(CAO) Chiều tối 1-1, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc giải cứu bé trai 10 tuổi rơi xuống trụ bê tông là thời gian.
Theo ông Tuấn, sau khi nhận tin được tin báo ông đã có mặt tại hiện trường và huy động mọi nguồn lực thiết bị, con người để cứu cháu bé. Tuy nhiên đây là sự cố rất hy hữu. “Chúng tôi đã huy động thêm các phương tiện từ nơi khác đến hiện trường cứu hộ với phương châm “còn nước còn tát”, để cứu hộ cháu bé một cách tốt nhất”, ông Tuấn nói.
Lực lượng chức năng huy động nhân lực và phương tiện cơ giới để nỗ lực cứu
bé trai.
Theo ghi nhận, đến chiều cùng ngày, tại hiện trường có 4 máy xúc, 1 máy ủi, 1 máy trục cọc nhồi bê tông công suất lớn đang được đưa từ đường sông lên khu vực hiện trường.
Tại đây, lực lượng chức năng đã tiến hành căng các tấm bạt phong tỏa và chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng cứu nạn nhân.
Trước đó, như CAO đã đưa tin, khoảng 11 giờ 30 ngày 31-12-2022, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh lộ 857 (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình) để nhặt sắt. Không may, bé Nam rơi lọt xuống trụ bê tông rỗng ruột bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m.
Khi hay tin con trai gặp nạn, anh Thái Văn Tấn Tài và chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (cha, mẹ bé Nam) hoảng hốt chạy đến hiện trường.
Anh Tài kể: Lúc anh đến hiện trường thì vẫn nghe tiếng kêu cứu của con. Tuy nhiên khoảng 10 phút sau thì không còn nghe tiếng của cháu bé. Từ lúc còn gặp nạn đến hiện tại, anh Tài vẫn túc trực tại hiện trường với gương mặt thất thần. Còn chị Mỹ đã ngất xỉu nhiều lần từ lúc con trai rơi xuống cột bê tông.
Theo tìm hiểu, bé Nam là con thứ hai trong gia đình có 2 anh em.
Bên trong trụ bê tông có kích thước khá nhỏ.
Theo cơ quan chức năng, việc giải cứu cháu bé gặp khó khăn do miệng trụ bê tông quá nhỏ, chỉ 25cm, nhân viên cứu nạn không thể thả dây để leo xuống. Đồng thời việc mở rộng hố mất nhiều thời gian, gây khó khăn cho việc giải cứu nạn nhân. Lực lượng chức năng đã bơm oxy và chuyền nước xuống cho bé trai.
Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp cho biết, sau khi nhận tin báo về vụ việc này, ngành chức năng tỉnh đã huy động hàng trăm người và nhiều phương tiện đến hiện trường giải cứu bé trai.
Ban đầu, lực lượng chức năng dùng máy khoan địa chất của công trình để làm đất tơi ra, nhưng tiến độ quá chậm. Sau đó, các đơn vị quyết định điều máy khoan nhồi và phương tiện này đang trên đường tới hiện trường. Hy vọng máy khoan nhồi giúp quá trình giải cứu bé trai sẽ nhanh hơn. Khi lực ma sát giữa thân trụ bê tông với đất giảm đến mức thấp nhất, cứu hộ sẽ dùng cần cẩu nhổ cột lên.
Theo ông Bảo, việc một bé trai 10 tuổi lọt vào trụ bê tông có đường kính 25cm là rất hy hữu.
Công trình cầu Rọc Sen thi công khoảng 6 tháng, đã hoàn thành mố cầu 2 bên, mỗi mố được cố định bằng 3 trụ bê tông. Vài ngày trước, đội thi công chuyển máy móc sang mố cầu bên kia nhưng chưa lấp đất những trụ đã cắm xuống. Xung quanh mố cầu được rào tạm bằng dây băng.