Tại TPHCM, các trường đón HS bước vào năm học mới với tinh thần mới: bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, các trường đều chú trọng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, sốt xuất huyết... nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên (GV), HS.
Phòng ốc khang trang, sạch đẹp
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, các trường trên địa bàn thành phố đều dọn dẹp, làm vệ sinh các khu vực, đảm bảo mọi thứ luôn sạch sẽ, tươm tất và đón các em HS vào năm học mới. Các trường cũng áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch, như chuẩn bị các bồn nước, dung dịch rửa tay, máy đo thân nhiệt... Đảm bảo môi trường tốt nhất để các em luôn khỏe mạnh, yên tâm học tập.
Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành (Q6) cho biết, nhà trường đón HS vào năm học mới, chủ động thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh cho giáo viên (GV), HS thông qua tin nhắn, trang web, tuyên truyền để GV, HS tiêm nhắc lại vắc-xin phòng Covid-19. Bên cạnh đó, các nhân viên lao công, y tế và các bộ phận liên quan thường xuyên tổ chức kiểm tra các khu vực, vật dụng trong trường để đảm bảo an toàn...
Cũng theo ngành GD-ĐT TPHCM, mặc dù còn thiếu một số GV trong năm học mới này, nhưng không đáng kể. Một số ngành như Mỹ thuật, Âm nhạc, số HS đăng ký học cũng không nhiều, thiếu cục bộ, nên ngành GD-ĐT sẽ bổ sung sau. Hòa chung không khí rộn ràng ngày khai giảng của cả nước, các em HS bước vào năm học mới tại TPHCM với thách thức mới, vì sau thời gian các em nghỉ vì dịch bệnh kéo dài, toàn ngành đã và sẽ tiếp tục nỗ lực để vừa đảm bảo công tác GD-ĐT vừa bảo đảm vệ sinh an toàn trường học...
Học sinh tiểu học Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q1 trong ngày tựu trường năm học 2022 - 2023
Năm học với những thách thức phía trước
Sau hai năm ảnh hưởng bởi Covid-19, theo Bộ GD-ĐT, năm học mới bắt đầu trong bối cảnh đại dịch cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn với ngành GD, đó là tác động của dịch bệnh đến chất lượng GD và sức khỏe HS về cả thể chất lẫn tinh thần, đến các mục tiêu rèn luyện về kỹ năng và những ảnh hưởng trên nhiều phương diện khác. Bộ GD-ĐT nhận định rất rõ về nguy cơ của dịch bệnh, không chỉ là dịch Covid-19 mà còn của các dịch bệnh khác, cũng như những nguy cơ khách quan như thiên tai có thể ảnh hưởng tới kế hoạch, chất lượng GD-ĐT. Do đó, ngay trong chỉ thị thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023, ở nhiệm vụ trọng tâm thứ 2 trong số 12 nhiệm vụ, Bộ GD-ĐT đã đặt ra yêu cầu cụ thể cho vấn đề này.
Theo đó, để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tổng thể của ngành GD thích ứng với tình hình dịch Covid-19, bảo đảm tổ chức dạy - học an toàn, chất lượng. Chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 chủ động, linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa bảo đảm an toàn cho HS, GV, vừa củng cố và nâng cao chất lượng GD.
Sở GD-ĐT TPHCM đã ban hành văn bản gửi Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn tổ chức lễ khai giảng đồng thời triển khai một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023. Theo đó, chủ đề năm học 2022 - 2023 là "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố, nâng cao chất lượng GD-ĐT".
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng triển khai hiệu quả công tác GD thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch bệnh và tai nạn thương tích. Tăng cường tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho HS, kiện toàn và nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học; hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.
Ngoài ra, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình "Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025", Chương trình "Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025"; Đề án tổng thể phát triển GD thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể thao HS gắn kết với nội dung môn học GD thể chất.
Học phí - vấn đề được quan tâm trong năm học mới
Học phí là vấn đề "nóng" được xã hội đặc biệt quan tâm khi HS bước vào năm học mới. Theo Bộ GD-ĐT, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động của việc tăng học phí, giá sách giáo khoa tới HS-SV, hộ gia đình có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn và kiến nghị, đề xuất, báo cáo Thủ tướng.
Qua nghiên cứu số liệu thu nhập bình quân đầu người quý I/2022 so với năm trước, mức thu nhập bình quân của người lao động còn thấp. Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với HS-SV, hộ gia đình có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát, góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân, Bộ GD-ĐT đã đề xuất lộ trình học phí để trình xin ý kiến Thủ tướng. Hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động đưa ra phương án giữ nguyên mức học phí hoặc miễn học phí bậc trung học cơ sở cho HS từ năm học 2022 - 2023.
Bên cạnh chính sách học phí, Bộ GD-ĐT cũng đã trình Chính phủ phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa phổ thông cho HS mượn để triển khai từ năm học 2022 - 2023. Nếu được triển khai thực hiện, chính sách này cũng sẽ góp phần giúp giảm gánh nặng kinh tế cho HS, phụ huynh, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa.