(CATP) "AI tra cứu luật" là ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) với khối lượng lớn dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra trợ lý ảo dành riêng cho việc tra cứu, tư vấn pháp luật đến cán bộ phường. Chính quyền TPHCM đã xác định chuyển đổi số là một trong ba trụ cột chủ đạo trong năm 2024.
Tra cứu luật miễn phí, dễ thực hiện
Ngày 09/7, Viện Công nghệ blockchain và trí tuệ nhân tạo ABAII (gọi tắt là Viện ABAII) cho biết, dự án xã hội miễn phí do Viện phối hợp Công ty cổ phần DecomStars và Công ty Luật Nam Hà nghiên cứu, phát triển. Cụ thể, Viện ABAII, Công ty Luật Nam Hà, Công ty DecomStars đã phối hợp với UBND P13 (Q.Bình Thạnh, TPHCM) tổ chức buổi giới thiệu, tập huấn sử dụng ứng dụng "AI tra cứu luật" cho cán bộ, công chức vào ngày 08/7/2024. Tham dự buổi tập huấn có ông Lê Hoàng Linh Phương (Bí thư Đảng ủy phường), ông Tạ Thanh Khiêm (Chủ tịch UBND phường).
Ông Tạ Thanh Khiêm cho biết: "Nhu cầu tra cứu, giải đáp các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính của người dân trên địa bàn phường là rất lớn. Cán bộ, công chức của phường không đủ nhân sự để giải đáp, trong khi người dân gặp nhiều khó khăn trong việc tự tra cứu do khối lượng văn bản quy phạm pháp luật nhiều, có các quy định đan xen nhau. Vì vậy, việc triển khai ứng dụng "AI tra cứu luật" đến từng người dân và hộ gia đình sẽ giúp người dân chủ động, thuận tiện hơn trong việc giải quyết các vấn đề pháp lý đang gặp phải, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nhân sự".
Ông Tạ Thanh Khiêm phát biểu trong buổi tập huấn tại UBND P.13, Q.Bình Thạnh
"AI tra cứu luật" là dự án xã hội miễn phí do Viện ABAII chủ trì thực hiện, Công ty DecomStars vận hành công nghệ, còn Công ty Luật Nam Hà giữ vai trò tư vấn pháp lý. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam tích hợp trí tuệ nhân tạo với khối lượng lớn dữ liệu là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo ra một ứng dụng dành riêng cho việc tra cứu, tư vấn pháp luật cho người dân cả nước.
So với các ứng dụng tương tự, "AI tra cứu luật" có ưu điểm vượt trội nhờ khả năng hỏi - đáp dựa trên mô hình ngôn ngữ tự nhiên. Với phương pháp này, hệ thống sử dụng các kỹ thuật máy học và trí tuệ nhân tạo để hiểu, trả lời các câu hỏi của người dùng. Ước tính việc sử dụng ứng dụng "AI tra cứu luật" có thể giúp giảm từ 70 - 80% thời gian tra cứu các quy định của pháp luật, đặc biệt hữu ích với những người không chuyên ngành luật, doanh nghiệp có nhu cầu tra cứu quy định pháp lý đa ngành và người dân.
Đặc biệt, ứng dụng "AI tra cứu luật" được Viện ABAII nghiên cứu, phát triển, cung cấp miễn phí trọn đời nhằm phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân. Người dùng dễ dàng tạo tài khoản mới và trải nghiệm. Chia sẻ về dự án, bà Nguyễn Thị Hải Yến (Phó ban Truyền thông, Hiệp hội Blockchain Việt Nam) nói: ""AI tra cứu luật" là ứng dụng được thiết kế do người Việt và cho người Việt, bảo đảm tính linh động trong việc cập nhật các văn bản pháp lý mới của nước ta".
Cán bộ Cục Kiểm soát thủ tục hành chính tham gia khóa đào tạo "Ứng dụng AI trong công tác hành chính"
Báo cáo viên Trần Phan Nhật Minh tổng hợp những lợi ích mà AI mang đến cho công tác pháp lý, nhưng nhấn mạnh rằng người dân cần kiểm chứng các thông tin do AI cung cấp và thận trọng khi áp dụng nhằm tránh các sai lầm đáng tiếc: "Thông tin do AI cung cấp chỉ mang tính chất tham khảo. Việc tham vấn ý kiến của luật sư hoặc chuyên gia pháp lý là cần thiết và quan trọng để bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan". Dự kiến trong thời gian tới, Viện ABAII sẽ liên tục tổ chức các chương trình tương tự nhằm chia sẻ, đưa ứng dụng "AI tra cứu luật" đến tất cả các phường, quận trên địa bàn cả nước, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và thực hiện mục tiêu phổ cập AI, blockchain rộng rãi đến người dân Việt Nam.
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin
Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, đã có buổi làm việc với Văn phòng Thành ủy TPHCM về vấn đề triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và đồng bộ dữ liệu trong công tác hành chính. Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Lê Thị Thanh Thúy (Phó Chánh văn phòng Thành ủy TPHCM) nói: "Thành ủy mong muốn triển khai đồng bộ dữ liệu công tác hành chính nhằm tránh lãng phí đầu tư trong bối cảnh cắt giảm biên chế và nhân sự hiện tại chưa có chuyên môn rõ ràng về CNTT, ứng dụng CNTT còn nhiều hạn chế. Do đó, cần nhanh chóng triển khai chủ trương thống nhất để thúc đẩy ứng dụng các công cụ hỗ trợ tiên tiến, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm bố trí nhân sự, đặc biệt ưu tiên khía cạnh bảo mật an toàn thông tin lên hàng đầu".
Đại diện phía Thành ủy TPHCM đưa ra một số yêu cầu cụ thể cần ưu tiên giải quyết như: xử lý văn bản đầu vào, tự động nhập văn bản thay vì thủ công như hiện nay, tự động nhập nội dung theo dõi việc, tự động nhập và sắp xếp lịch làm việc, chuyển từ giọng nói thành văn bản... Bổ sung ý kiến về vấn đề trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải cho biết: "TPHCM xác định chuyển đổi số là một trong ba trụ cột chủ đạo trong năm 2024".
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung khẳng định Hiệp hội sẽ hợp tác cùng Thành ủy TPHCM trong công tác đào tạo kiến thức, kỹ năng sử dụng các ứng dụng AI. Trước hết, hai bên sẽ trao đổi cụ thể để xác định nội dung chương trình đào tạo, số lượng cán bộ tham dự và cách thức đào tạo nhằm tối ưu chi phí, hiệu quả. Về giải pháp cụ thể, ông Hàng Minh Lợi (Giám đốc Trung tâm Sáng tạo AI) đã đề xuất một số giải pháp công nghệ nhằm giải quyết bài toán đồng bộ dữ liệu trong công tác hành chính của thành phố một cách tự động trên hệ thống AI. Ông Phạm Hồng Sơn (Chánh văn phòng Thành ủy TPHCM) nói: "Văn phòng Thành ủy đồng ý và sẽ sớm thành lập tổ chuyên môn, có trách nhiệm xây dựng phương án cụ thể, bắt đầu thực hiện khảo sát tổng thể để có được bức tranh thực trạng đầy đủ về tình hình hiện tại, nhằm xây dựng kế hoạch phù hợp theo từng giai đoạn".
Hơn 30 cán bộ của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - Văn phòng Chính phủ đã được tập huấn và nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học "Ứng dụng AI trong công tác hành chính" do Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Viện ABAII phối hợp tổ chức từ ngày 12/6 đến 13/6/2024. Khóa học giúp học viên thực hiện công tác lưu trữ dễ dàng và gần như vĩnh viễn đối với các văn bằng, chứng chỉ quan trọng, nâng cao ý thức bảo mật thông tin, dữ liệu.