(CAO) Sáng 2-6 (giờ VN), tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định về chống biến đổi khí hậu được ký kết tại Paris. Điều này đã tạo ra những phản ứng trái chiều trong nội bộ nước Mỹ, trong khi vấp phải sự phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Năm 2015, tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã dùng quyền hành của mình mà không cần thông qua quốc hội để cùng với gần 200 quốc gia khác phê chuẩn hiệp định tại Paris. Vì vậy, dĩ nhiên ông không thể thấy hài lòng khi người kế nhiệm mình là Donald Trump quyết định tự loại bỏ nước Mỹ ra khỏi hiệp định.
Cựu tổng thống Mỹ đã lên tiếng không lâu sau tuyên bố của ông Trump. “Một năm rưỡi trước, cả thế giới cùng tập hợp tại Paris cho một thỏa thuận toàn cầu đầu tiên trong lịch sử về giảm lượng khí thải và để lại thế giới tươi đẹp cho con em chúng ta”, ông Obama nói trong phát biểu của mình. “Ngay cả với sự vắng mặt của Mỹ, ngay cả khi chính quyền của chúng ta hợp tác với một nhóm nhỏ từ chối hiệp định, tôi tin rằng các tiểu bang, các thành phố và các ngành kinh doanh vẫn sẽ tiến về phía trước và thậm chí làm nhiều hơn để dẫn đường và bảo vệ hành tinh này cho thế hệ tương lai”.
Không chỉ ông Obama, rất nhiều người đang làm việc trong chính trường Mỹ thuộc cả đảng Dân Chủ hay đảng Cộng Hòa cũng đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích quyết định rút lui. Thượng nghị sĩ theo phe Dân Chủ Bernie Sanders đã dùng lời lẽ khá nặng nề khi cho rằng hành động của ông Trump là sự xuống cấp của lãnh đạo nước Mỹ và là nỗi ô nhục với quốc tế.
Nhiều tiểu bang và công ty tư nhân cũng đã tuyên bố bất chấp quyết định của ông Trump, họ vẫn sẽ giữ những chính sách của mình. Trong đó bao gồm hạn chế việc xả khí thải nhà kính cũng như ban hành chính sách mới chặt chẽ hơn, theo Washington Post.
Bất chấp sự phản ứng mạnh mẽ, vẫn có rất nhiều chính trị gia quan trọng ca ngợi hành động của tổng thống Donald Trump. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan là một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất với ông Trump. Ông Ryan khẳng định hiệp định Paris là một thỏa thuận bất công với quốc gia. Việc ông Obama ký kết hiệp định mà không thông qua quốc hội có thể khiến giá năng lượng tăng cao và gây ảnh hưởng đến những người có thu nhập trung bình và thấp ở Mỹ. “Tôi cho rằng tổng thống Trump đã hoàn thành cam kết với người Mỹ và rút khỏi hiệp định này”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhấn mạnh.
Không thể tái thương lượng
Các chuyên gia nhận định từ trước khi ông Trump ra phán quyết cuối cùng rằng sự rút lui của Mỹ có thể tạo ra tiền lệ xấu. Theo đó, nhiều quốc gia khác khi cảm thấy mất đi quyền lợi do các điều khoản trong hiệp định Paris sẽ nối gót Mỹ để tuyên bố rút lui.
Cho đến nay, chỉ mới có 3 quốc gia từ chối hợp tác với hiệp định. Trước Mỹ, hai quốc gia đã không phê chuẩn là Nicaragua và Syria. Với việc Mỹ là cường quốc và có lượng khí thải lớn thứ hai trên thế giới, chắc chắn sẽ có không ít quốc gia viện cớ đó để cùng rút lui như một hiệu ứng domino. Điều đó chỉ khiến cho các giải pháp về chống biến đổi khí hậu trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Điều này khiến các nhà lãnh đạo và nguyên thủ trên thế giới cảm thấy thất vọng với Mỹ. FOX News trích lời quan chức cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), Miguel Arias Canente cho biết đây là “một ngày buồn cho cộng đồng quốc tế”.
Trong khi đó, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italia Paolo Gentiloni trong một tuyên bố chung hiếm hoi đã khẳng định Mỹ sẽ không thể tái thương lượng hiệp định Paris sau quyết định của mình. “Chúng tôi cho rằng đà tiến tới từ tháng 12 năm 2015 ở Paris là không thể đảo ngược. Chúng tôi cũng kiên quyết rằng Thỏa thuận Paris là không thể tái thương lượng vì nó là công cụ sống còn của hành tinh, xã hội và nền kinh tế của chúng ta”, tuyên bố này cho biết.
Washington Post cho biết sau tuyên bố này, ông Trump đã có những cuộc trao đổi qua điện thoại với bà Merkel, ông Macron cũng như Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Anh Theresa May nhằm giải thích về quyết định của mình.
Một nguồn tin từ Pháp tiết lộ với Washington Post cho biết ông Macron khẳng định sẽ vẫn hợp tác với Mỹ nhưng cả hai bên sẽ không tiếp tục bàn về vấn đề khí hậu. Ông Trump trong cuộc điện thoại có để ngỏ khả năng Mỹ sẽ quay trở lại nếu các điều khoản được thay đổi phù hợp hơn. Tuy nhiên tổng thống Pháp vẫn một mực khẳng định sẽ không thay đổi những gì đã được ký kết.
Bất chấp mối lo về sự ra đi hàng loạt, lãnh đạo nhiều quốc gia quan trọng trong Hiệp định Paris hứa sẽ ở lại đến cùng. Na Uy, quốc gia sở hữu quỹ lương hưu lớn nhất thế giới với 59,5 tỉ USD (53 tỉ Euro), cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào các nguồn năng lượng có thể tái tạo mới.
Bộ trưởng Môi trường Úc Josh Frydenberg đã có cuộc hội đàm nhanh với Thủ tướng Malcolm Turnbull và cùng đồng ý sẽ không nối gót Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc, quốc gia có lượng xả thải khí cacbon điôxit cao nhất thế giới dù chưa lên tiếng chính thức nhưng vẫn thể hiện những dấu hiệu cho thấy họ cũng sẽ ở lại. Thủ tướng Lý Khắc Cường đang có mặt ở Đức để hội đàm với bà Merkel đã tuyên bố ít giờ trước phán quyết của ông Trump rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ thỏa thuận chống biến đổi khí hậu và hợp tác cùng quốc tế trong nỗ lực vì một thế giới xanh hơn.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì cam kết của mình trong Thỏa thuận khí hậu Paris”, ông Lý cho biết.