Xúc động buổi tri ân thầy cô sau nửa thế kỷ - "Dư âm" còn mãi!

Thứ Tư, 16/11/2022 12:43

|

(CAO) Trong khán phòng được bài trí ấm cúng là các thầy cô giáo năm xưa cùng các "cô, cậu" học trò mà giờ đây mái đầu đã bạc. Buổi gặp gỡ, tri ân diễn ra trong không khí thật đầm ấm, thân mật, gần gũi...

Trưa 16-11, tại nhà hàng Hoa Lộc Vừng (quận Bình Thạnh, TPHCM) diễn ra buổi gặp mặt của các “cô cậu học trò” ở độ tuổi U70 - những cựu học sinh các khoá của Trường phổ thông cấp 3 Công nghiệp - Nam Hà (nay là trường Ngô Quyền, TP.Nam Định) sinh sống ở các tỉnh, thành phía Nam để tri ân các thầy cô giáo.

Các cựu học sinh tặng hoa và quà tri ân thầy cô tại buổi họp mặt

Trong khán phòng được bài trí ấm cúng là các thầy cô giáo năm xưa cùng các "cô, cậu" học trò mà giờ đây mái đầu đã bạc. Buổi gặp gỡ, tri ân diễn ra trong không khí thật đầm ấm, thân mật, gần gũi của cựu học sinh các khoá cùng 6 thầy cô.

Thật xúc động khi mọi người được thấy thầy Lê Văn Trọng, 97 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, hiệu trưởng đầu tiên của trường. Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng thầy cố gắng tới dự buổi họp mặt để được sống trong bầu không khí tình thầy trò của nhiều chục năm về trước. Giọng thầy tuy không được khoẻ nhưng vẫn đủ sức truyền cảm tới học trò.

Xúc động những tình cảm tri ân thầy cô dạy dỗ, dìu dắt học trò từ cách nay nửa thế kỷ

Thầy kể, ngày đó khi nhận chức hiệu trưởng, trường còn đơn sơ, thiếu thốn trăm bề, lớp học là nhà tranh, vách đất. Mùa hè thì nóng nực, mùa đông rét buốt do gió mùa Đông - Bắc cứ luồn qua vách mong manh phả lạnh vào người. Thấy các em vừa nghe giảng vừa co ro ngồi sát nhau cho đỡ lạnh, thầy đau lòng lắm, nhưng biết làm sao? Vì cả thầy và trò đều nghèo như nhau, do các em đa số là con công nhân nhà máy dệt Nam Định.

Mấy năm trước khi có dịp về quê, thầy ghé thăm lại trường xưa, rất mừng vì trường hiện nay khang trang, bề thế lắm! Rồi hôm nay gặp mặt các em ở đây, ai cũng khỏe mạnh, thành đạt, thầy rất vui!

 Các cựu học sinh phát biểu lời tri ân thầy cô

​Những phút giây thầy trò được ở bên nhau thật quý giá. Năm nào đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, dù bận bịu công việc đến đâu, các cựu học sinh cũng phân công nhau tổ chức đi thăm hỏi các thầy cô hoặc gặp mặt như hôm nay. Những câu chuyện thủa hàn vi để thầy cô và học trò tâm sự, giãi bày, tưởng như không bao giờ hết. Thời gian trôi theo một dòng, nhưng ở đây, trong ngày tri ân dường như ngược lại mang theo bao nhiêu kỷ niệm tự nhiên ùa về.

Nhiều cựu học sinh tâm sự: Ba năm học dưới mái trường phổ thông trong một đời người không phải là dài, nhưng ba năm học dưới mái trường cấp 3 Công nghiệp - Nam Hà là khoảng thời gian không thể nào quên. Đó là những kỷ niệm đẹp, như những ngày chủ nhật cả trường đi lao động đào đắp kênh mương Mai Xá. Học sinh đứng thành hàng chuyển đất lên bờ, dù rất mệt nhưng ở cái tuổi “nhất quỷ, nhì ma...” cũng chẳng ngăn được mấy đứa trai nghịch vốc đất ném nhau! Rồi đến lúc cao trào thì cả các bạn nữ vốn hiền lành, nhu mì cũng tham gia. “Trận chiến" chỉ kết thúc khi có sự lên tiếng nghiêm khắc của thầy chủ nhiệm lớp.

