Ấm áp nghĩa tình những ngày cuối năm

Thứ Ba, 02/02/2021 12:28

|

(CATP) Mảnh đất và con người ở Sài Gòn bao đời vẫn vậy: hào sảng, phóng khoáng, ấm áp. Những câu chuyện về tình, về nghĩa cứ thế được nhân lên theo năm tháng, đôi khi đó chỉ là những điều thật giản đơn mà nhân văn, dung dị nhưng vẫn tỏa sáng...

NỒI CHÁO ẤM LÒNG Ở BỆNH VIỆN THỦ ĐỨC

Đúng 5 giờ sáng một ngày cận kề Tết Nguyên đán Tân Sửu, chúng tôi được trung úy Phạm Đắc Tài - cán bộ Công an phường (CAP) Tam Phú, TP.Thủ Đức, dẫn đến nhà anh Trần Trí Hiệp - bảo vệ dân phố - để chuẩn bị đưa nồi cháo đến Bệnh viện (BV) Thủ Đức phát cho người bệnh và thân nhân. Anh Hiệp đẩy nồi cháo đi qua các con hẻm, những người dân luôn đồng hành, gắn bó với nồi cháo nghĩa tình của CAP Tam Phú suốt hơn 4 năm qua đã chờ sẵn từ trước. Chỉ trong chớp mắt, mọi thứ đã chuẩn bị xong. Anh Hiệp thoăn thoắt múc cháo vào ly, kế đó là trung úy Tài cùng các chị, các bà phụ đậy nắp, cho vào bịch treo lên đợi người đến lấy.

Nồi cháo nghĩa tình tại BV Thủ Đức đã trở thành điểm sáng đầy ý nghĩa bao năm qua xuất phát từ ý tưởng của trung tá Nguyễn Văn Tài - nguyên Trưởng CAP Tam Phú. Đến giờ, dù đang giữ chức Đội phó Đội CSĐTTP về ma túy Công an TP.Thủ Đức với bộn bề trọng trách nhưng anh vẫn thường xuyên quan tâm và rất vui khi thấy đồng đội vẫn duy trì hoạt động ý nghĩa này. Suốt nhiều năm qua, nồi cháo nghĩa tình ấy vẫn đều đặn thứ 6 mỗi tuần giúp bà con nghèo thêm ấm lòng. Không chỉ phục vụ cho thân nhân, cán bộ chiến sĩ CAP còn mang cháo đến tận giường bệnh. Nhìn trung úy Tài đi khắp các khoa phòng, ân cần hỏi: "Dạ, ông bà, anh chị có dùng cháo không ạ?" mà thấy trân quý vô cùng.

Để có được nồi cháo hơn 10kg gạo nấu cùng rau củ thịt bằm, anh Hiệp và các cán bộ chiến sĩ CAP cùng một số người dân đã cặm cụi làm việc từ chiều đến tận khuya hôm trước, nhưng đến giờ phát thì 400 ly cháo đã hết veo chỉ trong vài chục phút.

Theo trung tá Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng CAP Tam Phú: "Niềm động viên lớn nhất của chúng tôi đó chính là thấy mọi người được 1 bữa sáng ngon miệng".

Ngoài trực tiếp nấu nồi cháo nghĩa tình cho CAP Tam Phú, anh Hiệp còn cùng nhóm khác nấu cháo chay phục vụ người bệnh và thân nhân BV Thủ Đức vào sáng thứ 3, 5 hàng tuần.

Anh Trần Trí Hiệp - bảo vệ dân phố cùng các chiến sĩ CAP Tam Phú nấu cháo phục vụ bệnh nhân

CHIM BỒ CÂU NUÔI DƯỠNG BẰNG TÌNH NGƯỜI

Những ai đi ngang khu vực Nhà thờ Đức Bà đều ấn tượng với hình ảnh đàn bồ câu hàng trăm con sà xuống mổ gạo, thóc mỗi sáng. Người dân thành phố thường kháo nhau rằng đây là đàn bồ câu trời, khi được cho ăn thì chúng quen dần và không còn biết sợ là gì nữa, sà xuống kiếm ăn như một thói quen rồi gần gũi với con người tự lúc nào không biết. Vì yêu quý loài chim này mà đã có rất nhiều người tìm đến đây tự tay cho chúng ăn.

Một sáng nọ, chúng tôi rảo quanh Nhà thờ Đức Bà ngắm đàn bồ câu. Lúc này ở một góc đường, chúng tôi thấy 1 cụ bà đang đứng rải thóc trộn ít gạo cho đàn chim ăn. Hỏi thăm mới biết, cụ là Nguyễn Thị Kim Chi (SN 1950, ở Q.Tân Phú). Trước đây, cụ Chi được người ở quê cho gạo lứt nhiều, sợ ăn không hết bị hỏng sẽ rất phí nên cụ lân la hỏi thăm thì biết được có nhiều chỗ chim bồ câu bay về kiếm ăn. Thế là từ đó, cứ 1 tuần hoặc cách ngày, cụ lại nhờ con trai chở đến Nhà thờ Đức Bà để cho chim ăn. Xong chỗ này, cụ lại ghé chăm sóc đám bồ câu khác trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Mỗi lần đến đây, cụ đều xách sẵn hai bịch gạo thóc khoảng hơn 2kg để chia ra cho đám chim. Khởi đầu cơ duyên là vậy, chứ sau này cụ phải mua gạo thóc ở chợ chỉ vì trót thương lũ chim trời.

Rất nhiều người đã đến đây cho chim bồ câu ăn giống cụ Chi, có khi là những cô cậu học trò được ba mẹ chở đến vung những hạt lúa cho bồ câu trong tiếng cười giòn tan. Họ cứ thế cần mẫn mỗi ngày, mỗi tuần như một thói quen và cũng là niềm vui rất đáng trân trọng, chứ không câu nệ bất cứ điều gì khác. Câu chuyện tưởng chừng chẳng có gì to tát ấy lại khiến những người chứng kiến luôn cảm thấy ấm lòng...

Bình luận (0)

Lên đầu trang