Nhận diện những thủ đoạn tinh vi của tội phạm buôn lậu xăng dầu trên biển

Chủ Nhật, 20/03/2022 23:32

|

(CAO) Theo đánh giá của cơ quan chức năng Bộ đội Biên phòng, trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng cao, các đối tượng kinh doanh, buôn bán xăng dầu lợi dụng tình trạng khan hiếm sẽ đẩy mạnh các hành vi buôn lậu, sản xuất, buôn bán xăng dầu giả, kém chất lượng nhằm trục lợi. Đặc biệt, tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Liên tiếp phát hiện nhiều vụ buôn bán, vận chuyển xăng dầu trái phép

Thực tế cho thấy, từ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển vẫn diễn biến phức tạp. Mới đây, ngày 2-3-2022, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), Công an TPHCM và Bộ đội Biên phòng TP kiểm tra 2 tàu (số hiệu SG 9231, SG 3190) và một sà lan chứa dầu đang neo đậu tại khu vực sông Sài Gòn (thuộc phường Phú Thuận, quận 7), của Công ty TNHH Thương mại vận tải xăng dầu Phúc Thọ (Công ty Phúc Thọ), đã phát hiện khoảng 500 tấn dầu FO và DO, trong đó khoảng 200 tấn dầu không có hóa đơn chứng từ, không nguồn gốc, xuất xứ và gần 300 tấn dầu chưa có đầy đủ hóa đơn chứng từ kèm theo.

Kết quả kiểm tra ban đầu xác định: Tàu SG 9231 chứa 306 tấn dầu DO (tương đương 370.000 lít), chỉ có phiếu xuất kho của Tổng Công ty Xăng dầu Nhà Bè, trong đó, 120 tấn dầu DO không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Tàu SG 3190 chứa 96 tấn dầu DO (tương đương 103.000 lít), trong đó, 5 tấn dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Sà lan chứa 77 tấn dầu FO (tương đương 88.000 lít) không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu nhập lậu thông qua hình thức tái xuất cho tàu biển quốc tế.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều điểm khuất tất trên các phương tiện chở xăng dầu, như trên tàu có hầm bí mật chứa xăng dầu được ngụy trang rất tinh vi bằng chiếc tủ cá nhân, chỉ cần đẩy chiếc tủ khỏi vị trí, thì ngay bên dưới là nắp hầm bí mật với các đường ống dẫn dầu được đấu nối với hầm chứa dầu của con tàu. Trong đó, thuyền trưởng tự ý phá niêm phong họng bơm để lắp đường ống dẫn dầu đến hầm bí mật. Kết quả kiểm tra đã bước đầu xác định, Công ty Phúc Thọ đã có dấu hiệu sai phạm trong kinh doanh xăng dầu và buôn lậu xăng dầu.

Lực lượng Biên phòng kiểm tra tàu Hải Long 86 vận chuyển trái phép 300m3 xăng RON 95

Vùng biển Tây Nam có số lượng tàu cá hoạt động lớn nhất cả nước, nên nhu cầu về xăng dầu phục vụ khai thác thủy sản khá cao. Nắm bắt được thực tế trên, nhất là tình hình khan hiếm, cung không đủ cầu, giá xăng dầu liên tục tăng cao như hiện nay, các đối tượng buôn lậu đã tìm mọi cách mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này từ nước ngoài về vùng biển Việt Nam tiêu thụ.

Gần đây nhất, ngày 4-3, tại vùng biển cách Nam đảo Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau khoảng 100 hải lý, Cảnh sát biển Vùng 4 phát hiện tàu cá mang số hiệu BL93903 TS do ông Trương Văn Mười (SN 1977, trú tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng, đang vận chuyển trái phép khoảng 60.000 lít dầu DO.

