"Quái xế"... tranh tài
Thiết lập trật tự và xử nghiêm những hành vi vi phạm trên tuyến PĐB Nguyễn Huệ không chỉ dừng lại ở lập biên bản, xử phạt mà cần nhiều hơn nữa những giải pháp căn cơ và sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương.
Thời gian qua, hoạt động vui chơi, thăm thú của du khách trên PĐB Nguyễn Huệ liên tục bị nhiều nhóm thanh thiếu niên làm phiền bởi những màn lái xe như... "diễn xiếc". Ở ngay giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi (khu vực vừa được bàn giao mặt bằng sau thời gian dài thi công tuyến Metro số 1), thậm chí nhiều đối tượng còn ngang nhiên biến lòng đường thành sân chơi tốc độ của riêng mình.
Khoảng 20 giờ ngày 08-11, phóng viên bắt gặp cảnh một nhóm thanh, thiếu niên (điều khiển các xe mang BS: 52T4-75.., 59T1-679.. và 50N1-83...) thản nhiên chạy xe dàn hàng ngang, gây cản trở giao thông. Trong số này có nhiều người còn không đội nón bảo hiểm. Cả nhóm liên tục có những màn chạy xe lạng lách, đánh võng để luồn lách giữa làn xe cộ đông đúc. Chứng kiến những hình ảnh xấu xí này, anh Lê Hữu Nhựt (ngụ TP.Thủ Đức) ngán ngẩm chia sẻ: "Lên đây dạo mát cùng gia đình mà chỉ gặp toàn những hình ảnh chạy xe máy xấu xí của giới trẻ. PĐB nhưng chủ yếu là nơi để các bạn này khoe xe độ là chính".
Trước đó, vào một tối cuối tháng 10 năm 2022, tại giao lộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi xuất hiện một nam thanh niên với dáng vẻ ngổ ngáo. Gã điều khiển chiếc "xế độ”, ngông nghênh đứng giữa đường. Người này liên tục vặn ga, nẹt pô inh ỏi như tìm kiếm sự chú ý của những người xung quanh. Chứng kiến cảnh tượng này, nhiều du khách không khỏi... lắc đầu ngao ngán!
CSGT đã kịp thời có mặt để vãn hồi trật tự
Sau màn chào sân ồn ào khó coi, tay chơi này nhanh chóng đạp số, vít mạnh ga, nhấc bổng bánh trước lên không trung. Một số thanh niên quá khích đứng hai bên đường liên tục la hét, reo hò khiến "quái xế" thêm... hăng máu. Tuy vậy, cuộc chơi đã nhanh chóng bị "dập tắt" khi tổ công tác 363 của CAQ1 kịp thời có mặt, ngăn chặn. Đối diện với sự nghiêm minh của lực lượng chức năng, gã thanh niên ngổ ngáo chỉ biết lặng lẽ cúi đầu.
Trước đó ít ngày, ống kính của phóng viên đã ghi lại hình ảnh của một thiếu niên khác điều khiển môtô, liên tục lạng lách, đánh võng trên đường. Chứng kiến những hình ảnh khó coi này, chị Nguyễn Thị Linh (26 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho rằng, những hành động vi phạm Luật Giao thông đường bộ, gây ảnh hưởng đến sự an toàn cho người dân và du khách cần được nghiêm trị mạnh tay, trả lại một môi trường vui chơi, thăm thú lành mạnh.
Hàng rong ngang nhiên lấn ra giữa đường ở phố đi bộ
Khung cảnh đậu xe chiếm phần lòng đường khiến phố đi bộ trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị
Khi lòng đường thành bãi giữ xe
Tuyến đường Lê Lợi (quận 1) vừa được khai thông không lâu đã nhanh chóng bị chiếm dụng trở thành nơi đậu xe, tạo ra cảnh tượng "bát nháo". Đặc biệt vào mỗi buổi tối, phóng viên ghi nhận hàng trăm xe gắn máy và ôtô đậu kín 2 bên đường. Tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan gây cản trở lối đi, ảnh hưởng giao thông nghiêm trọng. Khi thấy lực lượng chức năng xuất hiện, số người này lên xe rồi bỏ chạy về đường Nguyễn Huệ. Khi lực lượng quản lý vừa rời đi, thì đâu lại vào đó!
