Lập hàng loạt công ty "sân sau" để trúng thầu
Theo đó, Nguyễn Minh Quân (nguyên Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) và Nguyễn Văn Lợi (SN 1986, nguyên Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm) bị truy tố về tội "tham ô tài sản" và "rửa tiền"; Ngô Trương Bích Ngọc (SN 1987, nguyên Trưởng phòng Phòng vật tư trang thiết bị y tế, Bệnh viện Thủ Đức), Nguyễn Huy Việt (SN 1980, nguyên nhân viên Phòng vật tư trang thiết bị y tế Bệnh viện Thủ Đức), Đặng Thị Hiên (SN 1985, nguyên Kế toán trưởng Bệnh viện Thủ Đức), Nguyễn Thị Ngọc (SN 1973, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức), Nguyễn Lan Anh (SN 1984, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) và Trần Hậu Nghĩa (SN 1986, nguyên Giám đốc Công ty TNHH thiết bị y tế Hải Đăng) bị truy tố về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; Nguyễn Trần Ngọc Diễm (SN 1972, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Đạo) bị truy tố về tội "rửa tiền".
Cáo trạng thể hiện, Bệnh viện TP.Thủ Đức (Bệnh viện Thủ Đức), tiền thân là Trung tâm Y tế H.Thủ Đức, sau đó là Bệnh viện Q.Thủ Đức thuộc UBND Q.Thủ Đức. Từ ngày 17/3/2020, Bệnh viện Thủ Đức thuộc Sở Y tế TPHCM, là đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Từ năm 2007 đến thời điểm khởi tố bị can (2021), Nguyễn Minh Quân giữ chức vụ giám đốc bệnh viện, chủ tài khoản có trách nhiệm về các quy định hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập.
Quá trình Bệnh viện Thủ Đức được tổ chức mua sắm thiết bị y tế để phục vụ khám chữa bệnh, Quân lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao đã tham ô tài sản thông qua việc sử dụng các công ty gia đình để nâng khống giá thiết bị y tế bán vào bệnh viện, điều hành chi phối nhân viên dưới quyền vi phạm các quy định về đấu thầu, thực hiện hành vi "rửa tiền" để hợp thức nguồn tiền chiếm đoạt trái pháp luật.
Bệnh viện Thủ Đức
Cụ thể, Bệnh viện Thủ Đức đã tổ chức đấu thầu 31 gói thầu mua sắm thiết bị y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh (từ năm 2016 - 2020). Trong đó có 28 gói thầu đã phê duyệt kết quả trúng thầu đã hoàn thiện việc thanh toán với tổng giá trị hơn 346,2 tỷ đồng. Để can thiệp thâu tóm toàn bộ các gói thầu nêu trên, Quân đã chỉ đạo Nguyễn Văn Lợi (là người làm thuê cho vợ chồng Quân) thành lập, sử dụng Công ty TNHH Ngọc Đạo (do Nguyễn Trần Ngọc Diễm là vợ của Quân là người đại diện pháp luật). Tuy nhiên, Diễm có văn bản ủy quyền cho Nguyễn Văn Lợi là người đại diện pháp luật để Lợi sử dụng pháp nhân theo chỉ đạo của Quân.
Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước gồm Sở Y tế TPHCM và UBND TP.Thủ Đức đồng ý về mặt chủ trương mua sắm thiết bị y tế, nhưng không cấp ngân sách mua sắm vật tư, Bệnh viện Thủ Đức tự thực hiện hoạt động đấu thầu, không phát hiện có hành vi thông đồng, bao che cho các sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Thủ Đức.
Tiếp đến là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm, do Nguyễn Văn Lợi đứng tên chủ sở hữu và đại diện theo pháp luật. Công ty TNHH Thanh Vương Sài Gòn do Đồng Thị Xuân Thu (vợ của Lợi) đại diện theo pháp luật; Công ty TNHH Dược phẩm Trung Dung, người đại diện theo pháp luật là Phạm Thị Bích Chi (kiêm kế toán của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm).
Khi tham gia đấu thầu trang thiết bị y tế vào Bệnh viện Thủ Đức, Quân chỉ đạo Lợi giao cho nhân viên lập các hợp đồng mua bán khống, lòng vòng giữa các công ty trong nhóm để nâng giá thiết bị máy móc cao hơn giá thị trường, sau đó sử dụng 3 công ty trong nhóm 4 công ty do Lợi quản lý để nộp hồ sơ dự thầu với giá máy móc thiết bị đã nâng khống. Khi làm hồ sơ tham gia đấu thầu, Lợi chỉ đạo Trần Hậu Nghĩa (được thuê làm Giám đốc Công ty TNHH thiết bị y tế Hải Đăng, đồng thời là Phó Giám đốc Công ty Ngọc Đạo) cố tình làm 1 hồ sơ có tiêu chí tốt hơn 2 hồ sơ còn lại, mục đích để một công ty trúng thầu.
Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Văn Lợi
Ép cấp dưới, nâng khống giá thiết bị y tế
Tại Bệnh viện Thủ Đức, Nguyễn Minh Quân thành lập Tổ mua sắm do Ngô Trương Bích Ngọc, Trưởng phòng vật tư trang thiết bị y tế làm Tổ trưởng; Nguyễn Huy Việt, nhân viên phòng vật tư trang thiết bị y tế là thành viên và Đặng Thị Hiên, Trưởng đơn vị đầu tư dự án. Hàng năm, Quân ký các quyết định thành lập các tổ thực hiện hoạt động đấu thầu, như Tổ soạn thảo hồ sơ mời thầu, Tổ mời thầu, Tổ chuyên gia xét thầu và Tổ thẩm định đấu thầu cho đủ thành phần, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu thầu từ khâu lập dự toán đến tổ chức mời thầu, chấm thầu, ký hợp đồng; Quân giao cho Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Lan Anh đều là Phó Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, làm tổ trưởng. Thực chất, các tổ đấu thầu hoạt động theo quyết định được phân công, chỉ ký hoàn thiện, hợp thức hồ sơ.
Mặc dù biết rõ các công ty do Nguyễn Văn Lợi điều hành, quản lý đều là công ty "sân sau" của Nguyễn Minh Quân, nhưng theo chỉ đạo của Quân, Tổ mua sắm đã thực hiện các hành vi sai phạm. Đơn cử, Đặng Thị Hiên liên hệ với các khoa, phòng tiếp nhận đề xuất mua trang thiết bị y tế để lập danh mục dự trù mua sắm; Ngô Trương Ngọc Bích liên hệ với Nguyễn Văn Lợi lấy các báo giá, cấu hình kỹ thuật trang thiết bị y tế của các công ty của Lợi, phối hợp với Hiên lập dự toán mua sắm trang thiết bị y tế để Quân ký, trình Sở Y tế TPHCM và UBND Q.Thủ Đức xin phê duyệt.
Do các thành viên tổ mua sắm không trực tiếp tiến hành thẩm định giá dự toán của các thiết bị máy móc mà lấy báo giá đã bị Lợi chỉ đạo nâng khống dẫn đến giá dự toán đưa vào hồ sơ thầu cao hơn giá nhập khẩu nhiều lần. Sau khi được phê duyệt dự toán mua sắm, Bệnh viện Thủ Đức tổ chức đấu thầu rộng rãi, Bích liên hệ với Lợi để thông báo về kế hoạch đấu thầu và phối hợp cho nhóm công ty của Lợi nộp hồ sơ tham gia dự thầu.
Nhóm bị cáo "chạy án" hơn 60 tỷ đồng cho cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức - Nguyễn Minh Quân
Quá trình thực hiện thủ tục đấu thầu, Bích giao cho Nguyễn Huy Việt xây dựng hồ sơ mời thầu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất kỹ thuật, hồ sơ đề xuất tài chính; đồng thời lập các báo cáo về thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ về tài chính, ấn định cho nhóm công ty của Lợi trúng thầu 27/28 gói thầu và được thanh toán các hợp đồng với giá máy móc, thiết bị đã được nâng khống, gây thiệt hại tài sản Nhà nước. Sau đó, Việt căn cứ vào vị trí, nhiệm vụ của các thành viên trong các tổ đấu thầu của Bệnh viện Thủ Đức để chuyển các tài liệu trên cho các thành viên ký hợp thức, hoàn thiện thủ tục đấu thầu.
Không những vậy, Quân còn chỉ đạo Lợi sử dụng các công ty "sân sau" để ký hợp đồng khống mua bán lòng vòng nâng khống giá các thiết bị máy móc, thiết bị y tế. Quân còn gây sức ép với các nhân viên cấp dưới để các công ty "sân sau" trúng thầu. Ngay khi được thanh toán tiền, Quân chỉ đạo Lợi rút tiền mặt hoặc chuyển vào các tài khoản theo yêu cầu của Quân để chiếm đoạt hơn 103,7 tỷ đồng. Hành vi này của Quân và Lợi đã phạm vào tội "tham ô tài sản" quy định tại khoản 4, Điều 353 BLHS năm 2015 (có khung hình phạt cao nhất là tử hình).
Để che giấu số tiền hơn 103,7 tỷ đồng chiếm đoạt của Bệnh viện Thủ Đức, Quân đã dùng nhiều thủ đoạn nên cũng phạm vào tội "rửa tiền" cùng với Lợi và Diễm. Về hành vi phạm tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Bích, Hiên, Việt, Ngọc, Lan Anh và Nghĩa.
Ngày 17/9/2022, TAND TP.Hà Nội xét xử và tuyên vụ án hình sự sơ thẩm 6 bị cáo trong vụ nhận 2,67 triệu USD (tương đương hơn 60 tỷ đồng) để "chạy án" cho nguyên Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức - Nguyễn Minh Quân khi Quân bị Bộ Công an phanh phui vụ án vi phạm về đấu thầu tại Bệnh viện Thủ Đức. Số tiền hơn 60 tỷ đồng là tiền phạm tội, bị tịch thu sung công quỹ. Tòa án tuyên phạt bị cáo Bùi Trung Kiên 9 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Cùng phạm tội "môi giới hối lộ", bị cáo Lê Thanh An 6 năm tù, Nguyễn Ngọc Triệu 5 năm tù; Trần Văn Long, Hà Duy Tuấn và Bùi Thị Hồng Giang đều lãnh 9 năm tù.