"Mỹ muốn ngăn Huawei bành trướng toàn cầu, nhưng đã trễ"

Thứ Tư, 30/01/2019 17:44  | Anh Duy

|

​(CAO) Đó là tựa bài viết trên CNN hôm 30-1. Công ty công nghệ Trung Quốc Huawei nay đã vươn lên thành một thế lực trên toàn cầu bất chấp sự lo ngại của các chính phủ Mỹ về việc công ty này có thể trở thành công cụ để chính quyền Trung Quốc thực hiện các hoạt động gián điệp ở các quốc gia khác.

Hiện nay Mỹ đang dẫn đầu chiến dịch chống lại sự bành trướng của công ty này, nhưng kết quả đạt được dường như không ăn thua gì so với tốc độ bành trướng và phát triển của Huawei. Một trong những cách thức Mỹ áp dụng là thúc giục các đồng minh ngăn cản Huawei cung cấp thiết bị mạng không dây để xây dựng hệ thống công nghệ không dây thế hệ thứ năm (5G). Tuy nhiên các khách hàng ở nhiều thị trường cũng một số nơi tại Châu Âu vẫn trung thành với Huawei.

Tập đoàn này được dự báo sẽ trở thành nhà bán điện thoại thông minh (smartphone) lớn nhất thế giới vào năm tới.

Bất chấp chiến dịch ngăn chặn Huawei nhúng tay vào phát triển hệ thống 5G không dây, CNN dẫn lời Charlie Dai, một nhà phân tích đến từ công ty nghiên cứu Forrester có trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nhận định: “Chiến dịch này chỉ có thể làm chậm lại hoạt động tăng trưởng kinh doanh của Huawei ở một số nước tại Châu Âu và các thị trường Châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng tôi không nghĩ chiến dịch này có thể khiến Huawei rút lui khỏi các thị trường trong thời gian gần”.

Thời gian qua Mỹ không ngừng giơ cao hồi chuông cảnh báo với Huawei, cáo buộc công ty này bán các sản phẩm được Trung Quốc sử dụng để do thám.

Trong động thái mới nhất chống lại Huawei vào hôm 28-1, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố công ty này với các tội danh đánh cắp các bí mật thương mại, gian lận đối với các tổ chức tín dụng – ngân hàng và vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ áp lên Iran. 

Mỹ đang mở chiến dịch ngăn Huawei bành trướng - Ảnh: CNN

CNN dẫn lời Samm Sacks, một nghiên cứu sinh về chính sách an ninh mạng và nền kinh tế kỹ thuật số cho rằng đây là một chiến dịch có hệ thống, vượt qua cả bất đồng của lưỡng đảng để ngăn sự bành trướng của Huawei.

Cuộc tấn công vào hoạt động kinh doanh của Huawei phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington về việc ai sẽ kiểm soát các công nghệ trong tương lai. Sự quan tâm đặc biệt nhắm vào vấn đề bảo mật của công nghệ 5G bởi vì nó sẽ được sử dụng để chuyền tải một lượng lớn dữ liệu, kết nối robot, xe tự hành và các thiết bị nhạy cảm khác.

CNN dẫn lời Dan Wang, một nhà phân tích ở công ty nghiên cứu Gavekal nhấn mạnh: “Huawei ít tính độc lập hơn khi phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp thiết bị của Mỹ hơn công ty khác của Trung Quốc là ZTE. Nếu không được tiếp cận các công nghệ của Mỹ, Huawei thậm chí sẽ không tồn tại được trong thời gian dài”.

Tuy nhiên hiện nay Huawei vẫn còn ở một vị trí tương đối mạnh trong việc dẫn đầu làn sóng 5G. Công ty này hiện đã ký 30 hợp đồng cung cấp các thiết bị thiết đặt mạng lưới 5G và đang làm việc với hơn 50 nhà mạng không dây để tiến hành các hoạt động kiểm tra thương mại trước khi vận hành hệ thống. Đây cũng là một trong những chủ sở hữu hàng đầu các bằng sáng chế của công nghệ 5G.