Theo ghi nhận của phóng viên, xung quanh khu vực PĐB có khoảng 20 bãi giữ xe với mức giá cho một lần gửi từ 5.000 - 10.000 đồng. Tuy nhiên, thay vì gửi xe vào bãi, nhiều người lại thản nhiên để xe trên vỉa hè bất chấp quy định. Một du khách khi được hỏi đã trả lời một cách thản nhiên do "tiện" để đổ thừa cho hành động thiếu ý thức của mình. "Tôi chỉ dừng ở đây chơi một tí rồi đi. Chỗ gửi xe xa quá nên tôi không muốn gửi, với thấy nhiều người dừng cũng được nên tôi dừng luôn" - anh Phạm Anh T. (ngụ Q12) phân trần.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, PĐB Nguyễn Huệ vẫn được xem là điểm sinh hoạt cộng đồng duy nhất của TPHCM hội tụ được nhiều tiêu chí như vị trí trung tâm, có nhiều quán xá, cảnh quan đẹp... Tuy nhiên, PĐB sau nhiều năm đi vào hoạt động vẫn còn thiếu nhiều hoạt động văn hóa nổi bật, phục vụ đời sống tinh thần người dân. Cạnh đó, do là điểm đến của đại đa số người dân nên vào một số thời điểm, PĐB Nguyễn Huệ gần như... "quá tải"!
Một nhóm thanh niên ngang nhiên biến phần lề đường ở PĐB Nguyễn Huệ làm nơi... "khoe" xe
Một màn "kẹp 3", đi xe một bánh liều lĩnh của nhóm "quái xế" trên đường Lê Lợi hướng ra PĐB Nguyễn Huệ
Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, đơn vị đã có kế hoạch trình UBND TPHCM mở rộng PĐB lên 22 tuyến đường, nhằm phục vụ cho nhu cầu vui chơi giải trí ngày càng tăng của người dân. Việc xây dựng và mở thêm các tuyến PĐB mới được thực hiện dựa trên 5 tiêu chí gồm: tiêu chí an toàn, an ninh; tiêu chí hấp dẫn; tiêu chí mức độ tiếp cận nhu cầu của người dân; tiêu chí tính kết nối và tiêu chí cuối cùng là khảo sát sự ủng hộ của cộng đồng. Việc nghiên cứu đề án tổ chức mở rộng thêm nhiều tuyến PĐB ở trung tâm TPHCM được Sở Giao thông Vận tải đánh giá là hết sức thiết thực.
Đề án mở rộng các tuyến PĐB tại khu vực trung tâm TP vào các ngày cuối tuần từ 2022 - 2025 được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2022 - 2023 với các tuyến được mở rộng gồm: vòng xoay Công trường Quốc Tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công Xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Đồng Khởi (từ đường Nguyễn Du đến Lê Lợi), Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu.
Phớt lờ đèn tín hiệu
Là tuyến đường kiểu mẫu dành cho người đi bộ nên tại mỗi cột đèn tín hiệu, cơ quan quản lý đều có trang bị hệ thống chuông cảnh báo, giúp du khách có thể dễ dàng sang đường. Thế nhưng, trong tối 12-11, mặc dù phóng viên đã nhiều lần nhấn nút xin đường. Thế nhưng, những gì chúng tôi nhận lại chỉ là thái độ thờ ơ, vô cảm của dòng xe qua đường. Không hề có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy các phương tiện sẽ dừng lại nhường bước cho người qua đường.
Giai đoạn 2 từ năm 2023 - 2024, TP mở rộng phạm vi phố đi bộ vào ngày cuối tuần trên đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Nguyễn Thiệp (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Mạc Thị Bưởi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Ngô Đức Kế (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi).
Các tuyến như đường Đông Du (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh), Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh) sẽ ưu tiên đi bộ, hạn chế xe qua lại.
Đến giai đoạn 3 từ năm 2024 - 2025, mở rộng phạm vi tuyến phố đi bộ vào các ngày cuối tuần gồm: đường Hàm Nghi (từ Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang). Đối với đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách sẽ ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe.
"Mở rộng tuyến phố đi bộ cũng hướng tới mục tiêu lâu dài của TP nhằm giảm lượng ôtô đi vào khu trung tâm, cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân, góp phần nâng cao tính hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ ở khu vực trung tâm - nơi có nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc..." - đại diện Sở Giao thông Vận tải nhấn mạnh!