, Tổng công ty mẹ là Sabeco quyết định từ khâu nguyên liệu đầu vào, giá mua tất cả các sản phẩm từ đầu vào tới giá bán ra, kể cả phần quyết định bán cho đại lý cấp một vẫn theo trình tự là Tổng công ty mẹ quyết định giá bán ra. Lợi nhuận cuối cùng các công ty sẽ chuyển về cho Sabeco. Do đó, KTNN xác định khâu cuối cùng là các Công ty Thương mại khu vực trước khi bán ra cho các đại lý và truy thu thuế TTĐB năm 2013.
Cơ sở để tính thuế, theo bà Hương, là tương đối rõ, thực hiện theo Thông tư 05. Hiện KTNN đưa ra ý kiến dựa trên thông tư này và có kiến nghị với Bộ Tài chính. Bộ đang soạn thảo, sửa đổi thay đổi cách tính thuế TTĐB, trong đó xác định rõ các công ty thương mại là công ty con, độc lập để tính thuế phù hợp nhất.
“Nếu Sabeco không thực hiện kiến nghị này thì trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời là theo luật KTNN, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Sabeco, sau đó là tới các cơ quan quản lý nhà nước liên quan” - bà Hương khẳng định.
Trả lời câu hỏi liệu đây có phải là hiện tượng chuyển giá sản xuất hay không và có phải là lỗ hổng về thuế TTĐB không, bà Nguyệt Hương khẳng định, đây chính là lỗ hổng. Vì thế, KTNN mới kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi luật để khắc phục lỗ hổng này.
“Nếu xét về từng đơn vị thì là hình thức chuyển giá, nhưng do xem xét toàn bộ quy trình của Sabeco, lợi nhuận thu được các công ty con lại chuyển về công ty mẹ nên chúng tôi không xác định là chuyển giá” - bà Hương giải thích, đồng thời cho biết, theo quy định của Luật KTNN, các đơn vị có quyền khiếu nại và giải trình, nhưng trước tiên phải thực hiện các kiến nghị của KTNN.
Ngay trong văn bản của Sabeco cũng nêu rõ, trước khi công ty thực hiện trách nhiệm thì chờ các Bộ, ban, ngành làm rõ thêm, nghĩa là không phải Sabeco không thực hiện trách nhiệm của mình.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Cao Tấn Khổng cho rằng, chắc chắn Sabeco sẽ thực hiện trách nhiệm của mình. Theo ông Khổng, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thống nhất cao những ý kiến, quan điểm, phương pháp giải quyết của KTNN. Bộ Tài chính cũng đã ước lường vấn đề này và đã trình Chính phủ sửa đổi luật TTĐB (sửa đổi, bổ sung). Chính phủ đã trình Quốc hội và Quốc hội đã biểu quyết trong kỳ họp rồi.
Tuy nhiên, vì luật này tới năm 2016 mới có hiệu lực nên giai đoạn này Bộ Tài chính soạn thảo Nghị định nhằm cụ thể hóa các nội dung để ứng dụng.
“Đừng biến Sabeco thành vấn đề nóng. Đây chỉ là vấn đề từ kết luận của KTNN nhằm có biện pháp quản lý chặt chẽ, khép lỗ hổng, mang lại hiệu quả cao cho quốc kế dân sinh” - ông Khổng lưu ý. Theo vị Phó Tổng KTNN, với chức năng là xác nhận, tư vấn, đánh giá, kiến nghị thực hiện các yêu cầu, KTNN đã trả lời tương đối rõ ràng, không suy diễn. Việc đánh giá các vấn đề dựa trên cơ sở bằng chứng hiện hữu, từ đó báo cáo lãnh đạo các cấp để xử lý có tình, có lý.
Trước đó, như Báo CATP đã đưa, Sabeco đã có văn bản gửi các Bộ Tài chính, Công thương, Tổng KTNN và Tổng cục thuế giải trình chi tiết các kiến nghị của KTNN đối với công ty này. Trong trường hợp Bộ Tài chính, Công thương, Tổng Cục thuế chấp nhận kiến nghị của KTNN yêu cầu Sabeco nộp bổ sung thuế TTĐB, Sabeco kiến nghị đồng ý chủ trương để Tổng Công ty nộp toàn bộ số thuế TTĐB bổ sung phát sinh tại công ty mẹ, công ty con, công ty liên kết và các đơn vị hợp tác sản xuất.