Nhân viên kiểm duyệt nội dung trên Facebook chịu áp lực như thế nào?

Chủ Nhật, 23/07/2017 08:00

|

(CAO) Nhiều người vẫn hay nghĩ công việc giám sát nội dung thường rất đơn giản, nhưng thật ra đây là một công việc cực kì áp lực và căng thẳng. 

Một nhân viên kiểm duyệt nội dung trên Facebook cho biết: “Chúng tôi (nhân viên Facebook) bắt đầu công việc của mình vào lúc 9 giờ sáng mỗi ngày, chúng tôi bật máy tính lên và xem những nội dung về một ai đó bị giết hoặc hành hạ. Chúng tôi nhìn thấy những nội dung đó mỗi phút, mỗi giờ và mỗi ngày”.

Các nhân viên kiểm duyệt nội dung Facebook sau khi được tuyển dụng sẽ trải qua một khóa học kéo dài 2 tuần, sau đó họ bắt đầu làm việc và được trả lương khoảng 15 USD/giờ.

Những hình ảnh, video, thông tin cá nhân và các hội, nhóm bị người dùng báo cáo sẽ được các thuật toán đánh dấu để đánh giá. Sau đó nhóm kiểm duyệt nội dung sẽ xem xét và quyết định xem có cần phải loại bỏ, xóa tài khoản, nội dung đó hay không.

Công việc này tưởng chừng như đơn giản nhưng thật ra lại phải chịu một áp lực rất lớn: "Mỗi ngày, chúng tôi đều phải đến gặp các nhà tâm lý học. Một số người đã gặp ác mộng hoặc tệ hơn là không thể ngủ được”, một nhân viên Facebook nói.

Các nhân viên kiểm duyệt sẽ phải xem rất nhiều nội dung độc hại và gây ám ảnh. (Ảnh minh họa)

Đây là công việc rất khó khăn, đó là lý do tại sao nhân viên kiểm duyệt nội dung của Facebook đều được hỗ trợ tâm lý và chăm sóc sức khỏe. Ban lãnh đạo Facebook đã làm việc với các nhà tâm lý học để đưa ra một chương trình đặc biệt để hỗ trợ những nhân viên giám sát nội dung.

Chương trình này bao gồm 3 giai đoạn: tư vấn, bồi dưỡng và hỗ trợ. Facebook sẽ tiếp tục đào tạo và đánh giá năng lực của nhân viên kiểm duyệt sau hai tuần đầu để xem họ có biểu hiện gì bất thường hay không và tìm ra phương hướng hỗ trợ.

Không phải chỉ riêng Facebook, Tổ chức Giám sát Internet của Anh (IWF) và Trung tâm Trẻ em bị mất tích và xâm hại tình dục (NCMEC) cũng là hai tổ chức thường xuyên nhận được báo cáo về các nội dung lạm dụng tình dục trẻ em.

Để đảm bảo các thí sinh ứng tuyển vào vị trí nhân viên kiểm duyệt nội dung không bị khủng hoảng, trước tiên IWF thuê một chuyên gia phân tích tâm lý để đánh giá ứng viên của mình. Chuyên gia sẽ hỏi một số câu để xem các ứng viên cảm thấy như thế nào về nội dung khiêu dâm nói chung, thời thơ ấu của họ đã trải qua như thế nào và cuộc sống hiện tại ra sao.

Các nhân viên kiểm duyệt nội dung sẽ phải thường xuyên đến gặp chuyên gia tâm lý. (Ảnh minh họa)

Vượt qua vòng đầu tiên, các ứng viên sẽ được phỏng vấn về kỹ năng làm việc trước khi bước vào vòng cuối cùng, đây là vòng khó khăn nhất khi mà họ sẽ phải đối diện với hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em.

Các ứng viên sẽ ngồi cùng với hai nhân viên của IWF, trải qua hàng loạt hình ảnh có mức độ tăng dần và hướng đến những loại bạo hành tình dục tồi tệ nhất đối với trẻ em. Giai đoạn này là giai đoạn quan trọng nhất để xem cách các ứng viên đối phó với những tình huống này như thế nào và để họ quyết định xem liệu có muốn tiếp tục ứng tuyển cho công việc đó hay không.

Một khi các ứng viên vượt qua hết các vòng kiểm tra và chấp nhận công việc, họ sẽ bắt đầu được đào tạo trong vòng sáu tháng bao gồm việc tìm hiểu luật hình sự, tìm hiểu về trang web đen. Quan trọng hơn hết là xây dựng khả năng phục hồi để không bị tổn thương tâm lý sau khi xem các nội dung độc hại.

Nhân viên kiểm duyệt nội dung tại NCMEC cũng trải qua một quá trình tương tự trước khi được nhận việc và họ cũng được đào tạo từ 4 đến 6 tháng. Sức khoẻ và tinh thần của các nhân viên giám sát nội dung sẽ được hỗ trợ từ lúc bắt đầu quá trình phỏng vấn và kéo dài đến khi họ rời khỏi tổ chức.

Nhân viên kiểm duyệt nội dung nghe có vẻ như là một công việc nhàn hạ và dễ dàng nhưng thật ra lại cực kì áp lực. Họ phải đối mặt với những hình ảnh, nội dung, video ghê rợn nhất và có thể gây ám ảnh hằng ngày. Vì vậy nếu không có một tinh thần thép và ý chí kiên định thì sẽ rất khó để có thể làm được công việc này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang