Mua bán tiền giả qua mạng xã hội - hệ lụy khôn lường

Thứ Ba, 27/08/2024 17:31

|

(CATP) Thời gian gần đây, tình trạng mua bán tiền giả tràn lan trên mạng gióng lên hồi chuông báo động vì gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Mặc dù lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và liên tục phát hiện, triệt phá những vụ mua bán, tiêu thụ tiền giả, nhưng các đối tượng tội phạm vẫn tìm mọi cách "vươn vòi" hoạt động, lôi kéo, rủ rê những kẻ hám lợi bất chính tham gia giao dịch phi pháp.

Mua 1 được 10, thậm chí 15!

Bên cạnh mặt tích cực là thúc đẩy sự phát triển, hoạt động thương mại điện tử và mạng xã hội lại tạo điều kiện cho các đối tượng mua bán tiền giả ẩn mình tổ chức giao dịch trái pháp luật. Các đối tượng này thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook, các ứng dụng Zalo, Telegram... để rao bán tiền giả, quảng cáo hấp dẫn, thu hút người mua bằng những lời mời đổi chác với tỉ lệ "mua 1 được 10" (tức một đồng tiền thật mua được 10 đồng tiền giả), "đổi 1 lấy 15"...

Liên hệ với đối tượng tên Hùng ("đại lý” quảng cáo đổi tiền giả rầm rộ trên mạng Facebook), chúng tôi được hướng dẫn chuyển ngay sang kênh "chat" "@shopdoi..." trên ứng dụng Telegram với lý do để bảo mật. Tại đây, Hùng cho biết có thể đổi tiền với tỉ lệ "1 lấy 10" đối với các loại mệnh giá nhỏ và "1 lấy 15" với tiền mệnh giá lớn. "Tờ polymer 50, 100 (tức mệnh giá 50, 100 ngàn đồng - PV) nhỏ, dễ xài nên hút hàng hơn, tỉ lệ đổi thấp hơn so với các mệnh giá lớn như 200, 500. Bên em chuyên tiền Thái, giống thật 99% nên anh cứ yên tâm".

Khi được hỏi cách thức giao dịch, Hùng bảo khách để lại thông tin và số tiền muốn đổi, sau đó mua sẵn các mã thẻ nạp tiền (Zing Card, Garena, thẻ cào điện thoại...). "Trong ngày, sẽ có người đến giao hàng, anh đưa mã thẻ để kiểm tra, nạp thành công thì nhận hàng" - Hùng nhắn tin. Các loại tiền polymer giả của đối tượng này được in rất tinh vi, nhập khẩu từ nước ngoài về nên độ bền cao, có khả năng đàn hồi và chống thấm nước, bề ngoài trông giống như tiền thật. Hùng cam đoan các loại tiền này không thể phân biệt bằng mắt thường, nhưng cũng khuyến cáo người mua không nên sử dụng ở những nơi có máy soi vì dễ bị phát hiện.

Một "đại lý” khác chuyên giao dịch tiền giả qua ứng dụng Telegram xưng tên Hiền cho biết nhận đổi tiền thật lấy tiền giả với tỉ lệ "1 ăn 15", bất kể mệnh giá nào: "Bên em làm ăn mấy năm nay rồi, khách không cần đặt cọc trước, chỉ giao mã thẻ nạp tiền điện thoại, mã thẻ game khi nhận hàng". Khi chúng tôi nêu lý do mã thẻ game mua khó khăn, Hiền khẳng định chỉ có cách đó để bảo đảm an toàn. Đối tượng này không nhận chuyển khoản, không nhận tiền mặt để tránh bị lộ thông tin, tránh tình trạng dùng tiền giả đổi tiền giả (?!). Chưa kể hiện nay trên thị trường có nhiều mối bán tiền giả lừa đảo hoặc chất lượng kém.

Hiền tiết lộ: "Nhiều bên lợi dụng khách có nhu cầu nhiều nên tạo trang mạng đổi tiền giả rồi lừa đảo, rao đổi tỉ lệ cao hơn nhưng bắt khách chuyển khoản đặt cọc. Hàng này mà bắt đặt cọc thì chủ yếu là lừa đảo nhận tiền rồi "lặn" thôi! Cũng có vài bên có "hàng thật" nhưng nhìn vào là biết hàng dỏm, cầm lên là biết vì màu sắc, in ấn còn thua... tờ tiền âm phủ”. Hiền là một trong những đối tượng chạy quảng cáo rất mạnh, đồng thời có số lượng "chân rết" quảng cáo rất đông. Nhiều người có nhu cầu hỏi mua tiền giả trong các nhóm kín đều được giới thiệu tới Hiền qua tài khoản Telegram "@shopthu...".

Lực lượng chức năng khám xét nơi ở của Trần Thẩm Lin, thu giữ nhiều tang vật

Tiền giả luôn kèm theo lừa đảo

Thời gian qua, nhiều đối tượng còn manh động tổ chức cơ sở sản xuất, mua bán tiền giả, lợi dụng để lừa đảo ở không ít địa phương. Mới đây, ngày 04/8/2024, Công an TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 14 đối tượng lừa đảo bán tiền giả qua mạng để chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, có 5 đối tượng cầm đầu, gồm: Phạm Minh Thành (26 tuổi), Nguyễn Hữu Nghĩa (34 tuổi), Tô Hoàng Bảo Thy (24 tuổi, cùng ngụ TP.Bảo Lộc), Nguyễn Hoài Tâm (24 tuổi, ngụ H.Bảo Lâm, Lâm Đồng), Trần Hoài Tiến (32 tuổi, ngụ H.Củ Chi, TPHCM). Các đối tượng bị khởi tố để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Đại tá Nguyễn Tấn Vũ (Trưởng Công an TP.Bảo Lộc), thủ đoạn của băng nhóm này là tạo các tài khoản ảo trên mạng xã hội Facebook rồi thuê chạy quảng cáo trên không gian mạng nhằm tạo số lượng tương tác để rao bán tiền giả, tìm người cần mua tiền giả để thực hiện hành vi lừa đảo. Trong các quảng cáo trên mạng Facebook, nhóm này thông tin nhận đổi tiền giả với tỉ lệ rất cao là 200 ngàn đồng tiền thật đổi 5 triệu đồng tiền giả, 250 ngàn đồng tiền thật đổi 10 triệu đồng tiền giả... Khi đặt mua tiền giả, khách hàng không cần đặt cọc mà chỉ cần cung cấp số ĐTDĐ và địa chỉ nhận hàng. Lợi dụng việc giao dịch hàng cấm khiến bên mua e ngại, không dám kiểm tra công khai trước khi trả tiền theo hình thức COD (nhận hàng rồi thanh toán), các đối tượng đóng gói bên trong hộp là những tờ tiền âm phủ, kèm các vật dụng khác như bột khử mùi, xi-măng...

Trần Thẩm Lin bị bắt về hành vi "làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả”

Qua điều tra bước đầu, từ tháng 01/2024 đến khi bị bắt, đường dây của các đối tượng trên đã bán trót lọt hơn 23.000 "đơn hàng" trong cả nước, chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng. Khám xét địa điểm nơi nhóm này hoạt động, cơ quan chức năng thu giữ nhiều bao tải chứa tiền âm phủ mệnh giá 200 ngàn đồng và nhiều hộp giấy chứa các loại hạt khử mùi, xi-măng được đóng gói, dán tiền âm phủ bên ngoài. Ngoài ra, lực lượng Công an còn tạm giữ 1 ôtô, 1 xe máy, 15 bộ máy tính để bàn, 10 thẻ ATM, 19 ĐTDĐ... được các đối tượng dùng để thực hiện hành vi lừa đảo.

Trước đó, tháng 6/2024, Công an tỉnh An Giang cũng đã triệt phá một đường dây sản xuất, tàng trữ và lưu hành tiền giả quy mô lớn. Đường dây này bị phát hiện khi Đỗ Chí Huyện (SN 1999, quê Sóc Trăng) bị bắt giữ tại chợ Vịnh Tre (TT.Vĩnh Thạnh Trung, H.Châu Phú, An Giang). Thời điểm bị bắt, Huyện vừa đi xe khách từ TPHCM về chợ Vịnh Tre để nhận 8 triệu đồng tiền giả đặt mua từ trước. Sau khi cầm tiền giả, Huyện kiểm tra thử bằng cách dùng 2 tờ tiền mệnh giá 200 ngàn đồng ghé tiệm tạp hóa mua hàng thì bị người dân phát hiện.

