Xét xử vụ án Xuyên Việt Oil: Chủ mưu rút hết 1.463 tỷ đồng để đầu tư BĐS

Thứ Tư, 20/11/2024 17:16

|

(CAO) Tài khoản bị cáo mở ở các ngân hàng là tài khoản bình thường chứ không phải tài khoản định danh quỹ nên bị cáo toàn quyền trong các giao dịch mà ngân hàng không biết hoặc không thể can thiệp.

Chiều 20/11, TAND TPHCM tiếp tục phiên sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan, sau phần thủ tục và công bố cáo trạng vào buổi sáng, HĐXX bước vào phần xét hỏi đối với 15 bị cáo.

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh

Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (Chủ tịch HĐTV Công ty Xuyên Việt Oil) được xét hỏi đầu tiên, thừa nhận những hành vi như cáo trạng truy tố. Tại Công ty Xuyên Việt Oil, bị cáo chỉ đạo toàn diện, các phó giám đốc là những người nhà, gia đình thân thiết. Những người này không họp hành gì nên không biết gì về chủ trương của Xuyên Việt Oil. “Các phó giám đốc Công ty Xuyên Việt chỉ biết ký thôi” – bị cáo Hạnh trả lời HĐXX.

Về bị cáo Nguyễn Thị Như Phương (Phó giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil), bị cáo Hạnh khai Phương là con của người chú. Trong công ty, bị cáo Phương không biết gì nhiều về hoạt động của công ty.

Tháng 5/2023, trên cơ sở chỉ đạo của bị cáo Hạnh, bị cáo Phương ký công văn báo cáo số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) tính đến ngày 31/5/2023 là 219 tỷ đồng, nhưng tổng số dư thực tế trong 3 tài khoản Quỹ BOG mà Công ty Xuyên Việt Oil báo cáo chỉ có... hơn 2 triệu đồng. Cụ thể, tài khoản tại BIDV, có số dư 1.003.955 đồng; tại SHB số dư 1.013.360 đồng; tại VietinBank  số dư 128 đồng.

Tòa hỏi: Cơ quan điều tra xác định không có đủ số tiền như thế, thì bị cáo giải thích như thế nào? Bị cáo Hạnh trả lời trên thực tế, tiền nộp vào/rút ra và báo cáo số liệu chứ lúc đó công ty có nguy cơ phá sản vì đã bị cấm nhập khẩu. Trong khi đó số tiền trong các quỹ bị cáo đã rút ra đầu tư vào BĐS. Tài khoản mở ở các ngân hàng là tài khoản bình thường chứ không phải tài khoản định danh nên bị cáo toàn quyền trong các giao dịch mà ngân hàng không biết hoặc không thể can thiệp.

Các bị cáo tại tòa

Trả lời HĐXX bị cáo Hạnh cho biết về khoản nợ xấu hơn 6.000 tỷ đồng, các khoản vay này, có một số khoản vay ngân hàng có thế chấp, một số ngân hàng cấp tín chấp và bị cáo cố gắng bán tất cả tài sản để khắc phục hậu quả vụ án.

Theo cáo trạng, Công ty Xuyên Việt Oil được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu vào từ năm 2016. Năm 2021 để được gia hạn giấy phép, bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra và giám sát Quỹ BOG và được nhiều ưu đãi khác, bà Hạnh đưa hối lộ 22 lần, tổng số 31 tỷ đồng cho nhiều cựu cán bộ.

Sau khi trở thành thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, bà Hạnh, bà Phương đã vi phạm quy định về trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG gây thất thoát 219 tỷ đồng, vi phạm về quản lý, sử dụng tiền thuế bảo vệ môi trường gây thất thoát 1.244 tỷ đồng.

Bị cáo Hạnh bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Đưa hối lộ”.

Nguyên đơn dân sự trong vụ án là Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang