Châu Á hứa hẹn làm giảm ô nhiễm đại dương

Thứ Sáu, 09/06/2017 07:16

|

(CAO) Vừa qua, tại Hội nghị Đại dương tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York (Mỹ), các quốc gia đã cam kết sẽ có những hành động để cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường biển và đại dương.

Hội nghị Đại dương được tổ chức từ ngày 5/6 đến ngày 9/6 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở thành phố New York (Mỹ), với sự tham gia của các lãnh đạo đến từ 193 nước nhằm giải quyết những vấn đề ô nhiễm đại dương và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới môi trường biển.

Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines và một số nước khác cho biết sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn rác thải bằng nhựa đổ ra biển và đại dương.

Ông Eric Solheim, Giám đốc chương trình môi trường của LHQ nói: "Hiện tại đã có những dấu hiệu đáng khích lệ, các quốc gia đã nghiêm túc hơn và nhận thấy vai trò quan trọng của môi trường đại dương. Tuy nhiên, để giải quyết các vấn đề ô nhiễm chúng ta còn phải trải qua một chặng đường dài”.

Theo ước tính có khoảng 5 đến 13 triệu tấn chất thải bằng nhựa đổ vào các đại dương trên thế giới mỗi năm. Phần lớn là do chim và cá nuốt phải, thậm chí các mảnh nhựa đã được tìm thấy trong dạ dày của các sinh vật ở đáy đại dương.

Rác thải tràn ngập trên một dòng sông. Ảnh: BBC

Một bài báo gần đây cho biết phần lớn chất thải bằng nhựa trôi nổi trên biển thường bắt nguồn từ các nước đã phát triển, nền kinh tế của các nước đó phát triển quá nhanh so với khả năng quản lý chất thải.

Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz ở Leipzig (Đức) ước tính rằng 75% số lượng rác thải làm ô nhiễm môi trường biển đến từ 10 con sông, chủ yếu ở châu Á. Giảm 50% lượng rác thải bằng nhựa ở các con sông này sẽ góp phần làm giảm 37% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu.

Tom Dillon thuộc tổ chức Pew Charitable Trusts (tổ chức vận động vì môi trường biển, đại dương) đã thúc giục Trung Quốc phải nhanh chóng có hành động để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm hiện nay.

Ông nói: "Trong hàng ngàn năm, con đường tơ lụa là con đường để Trung Quốc truyền bá văn hóa và sức ảnh hưởng của mình. Liệu đại dương có phải là con đường để Trung Quốc truyền bá một thứ “văn hóa” mới, cần được “bảo tồn và phát triển” đó là chất thải hay không?”

Một báo cáo tại Hội nghị cho biết tổng lượng rác thải đổ vào môi trường biển tại Thái Lan năm 2016 ước tính là 2,83 triệu tấn, trong đó 12% là rác thải nhựa. Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý chất thải không hiệu quả và xử lý chất thải nhựa kém.

Chính phủ Thái Lan cũng cho biết hiện tại đã lập ra một chiến lược 20 năm để giải quyết vấn đề này, bao gồm cả việc phát triển các biện pháp ngăn chặn rác thải nhựa đổ vào biển và khuyến khích thiết kế bao bì sinh thái, các chất thân thiện với môi trường thay thế nhựa dẻo.

Tại Indonesia, chính phủ cũng đang bắt đầu đề ra một chương trình giáo dục đại chúng cho trẻ em để bảo vệ môi trường và Philippines cũng đang đề xuất xây dựng một bộ luật mới để bảo vệ môi trường.

Đảo Henderson, nơi có mật độ rác thải cao nhất thế giới. 

Vừa qua, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra một hòn đảo không người ở Nam Thái Bình Dương có mật độ rác thải và nhựa đã qua sử dụng cao nhất thế giới.

Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh cho chính phủ các nước, nếu không có biện pháp và hành động ngăn chặn kịp thời để bảo vệ môi trường biển và đại dương; rất có thể trong tương lai chúng ta sẽ không còn đa dạng sinh vật biển như hiện nay, môi trường biển, đại dương sẽ bị hủy hoại hoàn toàn. Thách thức lớn nhất chính là tìm ra chất có thể thay thế cho chất dẻo, thân thiện với môi trường và có thể áp dụng vào đời sống.

Bình luận (0)

Lên đầu trang