Đi tù vì không cung cấp mật khẩu iPhone

Thứ Sáu, 02/06/2017 13:17

|

(CAO) Một người đàn ông ở Florida đã bị kết án 180 ngày tù vì từ chối cấp mật khẩu iPhone của mình cho chính quyền.

Christopher Wheeler 41 tuổi, sống tại Hollywood quận Brevard, bang Florida đã bị tuyên án 180 ngày tù sau khi thẩm phán đưa ra phán quyết cho rằng Wheeler đang khinh miệt tòa án và không cung cấp mật khẩu điện thoại cho cơ quan điều tra.

Cảnh sát đang tiến hành điều tra Wheeler vì nghi lạm dụng trẻ em, Wheeler khẳng định rằng ông đã cung cấp mật khẩu của mình cho cảnh sát, tuy nhiên mật khẩu mà ông cung cấp đã không thể mở khóa điện thoại. Wheeler bị bắt vào ngày 6 tháng 3 vì lạm dụng tình dục trẻ em, bạo lực gia đình và bỏ mặc trẻ em, các điều tra viên nói rằng ông đã nhiều lần tấn công con gái mình, cơ thể cô bé có nhiều "vết bầm tím, sưng và trầy xước nghiêm trọng". "Nếu bị cáo cung cấp mật khẩu để mở khóa điện thoại trước khi kết án hoặc sau đó, toà án sẽ xóa tội khinh thường và bãi nhiệm bản án", thẩm phán viết trong phán quyết của ông.

Cùng ngày Wheeler bị bắt giam, một người đàn ông tên Wesley Victor cũng đã bị bắt giam vì từ chối cung cấp cho chính quyền mật khẩu iPhone của mình, sau đó người đàn ông này đã được phóng thích. Wesley Victor cho biết không thể nhớ được mật khẩu iPhone của mình và ơ quan điều tra cũng không có cách nào có thể chứng minh được liệu Victor có thực sự nhớ mật mã của mình hay không.

Công nghệ bảo mật ngày nay khiến việc thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn. 

Victor và bạn gái Hencha Voigt bị buộc tội tống tiền vì hành vi đe dọa sẽ phát tán những đoạn phim nhạy cảm của một ngôi sao mạng xã hội trừ khi cô trả cho họ 18.000 USD. Voigt đã cung cấp mật mã iPhone của riêng mình nhưng cũng tương tự như trường hợp của Wheeler, mật khẩu không thể mở khóa điện thoại. Cô sẽ được đưa ra tòa vào tuần tới để giải thích lý do tại sao mật khẩu cô cung cấp không hoạt động.

Hai trường hợp riêng biệt đều nhấn mạnh hệ thống bảo mật và mã hoá công nghệ đang ngày càng gây khó khăn cho cơ quan điều tra, điều đó khiến cho việc thực thi pháp luật gặp nhiều trở ngại.FBI và Apple đã từng định lôi nhau ra tòa khi phía Apple từ chối hợp tác để mở khóa chiếc iPhone 5C của nghi phạm trong vụ xả súng tại San Bernardio. Cuối cùng, FBI đã phải tự chi gần 1 triệu USD để nhờ bên thứ 3 mở khóa chiếc điện thoại của nghi phạm.

Tại Mỹ, cảnh sát không thể ép nghi phạm mở khóa điện thoại của mình, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt tòa án sẽ ra phán quyết cho phép cảnh sát có quyền buộc nghi phạm phải mở khóa điện thoại bằng dấu vân tay nếu cảnh sát chắc chắn bằng chứng họ đang tìm kiếm nằm trong chiếc điện thoại của nghi phạm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang