Thùng bánh mì miễn phí giữa lòng Sài Gòn

Thứ Bảy, 23/01/2016 06:21

|

(CAO) Mới mở ra không lâu nhưng thùng bánh mì từ thiện của cô Xuân Lan đã được hàng trăm người biết đến. Địa chỉ 369 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh (TP.HCM) trở thành điểm đến của những người dân nghèo mỗi ngày đi làm qua đây.

Dòng người chen chúc nhau giữa tiết trời nắng nóng như đổ lửa của Sài Gòn. Ai cũng vội vã, nhanh chóng và hớt hải trong guồng quay của nhịp sống thường nhật. Trên con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (giao với Bạch Đằng) đông đúc mấy hôm nay bỗng xuất hiện một thùng bánh mì miễn phí như một “hiện tượng lạ” gây sự chú ý của người đi đường.

Thùng bánh mì hai tầng chứa đầy những ổ bánh mì còn nóng hổi. Phía trước có một khe tròn nhỏ để người dân thò tay vào lấy bánh. Trên thùng có dán dòng chữ "Từ thiện - miễn phí - một người một ổ". Hỏi ra mới biết, đó là thùng bánh mì dành cho người nghèo của cô Xuân Lan – một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, luôn dành nhiều tình cảm đến với những người yếu thế trong xã hội.

Thùng bánh mì từ thiện

Cô Lan chia sẻ: “Cô nhiều tuổi rồi không làm được nhiều nên chỉ muốn chia sẻ với bà con chút tình cảm vậy thôi. Giống như cô, những lần bận công chuyện, không kịp ăn sáng chỉ cần ổ bánh mì và ly nước là no tới chiều. Mấy ngày đầu mở ra thùng bánh mì từ thiện này còn ít người biết còn bây giờ nhiều người biết rồi, mỗi ngày phát ra 100-150 bánh. Tuy nhiên, cứ hết bánh mì là cô lại nói anh bảo vệ bỏ thêm vào, không hạn chế về số lượng. Mong muốn của cô khi mở ra thùng bánh mì từ thiện này là giải quyết được bữa sáng cho người dân nghèo”.

Trước đây, cô Xuân Lan cũng từng tổ chức nhiều chương trình từ thiện ý nghĩa như quán cơm chay miễn phí ở ngã tư Hàng Xanh nhưng vì một số lý do nên sau hơn một năm ra đời, quán phải ngừng hoạt động. Hàng tháng, cô đều dành thời gian đến trao quà và hỏi thăm các bệnh nhân tại bệnh viện Ung bướu.

Lúc tôi đến gặp mọi người trong cửa tiệm đang gói gắm hơn 1.500 phần quà để trao trong dịp Tết cho người nghèo và các bệnh nhân ở bệnh viện. “Chỉ là chút nhu yếu phẩm như đường, sữa, bánh nhưng hy vọng bà con có thêm niềm vui trong ngày Tết. Những món quà ấy đối với nhiều người chẳng đáng là bao nhưng đối với người nghèo thì đây là sự động viên lớn về tinh thần”, cô cười hiền.

Người dân đến lấy bánh mì

Phụ trách việc bảo vệ cửa tiệm và nay trông coi thêm thùng bánh mì từ thiện, anh Lý Chánh Lương (Quê An Giang) cho biết, cứ sáng sớm có người giao bánh mì đến, anh sắp chúng vào thùng và đẩy ra trước cửa tiệm. Mọi người đi qua nếu ai có nhu cầu thì sẽ lấy một ổ. Những người đến lấy bánh thường là công nhân vệ sinh, người bán vé số, xe ôm…Đến 5h chiều khi hết bánh thì anh đẩy vào.

“Có nhiều người ban đầu còn ngại ngùng nhưng giờ họ quen rồi. Một số còn xin thêm bánh để cho con cái họ ở nhà. Đề trên tủ là mỗi người một ổ để họ biết lấy chừng mực, lấy nhiều mà không ăn, bỏ uổng nếu có ai xin thêm bánh mì thứ hai vẫn được”, anh Lương chia sẻ.

Chị Lê Thị Ngân (35 tuổi, Ngụ quận Bình Thạnh) vừa lấy bánh và cho biết: “Trước đây đã nghe đến tên cô Lan hay làm từ thiện, nay biết cô mở thêm thùng bánh mì này thì vô cùng xúc động. Đối với những người lao động nghèo như chúng tôi, bữa sáng là thứ xa xỉ, dù chỉ là chiếc bánh mì 3 nghìn. Mong cô tiếp tục mở thêm nhiều thùng bánh mì miễn phí ở các địa điểm khác để người dân có những bữa sáng ấm lòng hơn”.

Thùng bánh mì giúp cho người nghèo 

Đứng gần anh Lương trong một buổi sáng, tôi chứng kiến gần trăm người đến nhận bánh. Đông nhất vẫn là khoảng thời gian từ 6h đến 8h sáng. Thời điểm này, nhiều người công nhân đổ ra đường để đi làm, học sinh tới trường. Ai đi qua tiệm đều ghé vào xin một chiếc bánh. Anh Nguyễn Tiến Anh (Quê Quảng Ngãi) cho biết, ban đầu thấy thùng bánh mì của cô Lan thấy hai lạ và hơi ngại, lâu dần quen, giờ ngày nào anh cũng đến lấy bánh về cho con gái ăn sáng đi học.

Giữa cuộc sống nhộn nhịp, xô bồ , thùng bánh mì miễn phí của cô Lan như một lời động viên chân thành và ấm áp nhất cho những con người xa quê đang mưu sinh trên mảnh đất Sài Gòn. Cùng với những con người tốt bụng khác, cô Lan đang làm nên những điều tử tế và nhân văn nhất cho Sài Gòn thương yêu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang