Nhận hối lộ hơn 14 tỷ đồng, cựu Phó vụ trưởng bị đề nghị 12-13 năm tù

Thứ Tư, 28/05/2025 16:05

|

(CAO) Chiều 28/5, tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Lộc An (cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương) liên quan đến sai phạm trong cấp phép doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo 12-13 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Ngày 28/5, Toà án nhân dân TP Hà Nội đã đưa cựu Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương Nguyễn Lộc An và 3 bị cáo ra xét xử về các tội Nhận hối lộ, Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Tại phiên toà, ngoài bị cáo Nguyễn Lộc An, đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh (nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng) 3 năm tù treo về tội Đưa hối lộ; bị cáo Trần Trác Việt Đức (cựu Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt) bị phạt 11-12 năm tù và Đỗ Thị Tuyết Nga (cựu Kế toán trưởng Công ty Bách Khoa Việt) 3-4 năm tù cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ngoài ra, đại diện VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Đức bồi thường thiệt hại cho Nhà nước 105 tỷ đồng; đề nghị tịch thu 14,2 tỷ đồng mà bị cáo Nguyễn Lộc An đã nhận hối lộ.

Từ lá đơn tố giác

Vụ việc bắt đầu từ lá đơn tố giác của bà Trần Thị Loan Phương (Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt). Thời điểm cuối năm 2012, bà Phương quen ông Nguyễn Lộc An.

Đầu năm 2015, Công ty Bách Khoa Việt có văn bản đề nghị Bộ Công Thương cấp giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu. Thời điểm đó, Bộ Công Thương có quyết định giao ông Nguyễn Lộc An làm Trưởng đoàn kiểm tra điều kiện cấp giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty Bách Khoa Việt.

Bà Phương đã gặp ông An, đưa cho ông này 200 triệu đồng kèm lời đề nghị được giúp đỡ để Công ty Bách Khoa Việt được cấp giấy phép. Ngày 4/2/2015, Công ty Bách Khoa Việt được Bộ Công Thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân xăng dầu.

Cựu Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương Nguyễn Lộc An tại toà

Khoảng tháng 8/2015, bà Phương đến nhà ông An ở Hà Nội nhờ giúp Công ty Bách Khoa Việt được làm thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và được cựu Phó Vụ trưởng đồng ý. Tại cuộc gặp này, ông An nói rằng mình đang có ý định mua căn nhà to hơn nhưng chưa đủ tiền và gợi ý bà Phương “hỗ trợ” tiền mua nhà.

Đến đầu tháng 9/2015, ông An chủ động gọi điện đề nghị bà Phương “hỗ trợ” 9 tỷ đồng để mua nhà, dặn bà Phương chuyển tiền vào tài khoản của vợ ông. Sau đó, bà Phương đã chuyển 9 tỷ đồng vào tài khoản theo đúng ý của cựu Phó vụ trưởng.

Đến ngày 9/9/2023, bà Phương đã chủ động làm đơn tố giác việc ông Nguyễn Lộc An nhận hối lộ và tích cực hợp tác với CQĐT làm rõ bản chất vụ án.

Viện KSND Tối cao cho rằng, hành vi của bà Trần Thị Loan Phương là đưa hối lộ. Tuy nhiên, khi hành vi chưa bị phát giác, bà Phương đã nhận thức được sai phạm nên chủ động làm đơn tố giác việc ông Nguyễn Lộc An nhận hối lộ. Bà Phương đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với CQĐT làm rõ bản chất vụ án.

Trên cơ sở tố giác của bà Phương, CQĐT đã thu thập đủ chứng cứ và khởi tố ông An. Căn cứ quy định tại BLHS và Nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, CQĐT miễn trách nhiệm hình sự đối với bà Phương nhưng tịch thu toàn bộ số tiền 9,2 tỷ đồng sung công quỹ.

Kết quả điều tra cũng xác định, ngoài số tiền 9,2 tỷ đồng nhận của bà Trần Thị Loan Phương, cựu Phó vụ trưởng Nguyễn Lộc An còn nhận 5 tỷ đồng của ông Nguyễn Tuấn Quỳnh để tạo điều kiện cho Công ty Long Hưng được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu và giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trái quy định.

Vợ chồng ông An đã dùng 14 tỷ đồng để mua căn biệt thự ở quận Tây Hồ, Hà Nội để ở. Số tiền 200 triệu đồng còn lại, bị cáo An dùng chi tiêu ăn uống, sinh hoạt cá nhân hết.

Cựu Phó vụ trưởng khai gì khi bị tố cáo?

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Lộc An thừa nhận hành vi nhận hối lộ và bày tỏ sự hối hận. Bị cáo khai sẽ cố gắng vận động gia đình khắc phục thêm hậu quả vụ án 500 triệu đồng.

Về nội dung vụ án, bị cáo An khai, năm 2012 có vào Sài Gòn dự sinh nhật một người bạn làm kinh doanh xăng dầu và quen biết bà Trần Thị Loan Phương (nguyên Chủ tịch Công ty Bách Khoa Việt).

Các bị cáo tại toà

Sau đó, năm 2013, bà Phương ra Hà Nội gặp An, trình bày muốn kinh doanh xăng dầu. Bị cáo An giới thiệu cho bà Phương mua cây xăng đầu tiên để bán lẻ. Năm 2015, ông An tiếp tục giới thiệu cho bà Phương mua 3 cửa hàng bán xăng ở Bến Tre. Mỗi cây xăng có giá khoảng 5 - 7 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2015, bà Phương gặp An ở Nhà khách Bộ Công Thương và đưa túi quà rồi nói: “em có áo sơ mi biếu anh”. Khi bà Phương về, An mở túi quà thấy có 200 triệu đồng. Bị cáo An khai thêm, “Phương nói nhờ anh mua chút quà cho gia đình”.

Sau khi Công ty Bách Khoa Việt lên thương nhân phân phối xăng dầu, tháng 5/2015, An vào Sài Gòn, bà Phương lại nhờ giúp Bách Khoa Việt lên xuất nhập khẩu xăng dầu.

Cựu Vụ phó cũng khai, lần vào Sài Gòn này, bà Phương cùng An tìm nhà trong Sài Gòn nhưng đi suốt 1 ngày không được. Sau đó, thấy An nói không đủ tiền mua, bà Phương chủ động đưa tiền. “Tôi nói tôi tính toán tiền mua nhà ngoài này và bảo Phương, anh chỉ lấy em 9 tỷ đồng thôi. Anh vay em 4 tỷ đồng, còn lại em biếu anh 5 tỷ đồng. Sau đó, Phương gửi cho tôi 9 tỷ đồng” - bị cáo An khai tiếp.

Trước câu hỏi vì sao đến khi bà Phương bị bắt vẫn chưa trả tiền vay, bị cáo An khai đã hỏi Phương để trả 4 tỷ đồng nhưng Phương bảo thôi. Bị cáo An còn nói thời điểm cuối 2016, 2017, bà Phương “làm ăn rực rỡ”, kinh doanh mỗi tháng kiếm được 30 tỷ đồng. Nhớ lại một bữa ăn vào năm 2017 có bà Phương và em trai (bị cáo Trần Trác Việt Đức), bà Phương cầm một tập sổ đỏ bảo “em cho anh chọn, em biếu anh cái nhà Sài Gòn”.

Cùng năm 2017, bà Phương nói với An muốn chuyển toàn bộ tài sản từ Công ty Bách Khoa Việt sang một công ty khác đứng tên người em gái. An khai: “Tôi ngờ ngợ có vấn đề, hỏi tại sao. Phương khai thật vừa có một vụ và muốn cho Bách Khoa Việt phá sản luôn. Tôi bảo không được vì Bách Khoa Việt còn nợ rất nhiều tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, phải trả hết mới giải thể công ty được”. Đến cuối năm 2018, An biết bà Phương dính vào một vụ buôn lậu và trốn truy nã.

Về bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng), An khai hai người là bạn rất thân từ hồi còn đi học. Năm 2015, An là người giới thiệu cho Quỳnh mua một hệ thống xăng dầu, chính thức vươn ra phía Bắc. Có một lần An và Quỳnh đi xem đất, Quỳnh bảo “ông lấy đi, thiếu bao nhiêu tôi hỗ trợ”. An chỉ lấy 5 tỷ đồng, còn 5 tỷ đồng nói vay. 

Tại toà, khai về mối quan hệ với cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh thừa nhận chuyện giúp cựu Phó Vụ trưởng chuyện mua nhà. Về việc vay mượn mà không viết giấy, bị cáo Quỳnh nói là bạn bè rất thân nên không nghĩ chuyện đó. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Tuấn Quỳnh cũng thừa nhận hành vi của bản thân là vi phạm pháp luật.

Trong vụ án Xuyên Việt Oil, Nguyễn Lộc An bị cáo buộc nhận từ Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil 400 triệu đồng cùng chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe. Với cáo buộc nhận hối lộ, tháng 11/2024, bị cáo An bị Tòa án nhân dân TPHCM tuyên phạt mức án 4 năm tù.

Ngày 12/5, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TPHCM cho rằng không có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt cho An, do bị cáo giữ vai trò tích cực trong việc cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu cho Công ty Xuyên Việt Oil, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Trước đó, năm 2002, bị cáo Nguyễn Lộc An bị Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử và tuyên phạt mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Trốn thuế”, theo Điều 161 - Bộ luật Hình sự năm 1999. Sau đó, tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang