(CAO) Người Sài Gòn luôn có những việc làm để giúp cho những người bán vé số, người nghèo khó, người khuyết tật,... có được những bữa ăn với giá thấp; trà đá, bánh mì miễn phí;... và còn nhiều những hành động đẹp khác nữa.
Tại một con hẻm ở TP.HCM có một người tự đứng ra gây dựng nên con hẻm miễn phí mà ở đó nhiều người có thể tới nhận được thứ mình muốn mà không hề mất tiền.
Từ tủ thuốc treo ngay ở đầu hẻm, bình nước uống hay xe ôm, vá xe,... cho đến cả dịch vụ mai táng, cái gì trong con hẻm nhỏ này cũng đều được ghi rõ là "miễn phí".
Tủ thuốc, vá xe, nước uống và dịch vụ mai táng đều miễn phí, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn
Nhờ nó mà những người nghèo khổ, những người khuyết tật khó khăn, mỗi khi đi qua đây lại thấy ấm lòng hơn... Đó là con hẻm 96, đường Phan Đình Phùng, phường 2, quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Tủ thuốc do bà con trong hẻm chung tay đóng góp đã xuất hiện ở đầu hẻm cách đây 12 năm. Tủ thuốc nhỏ nhắn nhưng khá đầy đủ trong trường hợp cấp cứu thông thường và trị bệnh cảm cúm, đau bụng,…
Chiếc tủ thuốc tuy nhỏ nhưng thắm đượm nghĩa tình
Chiếc tủ thuốc đã kịp thời giúp đỡ nhiều người bị tai nạn xây xát, chảy máu, ngất xỉu,... được bà con nơi đây dìu vào sơ cứu trước khi đưa tới bệnh viện.
Nhiều nguời già neo đơn không đủ tiền mua thuốc thường ghé xin thuốc cảm cúm, dạ dày,... Họ quý tủ thuốc lắm, ông Nguyễn Văn Phúc, người có sáng kiến lập tủ thuốc, kể với chúng tôi.
Tủ thuốc đôi khi là cứu cánh quan trọng với người dân lao động
Để duy trì tủ thuốc này thì hoạt động đến ngày hôm nay thì chú Đỗ Văn Út (SN 1963), tên thường gọi là anh (Việt), cho biết: “Từ khi tủ thuốc này được thành lập thì có nhiều người tới gửi thuốc khác nhau, ai gởi gì thì tôi đều phân ra từng loại cho vào tủ, để khi nào mọi người cần thì có thể đưa cho họ ngay.
Cái tủ thuốc này 24/24 giờ đều có người trực, ai cần thuốc đều có. Tôi vá xe ở đây cả ngày, tới 6 giờ tối giao lại chìa khóa cho cô bán bánh ướt. Bán tới 3 giờ sáng, chìa khóa giao cho vợ chồng anh bán nước đá. Đến 5 giờ 15 tôi lại ra thay”.
Bên cạnh tủ thuốc do mình quản lý thì chú Út còn là chủ cơ sở mai táng “Vạn Phúc”, có ghi đầy đủ nhận phục vụ trọn gói cho tất cả các tôn giáo. Đặc biệt, còn tặng áo quan miễn phí cho những gia đình khó khăn.
Đối với bình trà đá đã có hơn ba năm nay, ông Út cho biết: “Tôi đặt bình trà đá miễn phí vì thấy mấy bà mua ve chai, mấy ông chở hàng mỗi lần mua trà đá dựng xe kẹt đường, kẹt xe, chủ quán không muốn bán. Một ngày mình bỏ ra 20.000 đồng, giúp được 200 người khát nước. Mình cũng nghèo, chỉ giúp được như vậy thôi nhưng vui lắm!”. Ngoài bình trà đá ra tôi còn bơm vá xe miễn phí cho những người khuyết tật.
Trà đá miễn phí cũng là một trong những nét đẹp ở Sài Gòn
Bác Nguyễn Quang Vũ người bán vé số ngụ quận Phú Nhuận, cho biết: “Tôi bán vé số ở đây gần chục năm nay rồi, từ khi có bình trà đá miễn phí này tôi cũng tiết kiệm được ít tiền để mua thêm vài cân gạo. Chứ mỗi ngày nếu mà mua nước từ tiệm thì tôi tốn cũng mười mấy ngàn. Chính những bình trà đá miễn phí như thế này giúp cho chúng tôi nhiều lắm, nhất là những ngày trời Sài Gòn nắng nóng”.
Những việc làm của những người như chú Út đã được người dân trong con hẻm ví là “cây từ thiện” bởi sức lan tỏa mà nó mang lại. Chú vừa làm nghề vá xe, chạy xe ôm,... miễn phí cho người khuyết tật. Vợ chồng chú ở trọ trong căn phòng diện tích vài mét vuông, điều kiện kinh tế không dư dả nhưng điều đó không ngăn được chú mở lòng chia sẻ với người khác.
Ông Út sẵn sàng không lấy tiền với người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn
Đâu đó trong thành phố nhộn nhịp này vẫn còn những con người âm thầm, làm việc giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Bớt đi một phần nào gánh nặng và mưu toan trong cuộc sống để giúp đỡ người khác với tấm lòng hết sức dụng dị.
Chúng tôi vẫn hy vọng rằng, không chỉ có một con hẻm miễn phí như câu chuyện ở hẻm 96. Mà sẽ có thêm nhiều con hẻm miễn phí khác nữa, góp phần giúp đỡ những người khó khăn để cho họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.