Bệnh viện ngàn tỷ lộ nhiều bất cập: Chi 32 tỷ để sửa chữa

Thứ Tư, 18/09/2019 08:23

|

(CAO) Báo Công an TP.HCM ngày 20-4-2019 có bài viết "Bệnh viện ngàn tỷ mới sử dụng phải xin 63 tỷ để sửa chữa", phản ánh về Bệnh viện đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) với kinh phí xây dựng hơn 1.000 tỷ đồng, chưa đầy 2 tháng đưa vào sử dụng đã lộ nhiều nhược điểm, lỗi kỹ thuật trong xây dựng cơ bản.

Lãnh đạo bệnh viện đề xuất xin thêm 63 tỷ đồng để sửa chữa. Ngày 16-9, thông tin từ HĐND tỉnh này được biết, đã duyệt chi cho bệnh viện này trên 32 tỷ đồng.

Tư duy, năng lực yếu kém

Báo Công an TP.HCM đã có nhiều bài viết phản ánh về những yếu kém, sai phạm của nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk - ông Doãn Hữu Long trong việc đấu thầu giá thuốc với gói dự án trị giá hàng trăm tỷ đồng và trong quá trình xây dựng công trình BVĐK vùng Tây Nguyên trị giá 1.100 tỷ đồng.

Năm khối nhà của BVĐK vùng Tây Nguyên thiết kế rời rạc, không kết nối giữa các tầng khiến việc đi lại, di chuyển bệnh nhân rất khó khăn, bất tiện

Theo đó, BVĐK vùng Tây Nguyên được khởi công xây dựng năm 2010, do Sở Y tế Đắk Lắk làm chủ đầu tư, đưa vào hoạt động tháng 2-2019. Mục tiêu tham vọng của đề án là xây dựng bệnh viện có quy mô hiện đại nhất vùng Tây Nguyên, phục vụ việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh thuộc nước bạn Lào, Campuchia giáp biên giới; quy mô 800 giường bệnh, 38 khoa, phòng với những trang thiết bị y tế hiện đại, trên diện tích sàn 70.000m2.

Tuy nhiên thực tế, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, bệnh viện này lộ ra hàng loạt điểm yếu, lỗi kỹ thuật trong xây dựng cơ bản, không xứng tầm với danh nghĩa BVĐK vùng Tây Nguyên.

Chưa kể, 4 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên còn lại, mỗi tỉnh đều có ít nhất 1 đến 3 BVĐK của nhà nước lẫn tư nhân hoạt động ổn định. BVĐK tỉnh Đắk Lắk có bề dày lịch sử lâu năm (xây năm 1924; sửa chữa, xây mới năm 1994) nằm ngay trung tâm thành phố, thuận tiện cho việc đi lại thăm, khám của bệnh nhân, nay vì có bệnh viện mới mà đội ngũ y bác sĩ cùng trang thiết bị, máy móc phải rời đi khiến dư ra một công trình bệnh viện còn tốt, gây lãng phí, tiếc nuối với nhiều người.

Công trình cả ngàn tỷ, xây dựng kéo dài gần 10 năm mới hoàn thành, khi đưa vào sử dụng đã lộ ra những "hạt sạn" to đùng.

Điển hình như: Khối công trình BVĐK vùng Tây Nguyên có 5 toà nhà 7 tầng, nhưng chỉ nối tầng 1 toà nhà điều hành với toà nhà B. Các toà nhà khác trong bệnh viện hoàn toàn tách biệt với nhau khiến việc di chuyển liên thông giữa các toà nhà rất bất tiện, đều phải qua thang máy; xuống tầng trệt rồi lại vào thang máy để đến nơi tiếp theo.

Thứ kết nối tưởng như hiện đại là những cầu thang máy của các toà nhà lại quá nhỏ hẹp, tầm 7-8 người là chật cứng, chỉ 2,04m, không đưa được giường bệnh 2,2m vào thang máy (!). Thời gian đầu liên tục bị sự cố, kẹt cửa, không hoạt động đóng - mở buộc phải sửa chữa. Mỗi lần vận chuyển bệnh nhân, tại cửa thang máy phải chuyển sang giường nhỏ hơn. Mỗi khi có họp hành hay bệnh nhân nguy cấp cần bác sĩ đầu ngành, chuyên khoa, y tá hỗ trợ, cả bệnh viện nhốn nháo.

Thêm nữa, tại hành lang nối các tòa nhà có độ dốc cao, trơn trượt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm cho bệnh nhân và đội cũ cán bộ, công nhân viên của bệnh viện. Đã có trường hợp bị lật xe đẩy khi nhân viên bệnh viện vận chuyển dụng cụ y tế đến phòng mổ. Bệnh viện khắc phục bằng cách trải thảm chống trượt, nhưng chỉ là giải pháp tạm thời.

Thang máy của bệnh viện quá nhỏ, không đặt được giường bệnh để di chuyển bệnh nhân

Chưa kể, hệ thống PCCC đến ngày đưa vào sử dụng cũng chưa hoàn thiện, hai trụ tiếp nước ngoài trời không có nước, chỗ có nước thì bị rò rỉ, đường ống nước bệnh viện lớn mà chỉ nhỏ như cho hộ sinh hoạt gia đình. Nhiều hạng mục xây dựng bất hợp lý, nhiều dịch vụ không thể vận hành, thậm chí gây mất an toàn đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, như: trang bị hệ thống ôxy hóa lỏng với loại bình chứa nhỏ, thiết bị đầu ra không đồng bộ, của nhiều hãng, phích cắm không phù hợp, gây khó khăn trong vận hành.

Khoa Lây nhiễm lại không có tường cách ly. Khoa Chống nhiễm khuẩn lẽ ra phải xây liên hoàn với phòng phẫu thuật để tránh nhiễm trùng, nhưng lại xây cách xa nhau. Bệnh viện mới nằm cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột khoảng 3km, con đường vào viện chưa hoàn thiện khiến tâm lý nhiều bệnh nhân còn e ngại. Khi nhận bàn giao, sử dụng lộ ra nhiều bất cập, tháng 4-2019, lãnh đạo bệnh viện đã làm công văn xin UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa.

HĐND tỉnh Đắk Lắk vừa phê duyệt chủ trương đầu tư 32,375 tỷ đồng để khắc phục các sự cố trên. Theo đó, dự án sửa chữa, khắc phục được phê duyệt là sẽ đập bỏ nhà cầu 1 tầng hiện tại của BVĐK vùng Tây Nguyên (vì công năng rất hạn chế), xây 4 khối nhà cầu, kết cấu bê tông cốt thép, vách bằng kính và nhựa lõi thép kết hợp lam nhôm chống nắng, thời gian đến năm 2020 hoàn thành. Ngoài ra sẽ sửa chữa một số điểm bất cập khác.

Tuy nhiên, có những thứ không thể hoặc khó khắc phục được, như thang máy quá nhỏ, đường nối các toà nhà quá dốc, gây khó khăn khi di chuyển bệnh nhân và thiết bị y tế. Có thông tin, dự án sửa chữa, khắc phục này vẫn do Sở Y tế làm chủ đầu tư.

Thiết kế hệ thống ống nước của bệnh viện như cho hộ gia đình

Sai phạm nhiều, Giám đốc Sở Y tế bị cho thôi chức

Thực tế, ngay từ khi BVĐK vùng Tây Nguyên còn chưa khánh thành, công trình đã xảy ra những lùm xùm, nhập nhèm về tài chính, như việc chủ đầu tư hợp đồng nhập dàn máy vi tính 111 chiếc, giá 23 triệu đồng/chiếc từ năm 2013 để... lưu kho chờ BVĐK vùng Tây Nguyên hoàn thành, đưa vào sử dụng khiến dàn máy sau đó trở lên lạc hậu, lỗi thời. Đây có dấu hiệu của "tư duy nhiệm kỳ" của nguyên Giám đốc Sở Y tế. Ngoài ra, việc đấu thầu giá thuốc với các gói dự án trị giá hàng trăm tỷ đồng tại Sở Y tế tỉnh này (gần như giao thầu chỉ định) dẫn đến những khoản thất thu, chênh lệch, đẩy giá thành các mặt hàng thuốc lên cao, gây bất bình dư luận.

Những sai phạm kể trên liên quan đến 2 đời Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk là ông Nguyễn Phi Tiến (nhiệm kỳ 2010-2014) và ông Doãn Hữu Long (2014-2019).

Ông Doãn Hữu Long sau đó bị các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, gồm: Cơ quan Công an, Viện kiểm sát phát hiện những sai phạm cụ thể trong đấu thầu giá thuốc, sai phạm hàng trăm triệu đồng (Báo Công an TP.HCM đã thông tin). Tháng 3-2019, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định khởi tố vụ án về hành vi "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tại Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk.

Tháng 6-2019, theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã đồng ý cho ông Doãn Hữu Long thôi chức Giám đốc Sở Y tế, sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, bổ nhiệm ông Nay Phi La - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Buôn Ma Thuột, giữ chức Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, kể từ ngày 1-7-2019.

Liên quan đến những sai phạm tại sở này, năm 2017, UBKT Tỉnh ủy Đắk Lắk đã kết luận về các vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Phi Tiến, cả trong đấu thầu giá thuốc và việc duyệt mua hơn 100 máy tính bàn, để lâu năm không sử dụng gây lãng phí và trong công tác kết nạp 2 đảng viên không đúng quy định, thẩm quyền, không đảm bảo thủ tục.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, nguyên Trưởng Ban tổ chức Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Đắk Lắk; bà Mai Hoan Niê K’Đăm, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk (nhiệm kỳ 2011-2016); ông Doãn Hữu Long; ông Phạm Hùng Sơn - Phó GĐ Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk cũng bị liên đới, nhưng không đưa vào quy trình xem xét kỷ luật Đảng.

Dự án đầu tư xây dựng BVĐK vùng Tây Nguyên có những lỗ hổng trong xây dựng, gây lãng phí ngân sách Nhà nước, bức xúc dư luận. Giá trị thực của công trình đến đâu? Các ngành chức năng cần vào cuộc điều tra, quy trách nhiệm cụ thể để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Chiều 16-9, trao đổi với phóng viên Báo Công an TP.HCM, Bác sĩ Nguyễn Đại Phong - Giám đốc BVĐK vùng Tây Nguyên, cho biết: "Nhiều năm qua, do cơ chế thị trường, áp lực công việc, thu nhập... có tới 61 bác sĩ gồm cả biên chế và hợp đồng trong chỉ tiêu xin biên chế đã nghỉ việc, gây thiếu hụt, khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân. Hằng năm, bệnh viện lại tuyển nhân sự mới, bình quân 10-15 trường hợp/năm.

Những khó khăn về nhân sự, về các dụng cụ y tế bước đầu đến nay bệnh viện đã chủ động khắc phục để đảm bảo hoạt động, như tự sửa chữa, trang bị thêm dụng cụ, đưa máy móc, trang thiết bị từ BVĐK tỉnh (cũ) sang dùng song song. Đến nay, hoạt động của bệnh viện đã tạm ổn định. Vấn đề còn lại là việc khắc phục cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu để đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bình quân, BVĐK vùng Tây Nguyên đón 1.600 bệnh nhân, cao điểm 1.900 bệnh nhân.

Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp với bệnh viện và hiện chúng tôi đã chuẩn bị xong Đề án tự chủ (về tài chính, kinh tế, nhân sự... ) theo chủ trương của ngành và trong cả nước, đang chờ được phê duyệt. Điều đó sẽ tốt cho hoạt động của bệnh viện và chia sẻ gánh nặng xã hội. Hằng năm, chúng tôi đều lập kế hoạch, giao chỉ tiêu các khoa cử đội ngũ y - bác sĩ đi đào tạo, tập huấn trình độ chuyên môn sâu sau đại học... để nâng cao tay nghề y - đức, phục vụ nhân dân trong công tác thăm, khám, chữa bệnh...".

Bình luận (0)

Lên đầu trang