(CAO) Hôm qua (9-7), một số trang tin,
mạng xã hội lan truyền thông tin “2 nữ sinh trường THPT hiếp dâm đến chết một nam thanh niên” khiến dư luận xôn xao.
Thời gian qua, nhiều sự việc liên quan đến các trang thông tin điện tử và mạng xã hội về việc thông tin thiếu chính xác, bịa đặt chuyện gây hoang mang dư luận và xâm phạm đời tư cá nhân đang làm nóng dư luận.
Cụ thể, vừa qua một cô gái khởi kiện trang Beatvn lên Bộ TT&TT vì xúc phạm đời tư và không quản lý bình luận, để người dùng có những lời lẽ làm nhục người khác. Hay mới đây nhất là câu chuyện nhiều trang thông tin điện tử và mạng xã hội đăng tải và chia sẻ thông tin bịa đặt ra câu chuyện ‘2 nữ sinh cưỡng hiếp nam thanh niên đến chết’.
Ngoài ra, lợi dụng thông tin bắt cóc trẻ em đang là chủ đề nóng được dư luận quan tâm, một số người kinh doanh online trên mạng xã hội đã tự ý bịa ra những câu chuyện bắt cóc trẻ em để thu hút sự chú ý để “câu like”, “câu view” và tăng lượt theo dõi cho trang của mình.
Liên quan đến vấn đề này,để cung cấp thông tin xung quanh vấn đề pháp lý đến quý độc giả, Phóng viên Báo Công an TP HCM đã liên hệ với luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Gia Ðình - Ðoàn Luật sư TP HCM).
Luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Gia Ðình - Ðoàn Luật sư TP HCM)
PV: - Thưa luật sư Trần Minh Hùng, cá nhân hoặc người đứng sau các trang thông tin điện tử, mạng xã hội bịa đặt và chia sẻ câu chuyện ‘2 nữ sinh cưỡng hiếp nam thanh niên đến chết’ như đã nêu đã có những vi phạm gì? Hành vi này sẽ bị pháp luật xử lý ra sao?
Luật sư Trần Minh Hùng: - Theo quy định Bộ luật Dân sự năm quy định: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Bộ luật Dân sự cũng quy định, khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại.
Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định: Nghiêm cấm các hành vi “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Hành vi trên có thể bị xử phạt theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Theo đó, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng (Điểm g khoản 3 Điều 66).
Ngoài việc bị xử phạt hành chính, bồi thường dân sự, những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội một cách nghiêm trọng có thể bị xử lý về hình sự về các tội Vu khống, Làm nhục người khác ....
PV: - Trường hợp lâm vào cảnh bị người khác bịa chuyện trên mạng xã hội để vu khống gây tổn hại uy tín cá nhân. Nếu người bị hại muốn nhờ pháp luật can thiệp phải thực hiện những thủ tục và trình tự pháp lý như thế nào?
Luật sư Trần Minh Hùng: - Khi phát hiện hành vi pháp luật, người bị hại và bất cứ ai cần thu thập chứng cứ và làm đơn tố giác đến cơ quan Công an có thẩm quyền để kịp thời có biện pháp xử lý, nhằm góp phần làm trong sạch, lành mạnh môi trường mạng xã hội. Bảo vệ quyền lợi cho mình.
PV: - Liên quan đến câu chuyện này, chúng ta có thể thấy đang có rất nhiều trang thông tin điện tử được một số cá nhân tự thành lập và không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn công khai đăng tải nhiều thông tin thiếu chính xác khiến nhiều người nhầm lẫn đây là các trang báo mạng điện tử. Vậy, việc xử lý vi phạm đối với những trang thông tin này được pháp luật quy định như thế nào thưa luật sư?
Luật sư Trần Minh Hùng: Theo điểm c Khoản 2 Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 nghiêm cấm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.
Nhà nước và xã hội thực hiện các biện pháp phòng, chống các hành vi xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin. Quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được bảo vệ theo quy định của pháp luật (Điều 67 Luật Công nghệ thông tin năm 2006)..
Cá nhân, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật (Điều 77 Luật Công nghệ thông tin năm 2006).
Nhiều trang thông tin điện tử đăng tải thông tin, bịa đặt câu chuyện "2 nữ sinh hiếp dâm tử vong nam thanh niên".
PV: - Hiện nay, trên mạng xã hội tồn tại rất nhiều thông tin thiếu chính xác và thiếu sự kiểm chứng. Đơn cử là tình trạng lợi dụng thông tin bắt cóc trẻ em đang là chủ đề nóng được dư luận quan tâm, một số người kinh doanh online trên mạng xã hội đã tự ý bịa ra những câu chuyện bắt cóc trẻ em để thu hút sự chú ý, “câu like”, “câu view” và tăng lượt theo dõi cho trang của mình. Hành động bịa chuyện, tung tin đồn gây hoang mang dư luận này sẽ bị xử phạt như thế nào thưa luật sư?
Luật sư Trần Minh Hùng: - Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng quy định: Nghiêm cấm các hành vi “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Ngoài ra, tùy mức độ, tính chất hành vi mà mặt hình sự nếu có hành vi bịa đặt, đăng những bài viết vu khống, bôi nhọ này, câu like, gây ảnh hưởng nghiêm trọng mà có thể bị bị xử lý về hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.
PV: - Khi dùng mạng xã hội, rất nhiều bạn trẻ đã công khai thông tin cá nhân của mình rất cụ thể cùng với đó là việc chia sẻ nhiều hình ảnh riêng tư cá nhân lên đó, để rồi những thông tin và hình ảnh này lại bị người khác sử dụng vào các mục đích xấu bao gồm cả việc dùng để bịa bôi nhọ uy tín và danh dự cá nhân. Gần đây, một cô gái trẻ đã khởi kiện trang Beatvn lên Bộ TT&TT vì xúc phạm đời tư và không quản lý bình luận, để người dùng có những lời lẽ làm nhục người khác, gây tổn hại uy tín và danh dự là một trong những câu chuyện như thế. Luật sư có thể cho biết quan điểm của mình cũng như lời khuyên đến các bạn trẻ đã, đang và sẽ dùng mạng xã hội.
Luật sư Trần Minh Hùng: -Theo tôi mạng xã hội chỉ là nơi chia sẽ những thông tin bổ ích, kết nối giao lưu. Do vậy các bạn trẻ nên sử dụng như là một công cụ giao lưu, giải trí, tìm hiểu và học hỏi như các trang thông tin khác. Không nên coi mạng xã hội như là nôi trút giận, nói xấu, xúc phạm nhau. Đồng thời nếu thấy không cần thiết, ảnh hưởng đến công việc, cá nhân và gia đình thì cũng không nên chia sẻ hình ảnh, đời tư, nhân thân của mình trên mạng xã hội công khai vì khi có xung đột thì có thể gây hệ lụy cho mình. Không nên sống chết vì phải có mạng xã hội hay phải có tài khoản mạng xã hội để tâm sự hay chia sẻ hết tất cả mọi thứ của cuộc sống lên trên đó.
PV: - Xin chân thành cảm ơn luật sư Trần Minh Hùng đã tham gia chia sẻ thông tin đến độc giả Báo Công an TP HCM !p