Từ lời khai của Huyện, cơ quan chức năng đã bắt giữ nhiều đối tượng khác liên quan đến đường dây này là Huỳnh Nhựt Thư (SN 1996) cùng em ruột Huỳnh Bé Thư (SN 2001, ngụ H.Châu Phú). Tiến hành khám xét nơi ở của chị em Thư, cơ quan điều tra thu giữ hơn 29 triệu đồng tiền giả. Mở rộng điều tra, ngay trong ngày, lực lượng Công an tiến hành bắt giữ, khám xét khẩn cấp nơi ở của Võ À Minh (SN 2004), thu giữ 67,7 triệu đồng tiền giả nhiều mệnh giá khác nhau cùng nhiều máy móc, thiết bị dùng để sản xuất tiền giả.

Nhóm đối tượng lợi dụng chiêu trò tiền thật đổi tiền giả để lừa đảo, bị Công an TP.Bảo Lộc bắt giữ

Ngày 19/3/2024, Phòng An ninh điều tra (ANĐT) - Công an tỉnh Hậu Giang phối hợp các phòng nghiệp vụ phá chuyên án "làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả” liên tỉnh. Từ đầu năm 2024, qua công tác nghiệp vụ, đơn vị phát hiện có một đường dây làm, tàng trữ và lưu hành tiền giả liên quan nhiều đối tượng ở các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ, trong đó có đối tượng ở Hậu Giang nên báo cáo Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh. Từ các tài liệu, chứng cứ đã thu thập, ngày 08/3, Cơ quan ANĐT - Công an tỉnh Hậu Giang bắt giữ, khám xét nơi ở của Trần Thẩm Lin (SN 2000, ngụ P.Vĩnh Hiệp, TP.Rạch Giá, Kiên Giang), thu giữ hơn 640 triệu đồng tiền giả loại 500 ngàn đồng cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan đến việc làm tiền giả.

Cùng ngày, cơ quan điều tra đã bắt giữ 2 đối tượng mua tiền giả của Lin là Huỳnh Hoàng Đức Anh (SN 2003) và Cao N.Y (SN 2007, ngụ Hậu Giang), thu giữ 3 tờ tiền giả loại 500 ngàn đồng mà 2 đối tượng này sử dụng để mua hàng của người dân. Các đối tượng đã bị khởi tố về các hành vi "làm, tàng trữ, lưu hành tiền giả”, "lưu hành tiền giả”. Xét thấy vụ việc có tính chất nghiêm trọng, Cơ quan ANĐT - Công an tỉnh Hậu Giang phối hợp Công an các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang bắt tiếp nhiều đối tượng khác đã mua tiền giả của Lin.

Chiều 01/8/2024, tại trụ sở Công an Q6, Thiếu tướng Mai Hoàng - Phó Giám đốc Công an TPHCM - đã trao quyết định khen thưởng của Giám đốc Công an TPHCM cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong triệt phá đường dây mua bán trái phép chất ma túy; sản xuất, lưu hành tiền giả và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, vật liệu nổ do Phan Thảo Diễm Nhi (SN 1994, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) cầm đầu. Tại buổi lễ, Thiếu tướng Mai Hoàng ghi nhận, biểu dương thành tích của Công an Q6, Công an Q5, Phòng CSĐTTP về ma túy, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TPHCM, Tổ công tác 363 - Công an Q5 tham gia triệt phá đường dây tội phạm trên.

Thiếu tướng Mai Hoàng - Phó Giám đốc Công an TPHCM trao khen thưởng cho các đơn vị có thành tích xuất sắc

Trước đó, từ nguồn tin của Tổ công tác 363 - Công an Q5, Công an Q5 và Công an Q6 đã lập chuyên án truy xét, khám phá đường dây mua bán trái phép chất ma túy liên quan đến Phan Thảo Diễm Nhi. Với tinh thần tấn công tội phạm, quyết tâm "không đánh khúc giữa, bắt toàn bộ đường dây và chủ mưu, cầm đầu", lực lượng chức năng đã thu thập thông tin, mật phục theo dõi nắm bắt quy luật, phương thức hoạt động của nhóm nghi phạm, tiến hành bắt giữ 11 đối tượng, thu hơn 13,5kg ma túy (2.100 viên thuốc lắc, 12,3kg ma túy tổng hợp các loại), 1 quả lựu đạn, 1 khẩu súng ngắn, 12 viên đạn... Mở rộng điều tra, Công an Q6 phát hiện và thu giữ 4 tờ tiền giả mệnh giá 500 ngàn đồng từ Lê Phan Huy. Qua đấu tranh, Huy đã thừa nhận hành vi sản xuất tiền giả.

Bình luận (0)

Lên đầu trang