 Trong lễ tri ân, thầy Vũ Tất Đạt, 97 tuổi vẫn góp vui bằng tiếng đàn

Nhớ những buổi sinh hoạt văn nghệ ở trường, các bạn ôm cây đàn ghi-ta bập bùng hát những bản nhạc Cách mạng đầy nhiệt huyết như: Lá đỏ, Tiến về Sài Gòn...; rồi đến các bản nhạc nước ngoài du dương như: Đôi mắt huyền, Come back to suriento - Trở về mái nhà xưa, Tình ca du mục... Nhưng chỉ đến khi những bản hoà tấu của các thầy Đạt, thầy Độ, thầy Ý với các bài: Lahabana mến yêu, Lapaloma- Cánh buồm xưa... với ghi-ta điện thì lay động lòng biết bao người.

Đặc biệt khi thầy Vũ Tất Đạt vừa đàn vừa hát bản Dư âm của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý trên cây đàn ghita -Hawai (còn gọi là Hạ uy cầm) với âm thanh lúc réo rắt, lúc lại nhẹ nhàng thánh thót đã làm cho cả trăm trái tim non trẻ của các trò như lịm đi, không gian lắng đọng để chỉ còn lại ...dư âm!

Và ngày hôm nay đây bản “Dư âm” lại được vang lên trên cây đàn xưa của người thầy năm nay đã 95 tuổi. Âm thanh không còn thanh thoát và thầy cũng không thể cất tiếng hát như xưa, nhưng điều đó không ngăn được những giọt nước mắt xúc động của cả thầy và trò tóc đã bạc như nhau trong khán phòng này!

​Nhớ về thầy cô là nhớ về hình ảnh bên bảng đen, phấn trắng với phương pháp giảng dạy độc đáo. Mỗi thầy cô đều có cách truyền đạt rất hiệu quả của riêng mình. Làm sao có thể quên được những giờ văn của thầy Trần Quang Huyền, học sinh như nuốt lấy từng lời giảng cùng với nét chữ đẹp như vẽ mà gần nửa thế kỷ rồi tưởng như thầy mới vừa rời bục giảng hôm qua.

Còn đến giờ Vật lý của cô Ngô Thị Ngoan, thầy Bình dạy sinh học, giờ địa của cô Yên, giờ toán của cô Phương, thầy Định, giờ thể dục của thấy Tiếp ở sân Chùa Cuối với 3 vòng chạy quả là cực hình đối với các bạn dư ký. Vào giờ dạy toán, cả lớp lại có điệp khúc, “chúng mày ơi, cô “búp bê” đến rồi!". Đó là biệt danh học sinh dành cho cô Phương, cô chủ nhiệm lớp 9 nhỏ nhắn tươi xinh. Nói thế thôi, cô đặc biệt nghiêm, dạy cuốn hút, giảng về Đại số rất dễ hiểu. Thầy Cận chủ nhiệm lớp 10 dạy hình học không gian và lượng giác rất nhập tâm. Cũng như thầy Cường chủ nhiệm lớp 8 luôn có sự cuốn hút mỗi giờ giảng.

​Còn nhiều lắm hình ảnh các thầy cô: Thầy Thạch dạy văn, thầy Phong dạy sử với phong cách hào hoa, lịch thiệp! Những giờ giảng lịch sử của thầy học sinh nghe chưa bao giờ biết chán. Thầy Hán Ngọ dạy Anh văn, Cô Phương dạy hoá, thầy Nghĩa dạy hoá..., các thầy cô vẫn mãi là tấm gương sáng cho bao thế hệ học trò.

Cùng chụp tấm hình lưu niệm ghi lại những khoảnh khắc xúc động, đáng nhớ

Một thế hệ đã vượt qua cảnh xếp gạch mua hàng, gánh nước đêm trăng thời bao cấp để đến bây giờ, đại đa số học sinh trường cấp 3 Công nghiệp - Nam Hà “không thành danh cũng thành nhân”! Hôm nay tại buổi gặp mặt, mọi người đang trở về với tuổi học trò của chính mình trong tà áo dài say sưa hát bài “Bụi phấn”. Các nam thanh nữ tú xưa giờ đây là những người ở tuổi U70, cái tuổi “thất thập.... " cả rồi!

​Giờ đây, dù đa số đã về hưu và lên chức ông - bà nội, ngoại nhưng với thầy cô, các trò vẫn cảm nhận mình luôn nhỏ bé như tuổi thơ năm nào! Và suốt cuộc đời này chúng em mong mãi mãi được là học trò của các thầy cô!

Bình luận (0)

Lên đầu trang