(CAO) Không phải nơi nào trên thế giới cũng tổ chức ngày Quốc tế Thiếu nhi vào đúng dịp 1-6, hoặc Quốc tế Thiếu nhi tại Việt khởi nguồn từ giữa thời ký chiến tranh,… Những điều này nghe có vẻ lạ lùng, song đó là những điều thú vị về dịp lễ đặc biệt này.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi tại Việt Nam đã được tổ chức từ tận năm 1950. Nhân dịp lễ này vào hôm nay, Báo điện tử Công an TP.HCM xin gửi đến các quý vị độc giả những thông tin thú vị về ngày lễ này trên khắp thế giới.
1-6 không phải ngày Tết Thiếu nhi của LHQ
Ngày tết thiếu nhi của LHQ, được gọi với tên chính thức là Ngày Thiếu nhi Toàn cầu, thực chất diễn ra vào ngày 20 tháng 11 hàng năm. Kể từ tháng 12 năm 1954, Đại Hội đồng LHQ đã đề nghị mỗi quốc gia cần tổ chức một ngày đặc biệt dành cho thiếu nhi. Đến ngày 20-11-1959, LHQ đã thông qua Tuyên bố về Quyền Trẻ em. Cũng vào ngày này năm 1989, LHQ tiếp tục thông qua Công ước về Quyền Trẻ em.
Vì vậy đến năm 1990, LHQ quyết định chọn ngày 20 tháng 11 hàng năm làm Ngày Thiếu nhi Toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia được khuyến khích lựa chọn một ngày phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện chứ không bắt buộc phải tổ chức dịp Tết Thiếu nhi vào đúng ngày này.
Lịch sử Tết Thiếu nhi tại Việt Nam
Như đã nêu, các quốc gia được quyền chọn một ngày bất kỳ phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện để tổ chức Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Theo một số nguồn, ngày 1-6-1949 là ngày mà Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế lựa chọn làm ngày cho thiếu nhi.
Một số nguồn tại Việt Nam cho biết đây là ngày mà quân đội phát xít Đức đã cho tiến hành cuộc thảm sát làng Lidice (Tiệp Khắc cũ, nay thuộc CH Séc) vào năm 1942 làm hàng trăm người chết, trong đó có hơn 80 trẻ em. Chính vì vậy mà Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ đã quyết định chọn ngày này. Tuy nhiên thông tin này có phần thiếu chính xác vì theo nhiều nguồn từ các trang uy tín ở nước ngoài, trong đó có BBC, cuộc thảm sát Lidice thật sự diễn ra vào ngày 9 hoặc 10-6-1942.
Tuy nhiên, gần như chắc chắn Việt Nam đã quyết định chọn ngày 1-6 hàng năm có bắt nguồn từ sự kiện của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế. Lần đầu tiên chúng ta tổ chức ngày Quốc tế Thiếu nhi là vào thời điểm năm 1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra khốc liệt.
Sau thời điểm năm 1989, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên tại châu Á phê chuẩn Công ước về Quyền Trẻ em. Dù vậy, chúng ta vẫn giữ ngày 1 tháng 6 hàng năm làm ngày Tết Thiếu nhi, thay vì ngày 20 tháng 11 như của LHQ.
Một điều thú vị là một số trang thông tin ở nước ngoài xem dịp lễ Tết Trung thu cũng là Tết Thiếu nhi không chính thức ở nước ta.
Tồn tại qua nhiều thế kỷ
Mặc dù ngày Quốc tế Thiếu nhi hay Ngày Thiếu nhi Toàn cầu chỉ bắt đầu được nhắc đến trong lịch sử hiện đại nhưng thật ra, lễ Tết Thiếu nhi đã tồn tại từ rất lâu.
Hình ảnh những chiếc cờ cá chép, còn gọi là koinobori, nghe có vẻ xa lạ. Nhưng nó đã từng được đưa vào bộ truyện tranh Doraemon nổi tiếng của Nhật Bản và những ai gắn bó với bộ truyện này gần như không thể không biết. Người Nhật thường treo những lá cờ hình cá chép này lên cột cờ trong dịp lễ ngày 5 tháng 5. Đây chính là dịp Kodomo no Hi - Tết Thiếu nhi truyền thống ở xứ sở hoa anh đào. Theo Wikipedia, phong tục này đã tồn tại ở Nhật từ tận thế kỷ thứ 8.
Mỗi chiếc koinobori tượng trưng cho một đứa trẻ trong gia đình. Người Nhật quan niệm rằng cá chép là biểu tượng của sự quyết tâm và cường tráng, khi chúng bơi ngược dòng để đến được thượng nguồn. Trẻ em Nhật Bản trong dịp này sẽ nhận được món quà gọi là kashiwa-mochi, theo miêu tả là một loại bánh được làm từ gạo nếp và gói trong lá sồi.
Trẻ em quản lý đất nước
Đây là hoạt động có thật và dù có vẻ kỳ lạ nhưng nó lại được tổ chức thường niên tại một quốc gia đang có nền chính trị bất ổn. Ngày 23-4 hàng năm, người dân Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức Ngày độc lập và Thiếu nhi. Lý do vì vào ngày này năm 1920, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc họp đầu tiên trong lịch sử để thành lập một nền cộng hòa mới, xóa bỏ Đế chế Ottoman.
Người đứng ra thành lập Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk đã dành tặng điều này cho các em thiếu nhi và tuyên bố chúng là tương lai của thế giới. Chính vì thế, cả hai ngày lễ này được người dân Thổ Nhĩ Kỳ sát nhập làm một.
Được biết dịp lễ này được tổ chức trong suốt một tuần lễ. Nhưng sự kiện quan trọng nhất diễn ra vào đúng ngày 23-4. Khi đó, các em thiếu nhi sẽ được cho ngồi vào những chiếc ghế trong quốc hội và được phép điều hành đất nước một cách biểu tượng trong suốt cả ngày.
Không chỉ dành những điều tốt đẹp cho các em thiếu nhi trong nước, nhiều tổ chức và ngay cả chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần mời các em nhỏ từ nhiều quốc gia khác nhau đến chung vui. Có thể nói dịp lễ thiếu nhi tại Thổ Nhĩ Kỳ là nơi thể hiện nhiều tình đoàn kết nhất giữa trẻ em trên toàn cầu.