(CAO) Hằng năm, có rất nhiều người dân từ các nước ở châu Phi tìm cách vượt Địa Trung Hải để sang châu Âu với hi vọng tìm được một cuộc sống tốt hơn. Nhưng cũng từ đó, rất nhiều người đã một đi không trở lại trên những chuyến tàu sinh tử.
Vào một sáng sớm, tàu Phoenix nhận được tin về một chiếc thuyền lạ đang đi vào vùng biển Địa Trung Hải, ngoài khơi hòn đảo Lampedusa của nước Ý. Đội cứu hộ của tàu Phoenix nhanh chóng di chuyển đến địa điểm được thông báo và nhìn thấy một cảnh tượng bi thảm đã trở nên quá quen thuộc trong vài năm gần đây. Một chiếc thuyền bằng gỗ lớn với hàng trăm người di cư trên thuyền đang cố gắng đi vào bờ biển châu Âu, rất nhiều người trên tàu không có áo phao.
Những người di cư bơi về phía đội cứu hộ. Ảnh: CNN
Một lúc sau, hàng trăm người trên tàu nhảy xuống nước khiến các nhân viên cứu hộ không kịp phản ứng. Chris McGrath, một nhiếp ảnh gia có mặt trên tàu cho biết: "Cảnh tượng này thật hỗn độn. Tất cả các thủy thủ đoàn trên tàu Phoenix bao gồm cả đầu bếp đều tập trung trên boong tàu để kéo những người di cư lên tàu.” Một tàu thương mại và tàu của hải quân Ý, tàu của đội bảo vệ bờ biển ở gần đó cũng lập tức đến để giúp đỡ.
Những người di cư được cứu lên tàu cứu hộ. Ảnh: CNN
McGrath cho biết: "Vào cuối buổi chiều, trên tàu Phoenix đã có khoảng 600 người và tại thời điểm đó có khoảng 32 người chết”. Những người chết bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em, tất cả đều đến từ các nước ở châu Phi, họ tìm cách vượt Địa Trung Hải vì muốn bắt đầu một cuộc sống mới ở Châu Âu.
McGrath, đã nói chuyện với nhiều người di cư sau khi họ được cứu lên tàu, ông cho biết: "Hầu hết lý do để họ lên thuyền vượt Địa Trung Hải đều giống nhau: chiến tranh, nạn đói và thiếu an toàn ở quê hương. Họ sẵn sàng bất chấp tất cả để trốn thoát cho dù là lên tàu quá tải, đầy nguy hiểm và thiếu thiếu lương thực, nước uống”.
Một đứa trẻ được nhân viên y tế trên tàu cứu hộ thực hiện hồi sức tim phổi. Ảnh: CNN
Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UN Refugee Agency), trong năm nay có khoảng 50.000 người đã mạo hiểm mạng sống của họ để đến châu Âu bằng đường biển. Gần 1750 người được cho là đã chết hoặc mất tích, hàng ngàn người cũng đã chết trong những năm 2014, 2015 và 2016 khi họ cố vượt Địa Trung Hải, đây được gọi là biên giới nguy hiểm nhất thế giới.
McGrath cho biết: "Theo các thuyền viên trong đội cứu hộ, có vẻ như ngày càng có nhiều tàu thuyền chở những người di cư và những chiếc thuyền mỗi lần xuất hiện thường đông lần trước. Những người buôn lậu kiếm được rất nhiều tiền từ những chuyến đi này."
Những chiếc tàu chở người di cư qua Địa Trung Hải, chiếc sau lại đông hơn chiếc trước. Ảnh: CNN
McGrath cho biết một số người di cư sau khi được giải cứu đã nói với ông rằng họ sẽ trả bất cứ giá nào từ 1500 USD đến 5000 USD để có một chỗ trên tàu. Tổ chức phi lợi nhuận Trạm viện trợ người di cư ngoài khơi (MOAS) và tàu cứu nạn Phoenix chỉ là một trong nhiều tổ chức từ thiện tuần tra vùng Địa Trung Hải và giúp đỡ những người gặp nạn.
Trên tàu Phoenix có một phòng khám y tế với đầy đủ dụng cụ với bác sĩ và nhân viên y tế. Sau khi giải cứu, người nhập cư được đưa tới một cảng ở Ý và họ có thể xin tị nạn tại đó.
Một người di cư chết trước khi đến được miền đất hứa. Ảnh: CNN
Theo thống kê gần đây của Tổ chức Di cư Quốc tế, số người vượt Địa Trung Hải vào châu Âu năm nay đã giảm xuống còn khoảng 60.000 người, thấp hơn so với cùng kì năm 2016. Báo cáo cũng cho biết số người di cư bằng đường biển đã giảm đáng kể so với những năm trước tuy nhiên số người bỏ mạng lại trên biên giới sinh tử này lại cao hơn.
Một linh mục và một thuyền viên của tàu Phoenix thả vòng hoa tưởng niệm những người di cư bị chết đuối. Ảnh: CNN