(CAO) Tại hiện trường, ngoài 2 tấn rác thải công nghiệp vừa đổ bỏ, trên khu vực có kích thước khoảng 6m ngang, dài 8 mét và sâu 1 mét, lực lượng kiểm tra còn phát hiện hàng trăm bao rác thải công nghiệp là các sợi cao su.
Sau nhiều ngày theo dõi, lúc 8 giờ 15 ngày 12-4-2018, lực lượng của Phòng Cảnh sát Môi trường CAông an TP.HCM bất ngờ kiểm tra, bắt quả tang xe tải BS: 51C-239.38 do tài xế Dương Minh Khánh (SN 1982), nhân viên Công ty TNHH cao su kỹ thuật Việt Nhật điều khiển, chở khoảng 2 tấn rác thải công nghiệp (cao su thải dạng sợi) thu gom từ công ty này (ở Khu tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) đem về đổ xuống mép bờ sông phía sau cơ sở tái chế nhôm phế liệu do ông Huỳnh Hữu Khánh (SN 1962, ngụ ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) làm chủ.
Tại hiện trường, ngoài 2 tấn rác thải công nghiệp vừa đổ bỏ, trên khu vực có kích thước khoảng 6m ngang, dài 8 mét và sâu 1 mét, lực lượng kiểm tra còn phát hiện hàng trăm bao rác thải công nghiệp là các sợi cao su, có trọng lượng hàng chục tấn, một phần các bao tải bị phủ bên trên bởi một lớp dày tro xỉ thải từ lò nấu nhôm tái chế của ông Khánh.
Tài xế Khánh trình bày, xe tải BS: 51C-239.38 do Cty Việt Nhật đăng ký sở hữu và Khánh là nhân viên của Cty. Sáng 12-4, sau khi nhận chỉ đạo từ quản lý Cty Việt Nhật, Khánh lái xe vận chuyển các bao tải chứa cao su thải trong quá trình sản xuất, đem về đổ xuống mép bờ sông phía sau cơ sở của ông Khánh.
Trước khi bị bắt quả tang, Khánh cho biết vào các ngày 1-3, 14-3 và 28-4-2018 đã 3 lần chở rác thải công nghiệp của Cty đến đổ tại vị trí bờ sông này.
Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Huỳnh Hữu Khánh thừa nhận cơ sở nấu tái chế nhôm phế liệu của mình hoạt động từ tháng 6-2014 đến nay, nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cũng không có bất kỳ hồ sơ, tài liệu nào liên quan đến công tác bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.
Tại thời điểm kiểm tra, Cảnh sát môi trường phát hiện cơ sở sử dụng một lò nấu nhôm loại hở với công suất 1,5 tấn nhôm phế liệu/ngày, nhiên liệu đốt là dầu điều. Lò nấu nhôm không có hệ thống xử lý khí thải. Không chỉ vậy, tỷ lệ tro, xỉ phát sinh từ lò nấu nhôm còn chiếm khoảng 20% khối lượng nhôm tái chế, nên với công suất 1,5 tấn/ngày, tương đương với lượng tro, xỉ thải ra khoảng 300kg/ ngày.
Khối lượng tro, xỉ này không được cơ sở của ông Khánh giao cho đơn vị có chức năng xử lý, mà dùng để san lấp mặt bằng lấn dần ra phía bờ sông, mục đích là để mở rộng mặt bằng cho cơ sở trong tương lai (!?). Cũng chính vì thế mà khi người của Cty Việt Nhật đem rác thải cao su đến đổ cạnh mép bờ sông phía sau cơ sở, ông Khánh không phản đối, ngăn cản hoặc thông báo cho chính quyền địa phương.
Hiện Phòng Cảnh sát Môi trường CATP đã tiến hành niêm phong số rác thải công nghiệp chứa trong thùng xe tải BS: 51C-239.38, đồng thời phối hợp với Trung tâm phân tích và đo đạc môi trường Phương Nam lấy hai mẫu chất thải rắn công nghiệp (gồm một mẫu trên xe tải và một mẫu thu tại vị trí mép bờ sông), để trưng cầu giám định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để làm cơ sở xử lý.
Bên cạnh đó, Cty Việt Nhật phải thực hiện khắc phục bằng cách bốc dỡ, thu gom lại toàn bộ số rác thải công nghiệp đã đổ xuống khu vực mép sông Cần Giuộc thuộc ấp 5, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh đưa đi xử lý theo quy định.
Đối với hoạt động nấu tái chế nhôm phế liệu của ông Khánh, Phòng CSMT cũng đã lấy mẫu tro, xỉ để trưng cầu giám định, đồng thời yêu cầu cơ sở này phải tạm ngừng việc nấu tái chế nhôm phế liệu cho đến khi xây dựng xong hệ thống xử lý khí thải cho lò nhôm, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nghiệm thu khí thải sau xử lý đạt quy chuẩn và cho phép hoạt động.