(CAO) Sẽ qua rồi thời kỳ loài người nghiện các chất kích thích, thay vào đó là sẽ bị chi phối bởi những thứ vô hình như: công nghệ, Facebook, smartphone,...
Ở Mỹ đã có nhiều trung tâm cai nghiện Internet được hình thành, nơi tập trung cả những người nghiện Facebook và các hoạt động khác, thậm chí cả nghiện game. Nhưng giờ đây, một trung tâm cai nghiện smartphone đã được thành lập trước tác dụng ghê gớm khi nó tác động lên người dùng.
Đối với chứng nghiện Facebook, Kimberly Young, một nhà tâm lý và là giám đốc Trung tâm cai nghiện Internet ở thành phố Bradford thuộc bang Pennsylvania (Mỹ), cho biết: "Facebook giống như bất kỳ một chứng nghiện nào khác. Thật khó để tự dứt bỏ nó”.
Vì thế bà Young không che giấu sự ngưỡng mộ đối với những em tự nghĩ ra cách để bớt sử dụng Facebook: “Nhiều em đang tìm kiếm sự cân bằng cho riêng mình. Điều này giống như chứng rối loạn ăn uống. Bạn không thể từ bỏ thức ăn, mà đơn giản là cần lựa chọn thứ tốt nhất cho cơ thể hơn là ăn tràn lan và thiếu khoa học. Điều này cũng tương tự như bạn sử dụng internet để lướt Facebook hay chơi game, nó cần sự điều tiết hợp lý”.
Còn đối với chứng nghiện smartphone hay còn có tên gọi khoa học là Nomophobia, sẽ khiến cho người mắc phải luôn cần sự hiện diện của smartphone bên mình. Nếu không họ sẽ cảm thấy khó chịu, bứt rứt và ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.
Hiện các bác sỹ đã xác định được triệu chứng trên, đồng thời lên phác đồ điều trị và họ cũng lập hẳn một trung tâm mới tại Mỹ với hy vọng giúp ‘người bệnh’ phục hồi lại cuộc sống bình thường.
Con người thời điểm hiện tại bị chi phối quá nhiều bởi các thiết bị công nghệ mà điển hình là smartphone
Người mắc phải triệu chứng này thường rơi vào độ tuổi từ 18-24, ngoài luôn cần điện thoại kề bên thì người bệnh sẽ thường xuyên kiểm tra điện thoại, sử dụng điện thoại tại những nơi không phù hợp và bị ám ảnh điện thoại có sắp hết pin hay không! Tai hại hơn nhưng triệu chứng này không tồn tại độc lập mà còn đi kèm với nhiều chứng rối loạn tâm lý khác.
Tại trung tâm Morningside Recovery đã lập hẳn một chuyên khoa để điều trị chứng bệnh này. Người bệnh sẽ trải qua các bài trị liệu nhận thức hành vi, điện thoại của họ sẽ được tịch thu và chỉ cho xài ở mức độ rất hạn chế. Sau đó, các hành động hướng họ kết nối trở lại với thế giới thực sẽ được tiến hành như: chơi thể thao, lao động, tham gia các hoạt động xã hội,...
Bên cạnh các hình thức trên, các bác sĩ còn thực hiện công tác tâm lý đối với bệnh nhân, giúp họ tích cực thay đổi hành vi, chuẩn bị sẵn tâm lý đối phó với các hiệu ứng tiêu cực. Điều này giúp người bệnh biết được cách giữ bình tĩnh khi không có smartphone bên cạnh.
Theo bác sĩ Waterman, giám đốc chương trình cho biết: “Nomophobia chỉ trở thành mối đe dọa khi nó ảnh hưởng quá nhiều tới các hoạt động hàng ngày của con người. Để tránh mắc phải triệu chứng nguy hiểm này, bạn cần đặt smartphone tránh xa mình khi không có việc cần thiết và tập trung vào những tương tác trong cuộc sống hàng ngày”.
Đồng Thần (Theo Morningsiderecovery)