Vụ "hồ sơ Panama":

“Thiên đường thuế” British Virgin Islands rót vốn FDI vào Việt Nam

Thứ Tư, 11/05/2016 15:02  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm qua 10-5, khi Liên đoàn Nhà báo điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố dữ liệu của hơn 200.000 doanh nghiệp liên quan đến vụ “hồ sơ Panama”, trong đó có nhiều cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến Việt Nam –dư luận chú ý đến một địa danh nổi bật: British Virgin Islands.

Trong danh sách 189 cá nhân bao gồm 101 người Việt, gốc Việt và 88 cá nhân nước ngoài liên quan đến Việt Nam, nhiều người trong đó có liên quan đến các công ty nước ngoài đăng ký đặt ở cùng một địa điểm: British Virgin Islands.

Không phải chỉ Việt Nam, mà các cá nhân/doanh nghiệp của các nước khác có tên trong danh sách “hồ sơ Panama” như thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson (đã từ chức) cũng có công ty đứng tên chung với vợ ở quần đảo này.

British Virgin Islands (quần đảo Virgin thuộc Anh – BVI) không phải là cái tên xa lạ gì khi nơi đây được mệnh danh là “thiên đường thuế” ngoài các nơi khác như Singapore, Panama hay Hồng Kông.

Khái niệm “thiên đường thuế” (tax haven) là khái niệm để chỉ những nơi có chính sách ưu đãi về thuế cho cá nhân trú tại đây, hay các doanh nghiệp đặt trụ sở ở những nơi này. Theo đó, ở “thiên đường thuế” có chính sách bảo mật tốt về các thông tin tài sản của cá nhân hay doanh nghiệp (giống chính sách của ngân hàng Thụy Sĩ), ưu đãi về mức thuế suất thu trên lợi nhuận thấp. Đồng thời những nơi này cũng có các thủ tục thành lập doanh nghiệp dễ dàng. Chi phí để thành lập và duy trì các hoạt động của những doanh nghiệp đặt trụ sở tại đây cũng thấp hơn các nơi khác.

Chính vì những chính sách trên, nhiều công ty nước ngoài ồ ạt đầu tư, rót vốn vào các “thiên đường thuế” này. Khi đặt trụ sở tại đây, họ tránh được mức thuế cao trong nước và sử dụng nguồn vốn của mình để đầu tư ngược về trong nước với tư cách là nhà đầu tư ở nước ngoài rót vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào các dự án trong nước (như ở Việt Nam).

 

Vị trí British Virgin Islands (quần đảo Virgin thuộc Anh – BVI) trên bản đồ - Ảnh: Wikipedia/ Skyviews

British Virgin Islands (BVI) là một trong những “thiên đường thuế” như thế. BVI là quần đảo với diện tích chỉ vỏn vẹn 153 km2, là một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở khu vực biển Caribe nằm trong chuỗi quần đảo Virgin với các đảo trong quần đảo này được chia lãnh thổ cho cả 3 nước Mỹ, Anh và Tây Ban Nha.

BVI gồm các đảo chính là Tortola, Virgin Gorda, Anegada, và Jost Van Dyke, cùng với trên 50 đảo nhỏ khác, tổng cộng có khoảng 15 đảo là có người định cư. Thủ phủ của lãnh thổ là Road Town, nằm trên đảo lớn nhất lãnh thổ là Tortola (theo Wikipedia).

Với GDP chỉ hơn 1 tỷ USD, nhưng đáng ngạc nhiên khi từ nơi đây, các doanh nghiệp đăng ký tại quần đảo này đã rót về Việt Nam khoảng 19,3 tỷ USD (tính đến nay) tiền đầu tư.

Với dân số của BVI chỉ khoảng 28.000 người, nhưng hiện tại đây đã có khoảng 850.000 doanh nghiệp toàn cầu “đóng đô” trụ sở đăng ký tại đây để rót vốn FDI đến mọi nơi trên Thế giới. Một con số khổng lồ.

Theo thống kê mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch- Đầu tư thì BVI nằm trong top 5 các nước và vũng lãnh thổ rót tiền đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký lên đến 16, 03 tỷ USD, chỉ đứng sau Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và đứng trên cả Mỹ và Malaysia.

Top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ rót vốn FDI vào Việt Nam, trong đó BVI nằm ở top 5 - Ảnh: Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch đầu tư.

