Bình ổn giá - siêu thị lời khủng?

Thứ Sáu, 10/09/2021 10:59

|

(CATP) TPHCM đang dần nới rộng các hoạt động giãn cách, nhiều phương án mở cửa dần với hệ thống phân phối. Điều đáng lo ngại nhất là thị trường đã lập mặt bằng giá mới cao chót vót với nhiều hàng hóa thiết yếu, trong khi người dân giãn cách dài ngày, đang rất khó khăn. Câu hỏi đặt ra: Ai hiện đang điều tiết thị trường bán lẻ?

Shipper hoạt động nhộn nhịp, đơn hàng tăng vọt

Trong đề án chuẩn bị các điều kiện để dần mở cửa, sống chung trong tình trạng có dịch, UBNDTP tiến tới sẽ cho phép người dân vùng xanh sẽ được đi siêu thị 1 lần/tuần và được đi chợ qua lực lượng shipper. Một phương án khác cũng được UBNDTP đề xuất là cho phép các điểm bán hàng mở cửa đến 21 giờ.

Trong khi đó TPHCM và một số địa phương lân cận cũng đang tính phương án sẽ áp dụng "thẻ xanh vắc-xin" cho người dân đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 như một loại giấy thông hành để đi lại kèm theo các điều kiện "luồng xanh" khi trở lại cuộc sống bình thường mới trong điều kiện có dịch.

Cho đến sáng 9-9, người tiêu dùng ở TP.Thủ Đức đã có thể đi chợ toàn TP qua GrabMart mua hàng tại các cửa hàng, siêu thị có quầy trực tuyến. Hiện nhiều dịch vụ ứng dụng đi chợ đã mở, như ngoài GrabMart, có thêm GrabExpress mở rộng thời gian hoạt động từ 6 giờ đến 20 giờ mỗi ngày. Be đã khôi phục dịch vụ Be giao hàng và Be đi chợ tại TP.Thủ Đức và 7 quận, huyện khác từ đầu tháng 9. Các ứng dụng khác nhu ShopeeFood với dịch vụ đi chợ Fresh, Express Instant (giao hàng); Gojek với dịch vụ đặt mua thực phẩm GoFood và giao hàng hóa thiết yếu GoSend. Các nền tảng ứng dụng này đều hoạt động nội quận từ 6 giờ đến 17 giờ hàng ngày.

Đại diện Gojek cho biết hiện nhu cầu đặt hàng đối với GoFood và GoSend đang tăng rất nhanh, cao hơn nhiều so với khi mới được cho phép hoạt động,

Người dân ở các "vùng đỏ” cũng đã đặt được hàng nhưng hạn chế là số cửa hàng bán trực tuyến cũng chưa nhiều. Tuy nhiên việc tìm shipper vẫn còn khó khăn. Về nguồn cung ứng hàng hóa cũng tăng lên. Hiện TPHCM có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động, gồm gần 100 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa. Ngày 7-9, TPHCM đã tổ chức lại điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ Bình Điền, có thể lượng hàng hóa cung ứng sẽ tốt hơn.

Giá thịt heo có lúc tăng đến 180.000 - 230.000 đồng/kg

Hiệu ứng đi chợ hộ online lập tức phát đi những tín hiệu tốt cho việc cung ứng hàng hóa thiết yếu đến người dân đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt. Theo thống kê của Sở Công thương, nhờ các shipper hoạt động nhộn nhịp, kênh "đi chợ hộ" của phường, từ ngày 23 đến 30-8 lượng đơn hàng tăng vọt từ 51.188 lên 176.907 đơn, nhưng đến ngày 2-9 lượng đơn hàng đăng ký đi chợ hộ giảm còn 100.745 đơn. Trong khi đó 10.000 shipper tham gia giao hàng nhưng đơn hàng vận chuyển luôn ở mức cao, như ngày 30-8 shipper đã vận chuyển 138.290 đơn hàng, ngày 31-8 là 164.621 đơn, ngày 1-9 là 196.635 đơn hàng.

So sánh như vậy, cho thấy số lượng đơn hàng của các shipper cao hơn nhiều so với đơn hàng của hệ thống đi chợ hộ của phường. Shipper thực sự là một công cụ rất quan trọng trong hoàn cảnh TPHCM thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, thực sự là lực lượng tuyến đầu nếu được tổ chức tốt, đặc biệt là cần tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin, xét nghiệm định kỳ nghiêm túc.

Các shipper hoạt động tạo điều kiện cho các siêu thị mở lại kênh bán hàng online. Đại diện Lottemart Việt Nam cho biết, nếu được cho phép mở cửa đến 21 giờ, sẽ mở lại kênh bán hàng online. Hiện kênh bán hàng online của Lottemart vẫn chưa mở hoàn toàn do thiếu người giao hàng, nên vẫn tiếp tục bán hàng theo hình thức combo qua đơn đặt hàng của hệ thống đi chợ hộ của phường, xã.

Hệ thống Bách Hóa Xanh cũng đã sẵn sàng bán hàng online khi có đến 65% nhân viên (hơn 7.000 người) được cấp giấy phép đi làm.

Hiện nhân lực các chuỗi siêu thị đều đã được tăng cường Vinmart/Vinmart+. Đại diện Masan cho biết, trong tổng số khoảng 40.000 nhân viên sản xuất và bán lẻ có khoảng 23.000 người được tiêm vắc-xin, phần lớn tiêm một mũi và đang sẵn sàng liên kết với các đối tác giao hàng công nghệ để phục vụ người dân, do người dân đã thực hiện giãn cách dài ngày, kinh tế khó khăn.

Trong khi đó hiện nay nhân sự và hàng hóa luôn sẵn sàng để phục vụ khách. "Nhưng với tần suất mỗi hộ được đi chợ 1 lần/tuần, số lượt người đến mua sắm tại các siêu thị sẽ không đông, sức mua yếu" - đại diện một siêu thị nhận định.

Hiện lượng hàng cung cho các chuỗi siêu thị khá dồi dào nhưng có hiện tượng đang thiếu hụt các mặt hàng thực phẩm khô, thực phẩm chế biến đóng gói, đồ hộp do bị đứt hàng. Đây là các mặt hàng được người dân mua dự trữ khi thực hiện giãn cách, cũng là các loại mặt hàng được các nhóm từ thiện, các mạnh thường quân mua nhiều để làm từ thiện trong mùa dịch kéo dài.

Hàng tiêu dùng đã lập mặt bằng giá mới

Các bà nội trợ đang than trời vì càng giãn cách kéo dài, hàng hóa thiết yếu càng tăng giá, gần như mọi thứ đều tăng, đã lập một mặt bằng giá mới quá sức đa số người tiêu dùng.

Hiện giá cả trong chuỗi các siêu thị đã tăng cao và sẽ tăng thêm trong những ngày tới vì nhiều lý do, đặc biệt khi hàng dự trữ tại các chuỗi siêu thị hết, phải nhập hàng mới.

Ngay từ bây giờ nhiều mặt hàng đã tăng giá, như các loại bột nấu ăn, gia vị chế biến, dầu ăn; các loại thực phẩm khô như mì sợi, nui, miến, hủ tiếu...

Bạn hãy thử mua 1 thùng mì gói A-One, khi đến tay bạn chắc chắn giá sẽ lên đến hơn 220.000 đồng/thùng hoặc hơn, có khi 240.000 đồng. Một thùng mì Hảo Hảo bình thường khoảng 100.000 đồng thì nay lên 145.000 - 160.000 đồng. Miến, hủ tiếu Phú Hương từ 212.000 đồng lên 290.000 đồng/thùng... Các nhà bán lẻ lý giải mặt hàng mì ăn liền các nhãn hiệu được ưa chuộng đang khan hàng, chi phí duy trì việc bán hàng cũng đội lên vì phải phải chịu nhiều chi phí khác như xét nghiệm, giãn cách thiếu nhân công, đặc biệt giá thành vận chuyển tăng cao đột biến...

Ngoài ra, quy định hiện nay người dân không được mua trực tiếp, trong khi lực lượng shipper lại mỏng, giá cước cao và có thể còn cao hơn nếu sau ngày 15-9 các shipper không còn được test kiểm tra Covid-19 miễn phí.

Hơn ai hết những người nội trợ đã thấy và phải chịu, phải chấp nhận một mặt bằng giá mới từ hơn 3 tháng giãn cách ở TPHCM, đặc biệt là mặt hàng rau củ quả thời gian qua tăng giá vô tội vạ. Một chủ nhà vườn ở Đà Lạt cho rằng giá rau củ quả tại vườn hiện cũng rất rẻ. Ví dụ giá mỗi kg xà lách hoặc bắp cải nhà vườn cộng với chi phí vận tải cũng chỉ khoảng trên dưới 10.000 đồng, trong khi tại TPHCM bán lẻ mỗi kg 35 - 40.000 đồng. Lợi nhuận thuộc về khâu bán lẻ chứ không phải nhà vườn, vận tải. Thông tin này được kiểm chứng khi nhiều người làm từ thiện, mua giá gốc tại vườn ở Đà Lạt với giá rất thấp như nêu trên.

Không chỉ rau Đà Lạt, hàng loạt các mặt hàng nông sản, rau ăn lá gần kề ở TPHCM như hành lá đầy rẫy ở Bà Rịa - Vũng Tàu giá bán tại chỗ chỉ từ 7 - 10.000 đồng/kg, bình thường lên TPHCM bán với giá 12.000 đồng/kg, trong thời gian giãn cách lại lên giá vù vù, có khi hơn 100.000 đồng/kg, rất phi lý. Nhãn da bò ở Tây Ninh giá bán bao luôn phí vận chuyển về TPHCM cũng chỉ trên dưới 10.000 đồng/kg nhưng về TPHCM lại bán rất cao 40 - 50.000 đồng/kg. Thanh long ở Tiền Giang giá bán tại vườn trên dưới 5.000 đồng/kg, bán lẻ tại TPHCM 17.000 - 20.000 đồng/kg; bưởi da xanh Bến Tre rớt giá 25.000 đồng/kg, bán tại TPHCM 55.000 đồng/kg.

Không chỉ rau củ quả, các mặt hàng khác cũng vậy, lệ thuộc vào khâu bán lẻ, đẩy giá hàng lên. Ví dụ thịt heo chẳng hạn. Có thời gian thịt heo giải cứu tại Đồng Nai giá chỉ 100.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ tại TPHCM giá 180.000 - 230.000 đồng/kg. Nghịch lý là suốt trong hơn 3 tháng TPHCM thực hiện giãn cách, giá heo hơi xuống liên tục, từ 70.000 đồng xuống 50.000 đồng/kg, nhưng giá bán lẻ thịt heo đến tay người dân không hề kéo giảm, kể cả thịt của Vissan. Thịt gà cũng trong tình trạng tương tự, dù nguồn hàng sát TPHCM, khi tại Đồng Nai, có lúc phải "giải cứu" thịt gà!

Các loại hàng thủy hải sản như tôm, cá, nghêu, sò tồn hàng trăm tấn ở miền Tây, các tỉnh Nam Trung bộ nhưng khi đến tay người tiêu dùng ở TPHCM cũng đều cao chót vót.

Tình trạng này kéo dài tất nhiên đã hình thành một mặt bằng giá mới mà người dân TPHCM phải chịu đựng trong thời gian qua. Nó làm biến mất "khái niệm" 5.000 đồng/1 bó rau muống hay 5 - 10.000 đồng/kg xà lách. Thậm chí dưa leo có thời gian trồng và thu hoạch ngắn ngày vẫn tăng giá ầm ầm!

Ai điều tiết giá thị trường?

Người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi: Vì sao các cơ quan chức năng như các sở công thương, quản lý thị trường không can thiệp? Người ta chỉ thấy quản lý thị trường đi kiểm tra xem hàng hóa có niêm yết giá hay không, chứ chưa thấy một lần nào thắc mắc vì sao hàng bán lẻ đến người tiêu dùng cao chót vót như vậy!

Hay là các cơ quan chức năng có suy nghĩ rằng trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt, có đủ hàng hóa bán cho người dân là tốt rồi, mà không nghĩ chính trong thời gian khắc nghiệt ấy, thu nhập người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những đồng tiền để dành đều bị những người bán lẻ thực phẩm, hàng thiết yếu "lấy mất", lại lấy rất nhiều và rất phi lý, khi giá bán lẻ nhiều mặt hàng đến tay người tiêu dùng có khi gấp 5 - 10 lần giá gốc!

Theo quy luật thị trường, một khi hàng hóa đã lập mặt bằng giá mới, rất khó có thể kéo giảm trong ngày một ngày hai, dù Nhà nước có thể kiểm soát được dịch trong thời gian tới. Mặt bằng giá mới rất nguy hiểm cho thị trường, cho cả nền kinh tế, nó đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, tất nhiên kéo theo tình trạng lạm phát tăng theo.

Một câu hỏi đặt ra: Tại sao các chuỗi siêu thị, các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trong mùa dịch, được Nhà nước cho buôn bán độc quyền, lại không là các đơn vị dẫn dắt giá cả thị trường? Hay là họ hoạt động chủ yếu vì lợi nhuận. Hãy nhìn doanh thu kỷ lục của hệ thống Bách Hóa Xanh trong tháng 7 lên đến hơn 4.000 tỷ đồng, mới thấy siêu lợi nhuận của hệ thống bán lẻ.

Hay các hệ thống bán lẻ này chờ đợi TPHCM dập được dịch, các chợ truyền thống hoạt động bình thường trở lại, sẽ điều tiết thị trường?

Vậy quyền được buôn bán đặc quyền của các hệ thống siêu thị, cửa hàng thiết yếu cũng chỉ đơn thuần là tìm kiếm lợi nhuận? Điều đó thật khó hiểu trong khi cả hệ thống chính trị vào cuộc chống đại dịch vô điều kiện!

Dịch vụ bán mang về vẫn im ắng

Dù TPHCM đã cho hoạt động bán mang về từ ngày 8-9, nhưng đến hết ngày 9-9 hầu hết các quán vẫn đang đóng cửa. Lý do có nhiều quán chưa biết thông tin, nhưng chủ yếu sự cho phép này khá đột ngột, các cửa hàng không chuẩn bị kịp, không có nhân viên, phải cần giấy đi đường... Nguồn nguyên liệu cũng rất khó lấy khi mà lưu thông hiện nay rất hạn chế.

Đặc biệt lực lượng shipper mỏng, giá cao. Trong khi người dân TP vẫn đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, thì nhu cầu có thể chưa cao. Riêng với thực phẩm, thịt, nguyên liệu rau củ giá vẫn còn rất cao nên nhiều cửa hàng chưa dám mở cửa trở lại. Đây là yếu tố đẩy giá bán hàng mang về tăng cao. Điều dễ hiểu, ví dụ một tô phở ngon giá 50.000 đồng, với giá cả thực phẩm cao như hiện nay, chắc chắn không thể bằng tô phở tương tự trước giãn cách; cộng với phí ship, giá có thể sẽ lên rất cao trên dưới 100.000 đồng hoặc hơn. Với giá cao như vậy, người dân thực hiện giãn cách kéo dài, ít người có thể chịu nổi.

Một lý do khác, TP quy định các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" để được bán theo hình thức mang đi. Điều kiện này đã khiến chi phí ăn uống cho nhân viên tăng cao, nên dịch vụ này hoạt động sẽ rất khó khăn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang