Thoáng đến mức... choáng
PV: Nhiều năm hành nghề, có kinh nghiệm tư vấn về luật đầu tư cho các công ty nước ngoài vào VN và các công ty VN đầu tư ra nước ngoài, theo ông, vì sao một số cá nhân tổ chức lại thích mở văn phòng tại các quốc đảo gần như không có hoạt động kinh doanh gì để hoạt động như thế?
LS Lê Thành Kính: Phải nói rằng, có nhiều đảo quốc, vùng lãnh thổ trên thế giới là thiên đường của hoạt động doanh nghiệp. Gọi là thiên đường vì nó thông thoáng đến mức không tưởng. Sự thông thoáng được mở “rum” hết cở. Họ không cần biết bạn là ai, đến tư đâu trên thế giới này, chỉ cần bạn muốn đến mở công ty đăng ký kinh doanh là họ cho. Thủ tục dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi, mức phí thấp, cụ thể, không ai “hành” người đăng ký kinh doanh cả. Thậm chí, để nhanh chóng cho người đăng ký kinh doanh, nếu đặt tên công ty trùng, mất thời gian sửa lại tên, một số đảo quốc, lãnh thổ còn làm sẵn kho dữ liệu về tên công ty, nếu khách hàng thích cái tên nào chỉ cần lựa chọn là họ cấp giấy phép ngay tức khắc.
LS Lê Thành Kính
Một điều thuận tiện nữa là họ không hề “áp” bất cứ một điều kiện nào cho người đến đây đăng ký kinh doanh: không cần khai vốn điều lệ (bao nhiêu thì tùy), muốn kinh doanh cái gì thì kinh doanh (vì họ biết người kinh hoanh ở nước nào thì phải đảm bảo luật pháp tại nước đó), muốn mở văn phòng đại diện ở đâu thì mở, giao dịch bằng hình thức nào cũng không cần biết. Cũng không cần mở tài khoản, không cần đóng thuế tại nơi đăng ký kinh doanh luôn. Cho nên có tình trạng số công ty cao gấp nhiều lần số dân trên quốc đảo của họ.
Chưa dừng lại ở đó, các đảo quốc này đều có các văn phòng đại diện tại các khu vực có hoạt động doanh nghiệp sôi động như Hồng Kông, Singapore, Thái Lan,… để đáp ứng nhu cầu đăng ký kinh doanh cho khách hàng. Khách hàng khỏi cần đến trực tiếp tại các đảo quốc trên để đăng ký kinh doanh.
PV: Xin hỏi, khách hàng của Văn phòng ông có làm dịch vụ đăng ký kinh doanh cho các các nhân, tổ chức tại các đảo quốc này không?
LS Lê Thành Kính: Có! Khách hàng của chúng tôi có mặt tại tất cả các đảo quốc được manh danh “thiên đường” như Quần đảo Virgin (BVI), Đảo Síp (Cyprus), Đảo Cayman, quần đảo Mauritius,… Và các công ty này đều đăng ký văn phòng đại diện và đang hoạt động tại Việt Nam bình thường. Cũng xin nói rõ, gần như 100% công ty thành lập tại các đảo quốc, vùng lãnh thổ trên hầu như không có hoạt động kinh doanh gì tại nơi đăng ký mà đều mở văn phòng tại diện, mở hoạt động kinh doanh, đầu tư khắp nơi trên thế giới.
“Lòng vòng” để trốn thuế và chuyển tiền ra khỏi Việt Nam
PV: Việc lập công ty, văn phòng đại diện ở nước ngoài, khi phát sinh hoạt động kinh doanh, chi phí vào, ra khỏi lãnh thổ VN đều phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật VN về chuyển tiền. Vậy các cá nhân, tổ chức thường mở các công ty tại nước ngoài bị nghi ngờ ngằm mục đích trốn thuế, rửa tiền như “tài liệu Panama” nêu bằng cách nào, thưa ông?
LS Lê Thành Kính: Đây là vấn đề mà dư luận đặt câu hỏi từ khi “tài liệu Panama’ được phơi bày. Nếu phát sinh đầu tư ở nước ngoài, hoặc từ một công ty, văn phòng nước ngoài vào VN, khi chuyển tiền đi và đến VN đều được khai báo rõ ràng, được giám sát chặt lắm. Mới nhìn sơ thì người ta có thể nói “làm gì có chuyện trốn thuế, rửa tiền, chuyển tiền ở đây. Chúng tôi làm ăn đúng pháp luật quy định”. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ các công ty được lập ở nước ngoài do các cá nhân, tổ chức trong nước lập thì sẽ hình dung ra đó là hệ thống công ty “sân sau” của các công ty trong nước. Mục đích được lập ra để làm gì?
Khung cảnh Panama
Hình thành “sân sau” ở nước ngoài để mua bán với chính công ty của mình trong nước. Ví dụ một món hàng trị giá 10 đồng, nếu mua với một công ty trên thị trường 10 đồng thì quá đơn giản, nhưng lại mua của chính công ty “sân sau” ở một địa chỉ nào đó trên toàn cầu với giá 100 đồng. Vậy là bạn hiểu vấn đề rồi chứ. Tiền sẽ được chuyện đi một cách rất hợp pháp. Khoản tiền 90 đồng rất nhẹ nhàng rời khỏi VN theo đúng ý của chủ sở hữu. Và từ đó muốn chuyển đi đâu trên toàn thế giới, sử dụng vào mục đích nào cũng thoải mải. Đã có nhiều vụ án chúng ta làm rõ được như vụ mua ụ nổi 83M trong vụ án Vinalines, mua gấp 10 lần giá trị thực. Đây là hành vi vừa trốn thuế, vừa chuyển tiền ra nước ngoài bằng “con đường nhẹ nhàng nhất”. Rất khó để thống kê được có bao nhiêu ngoại tệ chảy ra khỏi nước ta bằng cách này nhiều năm qua.
Tương tự, với thị trường chứng khoán cũng vậy. Khi luật pháp cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư chứng khoán, thì khi lập được công ty, quỹ đầu tư từ nước ngoài do chính người VN lập, họ mua bán có lời. Lẽ ra những đồng tiền đó nằm tại VN, tiếp tục đầu tư cho nguồn lực xã hội thì lại “chảy” ra nước ngoài, vào sân sau của những cá nhân người VN, để ở nước ngoài. Cho nên, tôi không ngạc nhiên khi có những người có máu mặt trong giới đầu tư chứng khoán lâu nay có tên trong “tài liệu Panama”. Đây là những lý do mà nguồn ngoại tệ chúng ta luôn thiếu.
PV: Vậy còn lý do nào nữa để các đảo quốc này trở thành “thiên đường” của các công ty mọc lên không, thưa ông?
LS Lê Thành Kính: Còn chứ! Còn một dạng những người không có vốn, lại muốn đầu tư. Chỉ cần đến các đảo quốc này mở công ty. Sau đó về VN xin dự án. Trong quá trình đi xin thì kêu gọi góp vốn hoặc vay vốn tại VN để làm ăn. Có lãi thì bị chuyển ra nước ngoài. Hoặc kêu gọi góp vốn tại chính các nhà đầu tư nước ngoài về làm dự án tại VN. Sau khi gom được tiền thì bỏ trốn. Chúng tôi từng tiếp nhận hồ sơ về những vụ lừa đảo kiểu này tại Đồng Nai, Nghệ An, Khánh Hòa. Chính các công ty nằm tại các quốc gia này nên quá trình điều tra của cơ quan điều tra VN và cả nhiều nước khác gặp khó khăn.
Theo ông, với “tài liệu Panama” này, cơ quan chức năng VN cần có hướng xử lý thế nào?
LS Lê Thành Kính: Đây chỉ là tài liệu để tham khảo cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Hành động thế nào là do quan điểm nhìn nhận. Ví dụ như một số lãnh đạo bị nêu tên tại một số nước phải từ chức trước sức ép dư luận. Họ từ chức vì không hẳn là sai sót về trốn thuế, về rửa tiền, mà vì không kê khai đầy đủ khi được yêu cầu. Tức là gian dối. Mà gian dối thì dân người dân ở đó không thể chấp nhận, buộc anh phải từ chức.
Riêng với VN, theo tôi, cơ quan chức năng nên lập một ban để tiếp nhận thông tin, phối hợp với các tổ chức quốc tế như Interpol chẳng hạn, rà soát lại những hoạt động của các cá nhân, công ty được nêu tên. Có thể đối thoại với từng trường hợp để tìm hiểu rõ mục đích, động cơ khi họ mở công ty tại các đảo quốc trên làm gì. Làm rõ sự lòng vòng khi họ muốn thành lập các công ty trên các lãnh thổ khác nhau, quan hệ với nhau thế nào,… Từ đó có hướng xử lý nếu có sai phạm.
Về lâu dài, cần hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư sao cho càng dễ dàng, nhanh chóng, minh bạch, phục vụ giới đầu tư để họ không phải đi lòng vòng thành lập công ty ở nước ngoài rồi quay lại đầu tư ở VN như thế (tất nhiên là với những người đầu tư đàng hoàng).
Xin cảm ơn ông