Trong “hồ sơ Panama” , thống kê cho thấy nơi đây có đến 113.648 công ty offshore (công ty được thành lập ở nước ngoài) do hãng luật Mossack Fonseca đứng ra làm đại diện đăng ký tại đây. Trong đó đáng chú ý là nhiều tập đoàn đa quốc gia khổng lồ như Procter & Gamble (P&G), nhà sản xuất CPU máy tính Intel thông qua các chi nhánh của họ tại BVI để rót vốn đầu tư vào Việt Nam.

Điển hình nhất là quỹ đầu tư nước ngoài Dragon Capital được thành lập vào năm 1994 tại BVI đã rốt hàng tỷ USD vốn đầu tư vào các dự án tại Việt Nam và vào hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam như Vinamilk, ngân hàng ACB hay tập đoàn FPT và nhiều dự án bất động sản khác trên toàn quốc.

Hàng loạt quỹ đầu tư nước ngoài lớn khác như Vietnam Asset Management Ltd, PXP Vietnam Asset Management Ltd, Vietnam Holding Asset Management Ltd…cũng đăng ký đầu tư đến Việt Nam với địa chỉ đặt ở quần đảo này.

Một phần trong danh sách các công ty công ty offshore (công ty được thành lập ở nước ngoài) do hãng luật Mossack Fonseca đứng ra làm đại diện có liên quan đến Việt Nam, trong đó nhiều công ty có địa chỉ tại BVI- Ảnh: ICJI

Điều gì khiến BVI hấp dẫn như thế? Đó là nhờ cơ chế báo cáo lợi nhuận của các công ty ở đây rất thông thoáng, hầu như gần 100% các loại thuế được bãi bỏ. Những tập đoàn có lợi nhuận khủng lên đến hàng tỷ USD từ tiền đầu tư ra nước ngoài cũng không cần khai báo với chính quyền nơi đây. Điều này đồng nghĩa họ không bị đánh thuế trên lợi nhuận ở BVI như các nơi khác có mức thuế đóng cao như Mỹ.

Tại đây doanh nghiệp được tự ý thành lập không cần khai báo chủ sở hữu, không cần có vốn pháp định. Tất cả được “tự do” đến mức dường như không có luật lệ.

Dễ thành lập, dễ duy trì hoạt động với chi phí vận hành thấp, dường như không đóng thuế lại được bảo mật thông tin cao- không ngạc nhiên khi BVI trở thành nơi hàng loạt doanh nghiệp, cá nhân chuyển tài sản đến đây với các ý đồ bất minh như rửa tiền, chuyển giá, trốn thuế, lập quỹ đen mà vụ “hồ sơ Panama” chỉ khui ra được một “phần nổi” của cả một “tảng băng chìm”.

Khung cảnh tươi đẹp của BVI, nhưng đây lại là thiên đường trốn thuế nổi tiếng - Ảnh:http://octa-innovation.eu/mods/british-virgin-islands/

Hoạt động chuyển giá

Ví dụ: một công ty A ở Việt Nam kê mua hợp đồng một tàu thủy cho một đối tác B cũng tại Việt Nam với mức giá 1 tỷ đồng. Chiếc tàu thủy này được chính công ty con của công ty A đặt tại BVI là C làm nơi cung cấp. Cả A và C thông đồng với nhau (vì chung công ty) kê khống giá con tàu là 1 tỷ đồng trong hợp đồng cung cấp với đối tác B. Trong khi giá trị thực của con tàu chỉ có 500 triệu đồng. Như vậy A lời 500 triệu đồng. Số tiền này được chuyển qua công ty C ở BVI thông qua tiền thanh toán hợp đồng.

Tại BVI vì lợi nhuận không bị đánh thuế, nên nghiễm nhiên 500 triệu đồng tiền lời này C được hưởng trọn. Vì lợi nhuận này của C (công ty con của A) đặt ở BVI nên cơ quan chức năng tại Việt Nam không thể đánh thuế, trong khi thực chất A và C đều cùng 1 công ty. Dựa trên mô hình này, các tập đoàn đa quốc gia lời khủng.

Thống kê các công ty xuất hiện trong "hồ sơ Panama", BVI đứng ở vị trí "quán quân" về số lượng các công ty đăng ký - Ảnh: ICIJ/ đồ họa của BBC

Bình luận (0)

Lên đầu trang