Trước đó, ngày 17-2, tại vùng biển cách Nam đảo Thổ Chu khoảng 55 hải lý, Cảnh sát biển Vùng 4 phối hợp với BĐBP Kiên Giang phát hiện tàu cá mang số hiệu KG 94337 TS đang vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu DO. Tại thời điểm kiểm tra, ông Phan Hoàng Sa (SN 1984, trú tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số dầu nói trên. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện số hiệu ghi trên tàu cá này là giả, không trùng khớp số hiệu thật…

Nhiều thủ đoạn tinh vi

Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên vùng biển diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát. Ví dụ như tại vùng biển Tây Nam, số lượng tàu cá hoạt động tới khoảng 16.000 phương tiện, nên nhu cầu xăng dầu phục vụ các tàu cá khai thác thủy sản khá cao. Lợi dụng sự chênh lệch giữa giá trong nước và các nước lân cận, một số đối tượng đã tìm mọi cách mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển có thể chia thành 3 nhóm đối tượng: Các chủ tàu cá mua xăng dầu từ tàu nước ngoài với giá rẻ, rồi bán ngay cho các tàu cá khác. Các chủ tàu, doanh nghiệp tư nhân mua xăng dầu từ các tàu vận tải, rồi bán cho những tàu cá hoặc đại lý xăng dầu trên bờ. Các tàu được phép bán lẻ xăng dầu thay vì mua từ đất liền thì mua ngay của các tàu chở xăng dầu trên biển để bán lại.

Tàu BTr 99900TS vận chuyển 100 m3 dầu DO lậu bị lực lượng BĐBP bắt giữ

Để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu xăng dầu đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, các chiêu thức mới, hoạt động có tổ chức, khiến công tác đấu tranh, ngăn chặn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Các đối tượng có thể cải hoán tàu cá thành tàu chở xăng dầu, ngụy trang dụng cụ trên tàu là khai thác thủy sản để che đậy việc mua bán xăng dầu trái phép...

Đặc biệt, nhiều đối tượng còn sử dụng nền tảng thương mại điện tử trong các giao dịch, áp dụng công nghệ cao vào hoạt động buôn lậu, như trang bị radar, định vị hiện đại để phát hiện lực lượng chức năng từ xa hòng nhanh chóng tẩu thoát. Ngoài ra, để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các tàu vi phạm thường neo đậu ở vùng biển giáp ranh đường phân định, rồi lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu hoặc vào thời điểm lực lượng chức năng bàn giao ca để bơm xăng dầu sang các tàu nhỏ. Nhiều tàu vận chuyển trái phép xăng dầu còn dùng thủ đoạn như thay đổi tên và số hiệu phương tiện, tuyến hành trình, tắt thiết bị định vị....

Các đối tượng lợi dụng vùng biển rộng để mua bán, sang mạn trái phép xăng dầu tại các vị trí đã hẹn trước nên rất khó bị phát hiện, bắt giữ. Cùng với đó, để đối phó với các lực lượng chức năng, hầu hết các đối tượng khi mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển bị phát hiện, bắt giữ, tìm cách thông báo cho đồng bọn trong đất liền hợp thức hóa các chứng từ, hồ sơ.

Thực tế, việc giao nhận xăng dầu đều diễn ra trên biển, hoạt động khép kín và đối tượng cầm đầu thường không trực tiếp “xuất đầu lộ diện” mà chỉ đạo gián tiếp thông qua thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu. Việc giao, nhận tiền được thực hiện khá tinh vi, lắt léo trong đất liền và diễn ra nhanh chóng. Các chủ đầu nậu sử dụng điện thoại thường dùng sim “rác” để giao dịch nên khi cơ quan chức năng bắt giữ thì việc xác định chủ hàng, chứng minh yếu tố vi phạm pháp luật, xử lý vụ án gặp rất nhiều khó khăn.

Hầu hết các vụ án mà các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý chỉ là người vận chuyển thuê hoặc những đối tượng mua bán, vận chuyển nhỏ lẻ, còn những “ông trùm” điều hành hoạt động mua bán, phân phối trái phép xăng dầu đang ở nước ngoài và trên các phương tiện vận chuyển lớn chỉ hoạt động ở vùng biển giáp ranh và các vùng biển quốc tế. Vì vậy, công tác đấu tranh, triệt phá tận gốc các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển vẫn là thách thức lớn đối với các lực lượng chức năng.

Trước thực trạng trên, cùng với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh trật tự vùng biển, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo BĐBP các tỉnh, thành phố áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ Biên phòng, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm; tích cực phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đầu cơ, nhập lậu xăng dầu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang