Những cái tên bị khai tử trong năm 2016

Thứ Bảy, 31/12/2016 07:38  | Trương Lâm

|

(CAO) Vốn là năm buồn của làng công nghệ, năm 2016 còn chứng kiến nhiều sự ra đi vĩnh viễn của hàng loạt tên tuổi ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, nhiều thứ từng vốn được xem là tượng đài một thời.

Đầu băng VCR (1975 - 2016)

Đầu băng VCR và băng VHS đã từng là thiết bị giải trí phổ biến, nhất là tại Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự tiện dụng của đĩa DVD, clip trực tuyến,... khiến thiết bị này dần rơi vào quên lãng. Điều này dẫn đến việc công ty Funai Electric – công ty duy nhất đến thời điểm hiện tại còn sản xuất thiết bị này, phải công bố ngừng sản xuất.

BlackBerry

BlackBerry từng làm mưa làm gió trên thị trường điện thoại trong một thời gian dài. Nhưng việc chậm cải tiến khiến hãng dần mất đi vị thế của mình vào tay các hãng khác, đặc biệt là Apple. Dù đã cố gắng có những thay đổi về công nghệ trong thời gian gần đây trên một số sản phẩm như: Passport, Dtek,... nhưng tất cả đều đã quá muộn. BlackBerry đành ngậm ngùi rời cuộc chơi phần cứng, lui về phát triển phần mềm cùng TCL.

Google "Nexus" (2010 - 2016)

Những chiếc Nexus luôn được đánh giá cao nhờ cấu hình mạnh mẽ, chất lượng trải nghiệm tốt,... Tuy nhiên, Google đã chính thức khai tử dòng Google Nexus, thay vào đó là dòng Google Pixel.

Vine

Là trang mạng xã hội dùng để chia sẻ những clip vui vẻ hài hước ngắn (có độ dài dưới 6 giây). Tuy nhiên, cũng như BlackBerry, Vine không có bất cứ nâng cấp, đầu tư hay cập nhật mới nào. Đó là lý do Instagram khiến Vine đi vào hồi ức với chỉ một bước đơn giản là ra mắt chức năng quay clip 15 giây, lâu hơn thời gian mà Vine mang đến trải nghiệm cho người dùng.

Meerkat (2015 - 2016)

Là một ứng dụng Live Stream khá phổ biến ở năm 2015 nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ của Twitter và Facebook, Meerkat dần bị thay thế. Cho đến hiện tại cái tên Meerkat không còn mấy ai nhớ tới, khiến cho tuổi đời của ứng dụng này phải kết thúc.

Pebble (2012 - 2016)

Chính Pebble là người "kéo" những ông lớn như: Samsung, Apple,... nhảy vào lĩnh vực này. Đáng lẽ mọi chuyện đã khác, nếu Pebble không mắc phải những sai lầm ngớ ngẩn và scandal lừa đảo khách hàng. Chính những điều không hay đó đã khiến Pebble phá sản và bị Fitbit thâu tóm.

Microsoft Band (2014 - 2016)

Đây là thiết bị hỗ trợ tập thể dục của Microsoft, được tích hợp các cảm biến để đo nhịp tim, mạch,... Tuy nhiên, độ chính xác của Microsoft Band là rất thấp, khiến nhiều người dùng từ bỏ nó sau một thời gian sử dụng.

Jack 3.5mm trên iPhone (2007 - 2016)​

Thế hệ iPhone 7/7 Plus đã bị Apple loại bỏ jack tai nghe 3.5mm truyền thống. Việc loại bỏ jack tai nghe này đã buộc khách hàng phải chọn: dùng tai nghe tặng kèm, mua tai nghe không dây, sử dụng đầu hoặc cáp chuyển đổi,... Đây là một bước đi khá táo bạo của Apple, vì nếu nó phù hợp với thị hiếu, cả thị trường sẽ phải chuyển hướng qua Jack cắm mới. Nếu không, chính Apple rồi cũng sẽ phải quay trở lại với Jack 3.5mm.

Project Ara (2013 - 2016)

Dự án điện thoại "xếp hình" của Google năm 2013 vốn gây được rất nhiều thích thú, xen lẫn tò mò. Tuy nhiên, nó đã bị hủy bỏ mà không có lời giải thích cụ thể. Dù vậy, khả năng chiếc điện thoại này xuất hiện trong tương lai vẫn có thể xảy ra nhưng nhiều khả năng là từ một hãng sản xuất điện thoại khác.

ThunderBolt Display (2011 - 2016)

Thunderbolt Display được Apple giới thiệu vào năm 2011, có khả năng hiển thị độ phân giải 2560 x 1440 pixel, trang bị webcam, mic, loa ẩn bên trong, cổng kết nối USB 2.0,... Tuy nhiên, Apple đã tuyên bố ngừng dòng sản phẩm này để tập trung vào các sản phẩm mới cho chất lượng hiển thị phù hợp với chuẩn 4k hoặc 5k.

Galaxy Note 7 (8/2016 - 9/2016)

Đây được xem là thất bại đáng buồn nhất trong lịch sử mảng điện thoại của Samsung, khi mà hãng xem Note 7 như đối thủ cạnh tranh với iPhone 7. Thất bại của Note 7 khiến cuộc đua "song mã" được quyết định ngay cả khi các tranh chấp, so kè còn chưa kịp bắt đầu.

Google Picasa (2002 - 2016)

Nhiều người hẳn sẽ nhớ tới Picasa hơn là Google Photos, bởi nó giúp quản lí ảnh một cách hiệu quả và dễ dàng hơn hậu bối. Đáng lẽ chỉ cần một bảng cập nhật, thêm thắt tính năng thì người dùng hẳn sẽ đón nhận Picasa, nếu được lựa chọn.

Chatbot Tay (23/4/2016 - 24/4/2016)​

Sự thất bại của “trợ lý ảo” Chatbot Tay cho thấy khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế vốn chẳng gần. Đây là một trong những sai lầm lớn của Microsoft, dẫn đến thất bại được cho là đáng xấu hổ. Trợ lý ảo này tự nhận mình là một cô gái 19 tuổi và có khả năng tự học những điều mọi người đưa lên Twitter.

Trợ lý ảo Chatbot Tay còn phát sinh nhiều lỗi không mấy "dễ chịu"

Tuy nhiên, cái mà Chatbot Tay mang đến cho người dùng đôi khi là những thông điệp tiêu cực như: phân biệt chủng tộc, ủng hộ phát xít,... Trước sự cố này, Microsoft đành phải xóa Tay và gửi lời xin lỗi đến toàn thể người dùng. Mới đây, Microsoft vừa giới thiệu một sản phẩm thay thế là Chatbot Zo nhưng tình hình vẫn chưa khả quan hơn.

Trong khi bảng nâng cấp tiếp theo là Chatbot Zo cũng chưa cho thấy nhiều thay đổi

Samsung NX (2010 - 2016)

Samsung NX đi theo hướng đi hoàn toàn khác, theo dạng máy ảnh không gương lật, khả năng quay clip 4k, Wifi,... nhưng từng đó tính năng là chưa đủ sức để cạnh tranh trên thị trường vốn được xem là quá khốc liệt với sự hiện diện của hàng loạt ông lớn. Rồi cũng phải tới lúc Samsung NX chịu dừng bước cho các sản phẩm khác ra đời.

Gawker (2003 - 2016)

Không ai có thể phủ nhận "hào quang" cũ của Gawker nhưng hiện tại họ thường xuyên bị chỉ trích và liên tục vướng vào các vụ kiện tụng. Cuối cùng, sau vụ kiện do Charles Harder và tỷ phú Peter Thiel "giật dây" thì trang thông tin này đã buộc phải đóng cửa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang