TPHCM: Hướng tới dữ liệu của người dân được tái sử dụng, chỉ cần khai báo một lần

Thứ Ba, 16/07/2024 12:04

|

(CAO) Tiếp tục kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 16/7, HĐND TP tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với đồng chí Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ điều hành phiên chất vấn.

Nhiều thông tin xấu tạo hiệu ứng đám đông, gây tiêu cực cho xã hội

Tại phiên chất vấn, các đại biểu tập trung chất vấn về đầu tư chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục phục vụ người dân; công tác quản lý và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; an ninh mạng và bảo mật thông tin; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số; quản lý thông tin và truyền thông đại chúng; biện pháp xử lý các thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông…

Đại biểu Nguyễn Thị Nga cho biết, thời gian qua, các thông tin giả, tin xấu độc, xuất hiện tràn lan trên mạng. Ngoài ra, nhiều thông tin khác còn tạo hiệu ứng đám đông, gây tiêu cực cho xã hội. Đại biểu cho rằng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP cần có giải pháp để người dân nhận biết thông tin chính thống.

“Hiện nay, thương mại điện tử ngày càng phát triển, đi kèm với đó là các quảng cáo sản phẩm không đúng sự thật. Cơ quan quản lý cần có biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng”- đại biểu Nguyễn Thị Nga bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Thị Nga chất vấn tại kỳ họp

Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số đang là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng phục vụ người dân trong ngành y tế. Theo đại biểu, qua khảo sát, các bệnh viện công hiện nay, do nguồn lực về tài chính, kinh phí có hạn, gặp khó khăn trong đầu tư cho hoạt động chuyển đổi số. Do vậy, ngành y tế là lĩnh vực có tác động xã hội, ảnh hưởng, liên quan mật thiết hằng ngày đến người dân, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp tiết kiệm chi phí cần được ưu tiên chuyển đổi số trước, nhanh hơn và đầy đủ hơn. Với vai trò Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, có thể chia sẻ đánh giá về tính khả thi và lợi ích của bệnh viện, của ngành y tế; đồng thời, đề xuất hay có giải pháp cụ thể để thúc đẩy việc triển khai đầu tư, đảm bảo hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số trong các bệnh viện công lập; phối hợp với các sở có liên quan theo hướng TP có hỗ trợ chi từ ngân sách TP trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và xây dựng, kể cả chi phí vận hành đối với các trung tâm dữ liệu của các bệnh viện, của ngành y tế. 

Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc chất vấn tại kỳ họp

Đối với chuyển đổi số, đại biểu Phạm Văn Khoa, Quận 3 cho rằng, thời gian qua, TP đã đầu tư 1.800 tỷ đồng các dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được dự án nào. Đại biểu mong muốn Giám đốc Sở đề ra giải pháp để giải quyết những vướng mắc khó khăn về thực hiện các dự án này. Bên cạnh đó, TP cần triển khai thực hiện thư viện số cho các trung tâm học tập cộng đồng và hệ thống các trường phổ thông về văn hóa đọc; Trung tâm học tập cộng đồng trực tuyến…

Đại biểu Phạm Văn Khoa chất vấn tại kỳ họp

Đại biểu Lê Minh Đức, Phó Ban Pháp chế HĐND TP cho rằng, năm nay, TP thực hiện chủ đề năm là quyết tâm chuyển đổi số, TP cần có giải pháp để triển khai các dịch vụ công trực tuyến đến người dân. Theo đại biểu, khi có nhu cầu, người dân thực hiện các thủ tục hành chính được thuận lợi, nhất là đối tượng yếu thế như người lớn tuổi, người khuyết tật. 

Đại biểu Lê Minh Đức chất vấn tại kỳ họp

Nghiên cứu thành lập bộ phận xử lý tin giả trên toàn địa bàn TP

Trả lời các ý kiến của đại biểu, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Lâm Đình Thắng cho biết, hiện tại, địa phương rất quan tâm đến phát triển dữ liệu chuyên ngành, hồ sơ điện tử của người dân. “TP hướng tới là các dữ liệu của người dân được tái sử dụng, chỉ cần khai báo một lần” - đồng chí Lâm Đình Thắng thông tin.

Đối với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, đồng chí Lâm Đình Thắng cho rằng, TPHCM đã triển khai nhiều nhóm giải pháp để hỗ trợ người dân khi có khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan đều có lực lượng hỗ trợ người dân, đặc biệt tại bộ phận một cửa, các tổ công nghệ số cộng đồng cũng hoạt động để hỗ trợ người yếu thế, người lớn tuổi, đến từng nhà, từng khu vực.

Đối với vấn đề tin giả, tin sai lệch trên mạng, đồng chí Lâm Đình Thắng cho biết, các thông tin trên mạng Internet hiện nay đến từ 2 nguồn. Đầu tiên là các tổ chức, cá nhân trong nước, có nguồn gốc rõ ràng và được cấp phép; nguồn còn lại là các trang mạng không rõ nguồn gốc, mạng xã hội xuyên biên giới, đặt máy chủ ở nước ngoài.

“Các mạng xã hội như YouTube, Facebook, TikTok… được người Việt Nam sử dụng nhiều. Đây cũng là các kênh thường xuyên có lan truyền tin giả, tin sai lệch chủ yếu trên mạng xã hội” - đồng chí Lâm Đình Thắng khẳng định.

Theo đồng chí Lâm Đình Thắng, các nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tin giả, tin xấu độc trên mạng là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Mặc dù người dân đọc tin tức hàng ngày bằng tiếng Việt nhưng máy chủ của họ cũng không đặt ở Việt Nam. “Khi các cơ quan của Việt Nam yêu cầu gỡ tin giả, tin xấu, độc, phần lớn những doanh nghiệp này tìm cách né tránh vì quy định nội bộ của họ. Do đó, tin giả, tin sai lệch vẫn còn nhiều trên mạng” - đồng chí Lâm Đình Thắng chia sẻ.

Đồng chí Lâm Đình Thắng cũng cho biết, thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều giải pháp để xử lý nghiêm các vi phạm trên mạng, không chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm trên địa bàn TP. Cụ thể, TPHCM đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang để xử lý trường hợp phát ngôn không đúng về TP. Bên cạnh đó, Sở phối hợp Công an TP thực hiện giám định tư pháp đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để xử lý.

Đồng thời, Sở đã đầu tư cho giải pháp ứng dụng công nghệ, trong đó có hệ thống lắng nghe mạng xã hội, tổng hợp thông tin dư luận, phát hiện vi phạm trên không gian mạng. Ngoài ra, TP đang nghiên cứu thành lập bộ phận xử lý tin giả trên toàn địa bàn, dự kiến đặt tại Trung tâm Báo chí TP.

Đảm bảo 100% các phường xã, thị trấn đều có tuyến cáp quang Internet

Đối với hạ tầng viễn thông, đồng chí Lâm Đình Thắng cho biết, TP xây dựng mạng lưới đo lường tốc độ mạng viễn thông, internet trên khắp địa bàn TP; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông để kịp thời chấn chỉnh các nhà mạng đảm bảo 100% TP không có vùng sóng yếu; đảm bảo 100% các phường xã, thị trấn đều có tuyến cáp quang Internet.

Bên cạnh đó, hoàn thành kế hoạch rà soát, đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối thông suốt từ TP đến cấp phường xã; triển khai hệ thống dự phòng thảm họa (DR) cho các hệ thống thông tin quan trọng.

Đối với chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, đồng chí Lâm Đình Thắng cho biết, Sở đã tham mưu UBND TP ban hành các quy hoạch Công nghệ thông tin TP đến năm 2025; Đề án Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025; Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình chuyển đổi số của TPHCM; Chương trình triển khai Đề án xây dựng TP trở thành Đô thị thông minh đến năm 2025; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi số Quốc gia trên địa bàn TP; Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố; ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số TP.

Đồng chí Lâm Đình Thắng trả lời chất vấn tại kỳ họp

Trao đổi về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu, liên thông dữ liệu trong công tác quản lý và điều hành của các cơ quan nhà nước, đồng chí Lâm Đình Thắng cho biết, hệ thống Thư điện tử công vụ đã cung cấp 30.339 hộp thư cho các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức phục vụ trao đổi công tác. Bên cạnh đó, triển khai liên thông kết nối hơn 1.539 đơn vị trên địa bàn TP, trong đó đạt 100% các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã, thị trấn tham gia các văn bản khi phát hành đều đã ứng dụng ký số và vận hành trên môi trường mạng.

Đồng thời, hệ thống phục vụ họp và xử lý công việc: các thư mời họp, lịch công tác giữa các cơ quan Nhà nước đã thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng; Hệ thống theo dõi việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân thông qua Tổng đài 1022 đã giúp lãnh đạo TP và các đơn vị có thể tra cứu, giám sát từng kiến nghị; theo dõi chất lượng, tình hình xử lý phản ánh kiến nghị, kịp thời ra quyết định điều hành nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Hệ thống xử lý 150 yêu cầu/ngày, 90 cơ quan phụ trách các lĩnh vực xử lý.

Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục công tác triển khai theo Chiến lược quản trị dữ liệu TP, tập trung vào 3 nhóm dữ liệu: Nhóm dữ liệu về người dân: dữ liệu hành chính, hộ tịch, y tế, giáo dục, an sinh; Nhóm dữ liệu tài chính - doanh nghiệp: dữ liệu tổng hợp và thống kê thu chi ngân sách, quản lý đầu tư công, doanh nghiệp - hộ kinh doanh cá thể; Nhóm dữ liệu về đất đai - đô thị: dữ liệu đất đai, dữ liệu nền thông tin địa lý, dữ liệu ngành xây dựng, giao thông, quy hoạch - kiến trúc…

Bình luận (0)

Lên đầu trang