Bão YAGI có thể mãnh lên tới cấp 14, giật cấp 17

Thứ Tư, 04/09/2024 09:04

|

(CAO) Theo dự báo, từ ngày 5-6/9, bão YAGI (bão số 3) có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, vùng gần tâm bão gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17, biển động dữ dội.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 4/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 118 độ Kinh Đông trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117 km/h), giật cấp 13, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10 km/h.

Dự báo đến 4 giờ ngày 5/9, bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10 km/h, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 560km về phía Đông. Sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 16. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Đến 4 giờ ngày 6/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10-15 km/h, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh cấp 14, giật cấp 17.

Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 4.

Dự báo hướng và thời gian di chuyển của bão số 3 - Ảnh: TTDBKTTVQG

Đến 4 giờ ngày 7/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/h và đi vào vịnh Bắc Bộ, Sức gió mạnh cấp 13, giật cấp 16. Khu vực chịu ảnh hưởng của bão là phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông; độ rủi ro thiên tai cấp 4; vịnh Bắc Bộ cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Cảnh báo, từ 72-120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km, cường độ tiếp tục giảm. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 8-10. Vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-13, giật trên cấp 16, biển động dữ dội.

Từ ngày 5-6/9, bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông. Vùng gần tâm bão gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17.

Trong 24 giờ tới, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, sóng biển cao 2-4m, vùng gần tâm bão 4-6m. Từ ngày 5-6/9, độ cao của sóng biển có thể tăng lên 7-9m, biển động dữ dội và rất nguy hiểm đối với tàu thuyền hoạt động tại vùng biển trên.

Tại khu vực miền núi phía Bắc, các chuyên gia Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, từ 5 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút ngày 4/9, khu vực tỉnh Lào Cai tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai, Sa Pa, thành phố. Lào Cai. Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.

Trong khi đó, chiều và tối 4/9, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-40mm, cục bộ có nơi trên 70mm.

Khu vực Trung và Nam Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên cổng thông tin điện từ của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất). Cảnh báo độ rủi ro thiên tai do lốc, sét cấp 1.

Bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam

Thông tin về diễn biến bão số 3, tối 3/9, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Vũ Anh Tuấn cho biết sau khi vào Biển Đông, bão dần chuyển sang hướng Tây và di chuyển chậm, cường độ bão tăng dần (tính đến thời điểm hiện tại, cường độ bão là cấp 10 - tăng 2 cấp so với bản tin dự báo bão sáng 3/9).

Khi bão di chuyển sâu vào trong khu vực Biển Đông, bão tiếp tục tăng cấp và khả năng đạt cấp 14, giật cấp 17 trên khu vực phía Bắc của Bắc Biển Đông vào chiều 6/9. Cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo lên đến cấp 4.

Đề cập đến đặc điểm của bão số 3, ông Vũ Anh Tuấn cho hay, ngoài việc bão liên tục tăng cấp khi vào Biển Đông (tăng 6 cấp tính từ thời điểm bão vào Biển Đông cho đến khi đạt cấp cường độ cực đại - từ cấp 8 đến cấp 14), phạm vi gió mạnh của bão cũng rất rộng và tăng theo mức độ tăng cấp của bão.

Cùng với đó, các ổ mây dông mạnh có khả năng xuất hiện trước ảnh hưởng của bão gây lốc xoáy và gió giật mạnh trên biển.

Ông Vũ Anh Tuấn cho niết, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ nay đến sáng 6/9, bão duy trì ổn định theo hướng Tây với tốc độ khoảng 10-15 km/giờ. Từ chiều 6/9, có 2 kịch bản xảy ra đối với bão số 3 và cả 2 kịch bản này đều ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền Việt Nam.

Kịch bản thứ nhất: Bão có khả năng di chuyển lên phía Bắc của đảo Hải Nam (Trung Quốc) và di chuyển vào khu vực phía Bắc của vịnh Bắc Bộ (thời điểm di chuyển khoảng ngày 6-7/9). Với kịch bản này, bão có khả năng đi vào vịnh Bắc Bộ và gây ra một đợt mưa lớn trên khu vực Bắc Bộ.

Kịch bản thứ 2: Chiều 6/9, bão khả năng đổi hướng về phía Tây Nam, sau đó đi vòng về phía Nam của đảo Hải Nam (Trung Quốc) và đi vào vùng biển phía Nam của vịnh Bắc Bộ. Với kịch bản này, bão có khả năng gây ra một đợt mưa lớn trên khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.

Hai kịch bản trên xảy ra đều gây mưa lớn, do đó, nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt ở khu vực vùng núi và ngập úng ở khu đô thị.

Ngoài ra, khi bão vào trong đất liền, hoàn lưu của bão rộng khả năng gây gió mạnh dọc ven biển các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Ông Vũ Anh Tuấn lưu ý bão số 3 rất mạnh nên ngoài ảnh hưởng của gió mạnh trong bão, từ đêm 4-6/9, bão khả năng gây sóng biển cao 7-9m trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, điều này rất nguy hiểm cho các tàu thuyền hoạt động trên khu vực này, thậm chí sóng lớn còn có thể đánh chìm các tàu có trọng tải lớn.

Ngày 3/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh có công điện khẩn gửi lãnh đạo các địa phương, các sở, ban, ngành của tỉnh về diễn biến bão số 3 (YAGI).

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh tuyệt đối không lơ là chủ quan, mất cảnh giác.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị theo dõi diễn biến của bão, thông tin đến các địa phương, đơn vị để chủ động triển khai các giải pháp ứng phó.

Chi cục Thủy sản phối hợp với Ủy ban Nhân dân các địa phương ven biển nắm chắc tình hình tàu thuyền (đặc biệt là tàu xa bờ); thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển vị trí và diễn biến của bão để chủ động về nơi tránh trú, không đi vào vùng nguy hiểm. Các đơn vị quản lý hồ chứa chủ động theo dõi mực nước hồ, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa trong tình huống mưa lớn sau bão.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Bí thư, cấp ủy các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tiễn địa bàn để tổ chức kiểm tra, tập trung chỉ đạo phòng, chống mưa bão trên địa bàn và chịu trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra thiệt hại về người, tài sản của nhân dân do lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương (đặc biệt là các địa phương ven biển và miền núi) theo dõi thông tin thường xuyên, nắm chắc tình hình diễn biến bão số 3; khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm “3 trước (chủ động phòng, chống trước; phát hiện xử lý trước; phương tiện, vật tư chuẩn bị trước) và 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ)", tổ chức thông tin cho nhân dân biết về diễn biến bão; căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động kịp thời, hướng dẫn người dân, các đơn vị ứng phó.

Trong đó cần tập trung: chủ động phòng, chống gió lớn, mưa lớn trước, trong và sau bão trong điều kiện đất đã bão hòa nước, rất dễ gây sạt trượt, lở đất; sẵn sàng phương án phòng, chống ngập lụt, sạt lở trên địa bàn, nơi sản xuất; chỉ đạo, đôn đốc gia cố lại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, chủ động phương án đưa người tại các khu sản xuất trên biển lên bờ khi cần thiết; chủ động rà soát địa bàn, các khu vực xung yếu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án phòng, chống bão và phương án di chuyển nhân dân tới nơi an toàn…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng giao cho Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Cảng vụ đường thủy nội địa rà soát, nắm chắc số lượng tàu du lịch, sẵn sàng thực hiện cấm biển khi có yêu cầu; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú tại các bến, khu neo đậu… Lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, đảm bảo triển khai hỗ trợ các địa phương, đơn vị khi có yêu cầu.

Lực lượng Biên phòng căn cứ tình hình diễn biến của bão, kịp thời tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú theo quy định. Sở Du lịch nắm chắc số lượng khách du lịch, đặc biệt là tại các khu du lịch biển, thông tin đến các doanh nghiệp du lịch về tình hình bão để các doanh nghiệp chủ động phương án đón khách.

Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) rà soát các phương án phòng, chống thiên tai đối với các khu vực khai thác than hầm lò, bãi thải, các vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở khi có mưa lớn trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để tiến hành cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra…

Ngày 3/9, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng, cho biết tỉnh Nam Định chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3, đảm bảo an toàn, tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ; phương tiện vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ; chỉ huy tại chỗ) theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ.

Căn cứ tình hình thực tế và khả năng ảnh hưởng của bão, mưa lũ tại địa phương chủ động thông tin kịp thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó với bão, lũ; tổ chức rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết, không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu; rà soát, chủ động kế hoạch sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, nhất là ở cửa sông, ven biển; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực bến phà, đò ngang; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.

Cùng với đó, các địa phương cần chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị, khu công nghiệp và công trình cơ sở hạ tầng; kiểm soát việc đi lại, hạn chế người dân ra đường trong thời gian bão đổ bộ, mưa lũ lớn để đảm bảo an toàn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện ven biển rà soát, kiểm đếm, chủ động thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải, tàu du lịch) còn đang hoạt động trên biển biết; hướng dẫn tàu thuyền không đi vào hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn, có biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; rà soát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, cửa sông, ven bờ; kiên quyết sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; theo dõi, bám sát thông tin, đường đi của bão, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thời gian cấm biển.

