(CAO) Hôm 12-6, Reuters đưa tin hệ thống định vị có tên Bắc Đẩu của Trung Quốc sẽ hoàn thành vào tháng này, khi vệ tinh cuối cùng của nó được phóng vào quỹ đạo.
Bước tiến này giúp Trung Quốc tự chủ hơn khi giảm bớt phụ thuộc vào hệ thống định vị GPS của Mỹ.
Ý tưởng phát triển Bắc Đẩu đã có từ những năm 90 của Thế kỷ trước khi quân đội Trung Quốc muốn giảm dần phụ thuộc vào hệ thống GPS được Không quân Mỹ điều hành.
Vệ tinh đầu tiên trong hệ thống Bắc Đẩu đã được phóng lên quỹ đạo vào năm 2000 với tầm định vị phủ khắp Trung Quốc. Trong bối cảnh người dân sử dụng các thiết bị di động ngày càng tăng, Bắc Kinh vào năm 2003 tham gia vào dự án vệ tinh định vị Galileo của Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên sau đó họ quyết định rút ra tập trung vào việc phát triển Bắc Đẩu.
Một vệ tinh định vị trong hệ thống Bắc Đẩu được phóng lên từ bãi phóng ở tỉnh Tứ Xuyên năm 2018 - Ảnh: Reuters
Trong thời đại của những chiếc iPhone, thế hệ vệ tinh định vị thứ hai nằm trong hệ thống Bắc Đẩu đã được đưa vào vận hành vào năm 2012, bao phủ tầm định vị ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Đến năm 2015, Trung Quốc bắt đầu phóng thế hệ vệ tinh thứ 3 với mục tiêu bao phủ tầm định vị toàn cầu.
Trong tháng này, vệ tinh thứ 35, cũng là vệ tinh cuối cùng trong thế hệ vệ tinh thứ 3 của hệ thống này được phóng lên quỹ đạo. Điều này có nghĩa Bắc Đẩu giờ đây sở hữu số vệ tinh nhiều hơn GPS (31 cái) và nhiều hơn cả 2 hệ thống định vị khác là Galileo của Châu Âu và GLONASS của Nga.
Mô hình hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Chi phí đầu tư cho hệ thống Bắc Đẩu vào khoảng 10 tỷ USD giúp quân đội Trung Quốc duy trì mạng lưới liên lạc, không còn phụ thuộc vào GPS của Mỹ trong tình huống xảy ra xung đột.
Khả năng định vị để nhắm mục tiêu và điều hướng vũ khí tấn công cũng được cải thiện, giúp nó có thể định vị tấn công các mục tiêu có kích cỡ chỉ 10cm so với 30cm của GPS ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.