Huawei có thể lao đao nhưng khó mà triệt tiêu được họ - Ảnh: Getty

Công ty này đã bỏ ra hàng thập kỷ để gầy dựng nên một sự hiện diện mạnh mẽ trong những phần cốt lõi của thị trường trên toàn cầu, cung cấp thiết bị phần cứng đáng tin cậy với giá cả cạnh tranh. Hiện đây là công ty sản xuất thiết bị viễn thông số 1 thế giới, mặc dù họ đang bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm cửa tiếp cận thị trường Mỹ. Nhưng vào năm ngoái, nó đã vượt mặt Apple trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ 2 toàn cầu và được dự báo sẽ vượt mặt Samsung ở vị trí thứ nhất vào năm 2020.

Công ty này bác bỏ các cáo buộc rằng sản phẩm của họ gây phương hại đến an ninh quốc gia, khẳng định họ vẫn là công ty thuộc sở hữu tư nhân không có quan hệ với chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên danh tiếng quốc tế của Huawei, hiện đang bị đánh bại.

Huawei bước vào thời kỳ khó khăn

Chính quyền Ba Lan đã bắt giữ một giám đốc điều hành Huawei trong tháng này với các cáo buộc làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc. Công ty đã sa thải nhân viên ngay sau vụ bắt giữ, nói rằng hành động của anh ta đã khiến Huawei "mất uy tín".

Vào tháng 12, Canada đã bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của các công tố viên Mỹ. Mỹ đang tìm cách dẫn độ bà này về nước mình xét xử với những cáo buộc bà Chu đã giúp công ty tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bà Chu là con gái của nhà sáng lập Huawei – Nhậm Chính Phi, đã bác các cáo buộc này.

Trong những tháng gần đây, Úc và New Zealand đã hạn chế cho Huawei cung cấp thiết bị cho mạng 5G. Đức và Canada đang xem xét các biện pháp tương tự. Hãng di động hàng đầu toàn cầu Vodafone (VOD) đang tạm dừng triển khai thiết bị Huawei trong các mạng lõi của họ ở châu Âu. Tại Vương quốc Anh, Huawei đã được theo dõi bởi một hội đồng giám sát của chính phủ, đưa ra cảnh báo vào mùa hè năm ngoái về những rủi ro mới khi sử dụng thiết bị của Huawei.

Áp lực cũng đã vượt ra ngoài ngành viễn thông, với các tổ chức như Đại học Oxford cho biết họ sẽ ngừng nhận tiền từ Huawei. Các trường đại học nổi tiếng của Mỹ cũng đang tách họ khỏi nguồn tài trợ và thiết bị của công ty.

Ông Nhậm Chính Phi - nhà sáng lập Huawei - Ảnh: Getty

Các nhà lãnh đạo của Huawei dường như chấp nhận rằng môi trường đang trở nên thù địch hơn.

"Trong vài năm tới, tình hình chung sẽ không lạc quan như chúng ta tưởng tượng. Chúng ta phải chuẩn bị cho những khó khăn", ông Phi nói vào tháng 11. Bình luận của ông đã được đăng trên một trang web của công ty trong tháng này.

Huawei khó có thể lặp lại sự tăng trưởng đột phá mà họ đã đạt được trong 30 năm qua và sẽ phải "sa thải một số nhân viên tầm thường và giảm chi phí lao động", ông Phi nói thêm. Để giảm thiểu làn sóng tiêu cực, công ty đang đẩy mạnh chiến dịch PR. Ông Phi là người hiếm khi nói chuyện với giới truyền thông, nay đã chịu trả lời phỏng trong những tuần gần đây.

Ông hy vọng Huawei sẽ mang lại doanh thu 125 tỷ USD trong năm nay, tăng khoảng 15% so với năm 2018.

"Nếu chúng tôi không được phép bán sản phẩm của mình ở một số thị trường nhất định, chúng tôi muốn giảm quy mô xuống một chút" - ông Phi nói: "Miễn là chúng tôi có thể nuôi nhân viên của mình, tôi tin rằng sẽ luôn có tương lai cho Huawei". 

Bình luận (0)

Lên đầu trang