Trầm Bê nhận án 4 năm tù

Thứ Hai, 06/08/2018 14:37

|

(CAO) Ngày 6-8, sau hai tuần xét xử sơ thẩm và nghị án, vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), TAND TP.HCM đã tuyên án.

Theo đó, Phạm Công Danh nhận mức án 20 năm tù, tổng hợp bản án 30 năm tù trước đó, buộc bị cáo phải chấp hành 2 bản án là 30 năm tù; Phan Thành Mai 10 năm tù tổng hợp bản án 22 năm trước đó, bị cáo phải chấp hành 2 bản án là 30 năm tù; Mai Hữu Khương 10 năm, tổng hợp bản án 20 năm trước đó, bị cáo phải chấp hành 2 bản án là 30 năm tù; Hoàng Đình Quyết 3 năm, tổng hợp bản án 19 năm trước đó, bị cáo phải chấp hành 2 bản án là 22 năm tù; Trầm Bê 4 năm tù; Hoàng Đình Quyết 3 năm, tổng hợp bản án 19 năm trước đó, bị cáo phải chấp hành 2 bản án là 22 năm tù.

Các bị cáo còn lại cũng phải lãnh từ 3 năm tù treo tới 4 năm tù giam.

Toàn cảnh phiên xét xử

HĐXX xét thấy quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền. Tại tòa, các luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng vụ án tách ra thành 2 giai đoạn là không có lợi cho các bị cáo. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp, liên quan tới nhiều bị cáo với nhiều hành vi phạm tội nên việc tách ra là hoàn toàn cần thiết.

Quá trình xét xử, lời khai của các bị cáo là phù hợp các tài liệu, hồ sơ vụ án nên có cơ sở xác định Phạm Công Danh đã cùng thuộc cấp thực hiện hiện hàng loạt hàng vi sai phạm, không thông qua tổ giám sát ngân hàng nhà nước để có tiền tái cơ cấu ngân hàng Đại Tín và duy trì việc thanh khoản ngân hàng.

Hành vi của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB. Theo đó, Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty để vay vốn tại Sacombank, TPBank, BIDV.

Đồng thời, Danh dùng tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng này để cầm cố, bảo lãnh cho các khoản vay của các công ty mà Danh mượn pháp nhân. Khi đến hạn trả nợ các công ty của Danh không thực hiện nghĩa vụ nên bị 3 ngân hàng trên thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, với tổng số tiền là hơn 6.100 tỷ đồng. Trong đó, Sacombank là hơn 1.800 tỷ đồng, TPBank là hơn 1.740 tỷ đồng và BIDV là hơn 2.500 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền các công ty vay từ 3 ngân hàng được Danh chỉ đạo sử dụng cho các mục đích cá nhân của mình. Trong khi đó, ngân hàng VNCB thực hiện việc bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty, dẫn đến ngân hàng VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng.

Đối với nhóm bị cáo là nguyên cán bộ lãnh đạo của VNCB: Phạm Công Danh là người đề ra chủ trương và chỉ đạo việc lập khống hồ sơ vay gửi hơn 6.630 tỷ đồng của VNCB sang thị trường 2 tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV và dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty vay tiền tại 3 ngân hàng đó lấy tiền để Danh sử dụng.

Hành vi của Phạm Công Danh đã gây thiệt hại hơn 6.126 tỷ đồng của VNCB nên phải chịu trách nhiệm hình sự toàn bộ số tiền này.

Đối với Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Hoàng Đình Quyết, Phan Minh Tùng, Nguyễn Việt Hà,... đã giúp sức cho Phạm Công danh thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho VNCB. Đối với nhóm bị cáo là cán bộ tại 3 ngân hàng thừa nhận có sai sót trong quá trình cho vay nhưng mong HĐXX xem xét về bối cảnh để có mức án phù hợp đối với các bị cáo.

Bị cáo Trầm Bê tại phiên xét xử

Đối với Trầm Bê, là người biết Phạm Công Danh cần tiền sử dụng nhưng Danh không thể vay tiền trực tiếp tại VNCB được nên Trầm Bê đã cùng Phan Huy Khang cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng. Hồ sơ cho vay đều là các hồ sơ lập khống, các công ty vay vốn đều không có hoạt động kinh doanh, không thẩm định, không kiểm tra sau khi cho vay, nhưng Trầm Bê đã bỏ mặc cho Phạm Công Danh sử dụng tiền vay trái quy định.

HĐXX cũng cho rằng số tiền 4.500 tỷ đồng là của bị cáo Danh, đã chuyển vào VNCB nhưng không bóc tách được, tuy nhiên ngân hàng vẫn chưa hạch toán tăng vốn. HĐXX xét thấy số tiền này được xem là tài sản của bị cáo Danh, cần được thu hồi, phù hợp với quy định pháp luật.

Tuy nhiên trong số tiền này có 2.300 tỷ đồng là tiền vay tại BIDV, cần được khấu trừ do đó chỉ thu hồi 2.200 tỷ đồng để bồi hoàn cho VNCB.

Tòa cũng tuyên buộc, bà Hứa Thị Phấn hoàn trả 600 tỷ đồng cho VNCB; BIDV Sở Giao dịch II bồi hoàn cho VNCB 1.176 tỉ đồng; BIDV chi nhánh Hải Vân trả cho VNCB 457 tỉ đồng; buộc ông Trần Quí Thanh phải trả lại cho VNCB 194 tỉ đồng.

Các tài sản của gia đình Trầm Bê không liên quan đến vụ án được giải tỏa kê biên…

Bình luận (0)

Lên đầu trang