Cùng với đó, các sở, ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai theo nhiệm vụ được phân công; tăng cường công tác trực ban, tuần tra, canh gác đê điều theo quy định; phát hiện, báo cáo và phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những sự cố, hư hỏng của đê, kè, cống; chỉ đạo vận hành linh hoạt điều tiết nước khi mưa lũ kéo dài, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ địa phương ứng phó sự cố, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; quản lý chặt chẽ và hướng dẫn cụ thể các chủ đò, phà vượt sông trong việc đảm bảo an toàn đối với người và phương tiện, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.

Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính; đảm bảo an toàn cháy nổ và trật tự xã hội tại các khu neo đậu, tránh trú; hướng dẫn, điều tiết giao thông khi mưa lớn, ngập lụt; tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, địa phương và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó; tăng cường đưa tin để người dân nắm được thông tin về diễn biến và dự báo thiên tai, chỉ đạo của cơ quan chức năng, hướng dẫn người dân kỹ năng ứng phó để giảm thiệt hại do thiên tai.

Các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án công trình đang thi công cần chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn về người, phương tiện và công trình; yêu cầu tuyệt đối an toàn với người, phương tiện và hệ thống đê, kè của tỉnh. Các Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi căn cứ vào tình hình thực tế chủ động tổ chức tiêu rút nước đệm trên toàn hệ thống, có phương án bơm tát nước trong trường hợp ngập úng kéo dài, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, úng, ngập.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện toàn tỉnh Nam Định có trên 1.760 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản; có trên 91.000ha cây trồng, trong đó có trên 72.000 lúa mùa.

Tàu thuyền chủ động neo đậu tránh trú bão tại Cảng cá Tân Sơn, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: TTXVN)

Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 3, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình ban hành Công điện khẩn, yêu cầu Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành rà soát, chủ động thực hiện các phương án sắp xếp tàu thuyền, di dời lao động nuôi trồng thủy hải sản, ngư dân trên các phương tiện neo đậu, người dân sinh sống trong các khu vực nguy hiểm, nhà yếu đến nơi an toàn.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các cấp, ngành theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết về vị trí; hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; đồng thời duy trì thông tin liên lạc, xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác các công trình thủy lợi Bắc Thái Bình, Nam Thái Bình chủ động hạ thấp mực nước trong hệ thống.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn khơi thông dòng chảy, điều tiết nước mặt ruộng hợp lý bảo đảm sinh trưởng và công tác phòng trừ sâu bệnh cho lúa Mùa.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, ngành sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu; triển khai chằng chống, đảm bảo an toàn cho lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông, ven biển, trong đó đặc biệt chú trọng các lồng bè ở khu vực cửa sông lớn; đồng thời kiểm tra, rà soát các phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu trên các tuyến đê, nhất là đê cửa sông, đê biển. Khi phát hiện không đảm bảo an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, đến 15 giờ ngày 3/9 trên địa bàn có 995 tàu thuyền với 2.950 lao động làm ăn trên biển, trong đó có 216 phương tiện/1.042 lao động đang hoạt động ven biển Thái Bình; 42 phương tiện/233 lao động đang hoạt động ngoài tỉnh; 714 phương tiện/1.477 lao động đang neo đậu tại các bến trong tỉnh và 23 phương tiện/198 lao động neo đậu tại các bến ngoài tỉnh.

Ngoài ra toàn tỉnh có 1.179 chòi canh với 1.254 lao động canh coi trên các bãi ngao; 1.128 đầm với 1.617 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven biển ở hai huyện Thái Thụy và Tiền Hải.

Đến ngày 3/9, toàn tỉnh có 74.300ha diện tích lúa Mùa đã gieo cấy, trong đó khoảng 25.000ha diện tích lúa đã trỗ bông; 4.585ha diện tích cây màu Hè Thu đã thu hoạch (đạt 53,2% diện tích đã trồng).

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Thái Bình, bão số 3 là cơn bão rất lớn. Dự báo từ đêm 4-6/9 bão số 3 có thể đạt cấp bão rất mạnh trên vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, gió mạnh có thể lên tới cấp 14, giật cấp 17 ở vùng gần tâm bão.

Bình luận (0)

Lên đầu trang