Cần Giờ trỗi dậy!

Chủ Nhật, 30/04/2023 16:42  | Bích Hà

|

(CATP) Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Cần Giờ là vùng đất có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng với Chiến khu Rừng Sác, nơi nuôi giấu quân giải phóng và là cứ địa trọng yếu của cách mạng lúc bấy giờ. Trải qua 48 năm miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), vượt qua nhiều khó khăn thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Giờ đã không quản ngại khó khăn, nỗ lực vươn lên. Từ vùng đất ngập mặn, đời sống người dân còn nghèo, phụ thuộc vào nghề đi biển, Cần Giờ đã ngày càng phát triển, đa dạng ngành nghề, trở thành địa bàn trọng điểm nằm trong kế hoạch hướng về phía Đông của TPHCM.

ĐẤT NGHÈO NUÔI NHỮNG ANH HÙNG

Trong giai đoạn đấu tranh cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Cần Giờ luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bền bỉ, vững vàng, ngoan cường góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Có thể khẳng định chiến thắng của quân và dân Cần Giờ trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử đều mang đậm một ý nghĩa sâu sắc. Với lòng tin tưởng vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, vào cuộc đấu tranh chính nghĩa chắc chắn sẽ giành thắng lợi, chiến sĩ và nhân dân Cần Giờ đã dũng cảm đứng lên chiến đấu, bền bỉ, kiên cường. Trong ngần ấy thời gian, trên mảnh đất này có 1.215 liệt sĩ, 468 thương bệnh binh, 397 gia đình có công với cách mạng, 2.786 người tham gia bộ đội, du kích, dân công tiếp tế hoặc vận chuyển vũ khí, lương thực cho cách mạng...

Du lịch Cần Giờ đang thu hút nhiều du khách.

Không chỉ là tiền tuyến kiên cường, vùng đất Cần Giờ còn đảm nhiệm vai trò là một trong những điểm trung chuyển hàng chiến lược từ đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và giữa hai miền Đông - Tây Nam bộ. Đất rừng và con người Cần Giờ luôn là nơi cưu mang, để các tổ chức, lực lượng cách mạng về trú ẩn an toàn, là xuất phát điểm của nhiều trận đánh hiểm hóc, vang dội toàn miền...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không chỉ có chiến công của các chiến sĩ, lực lượng đặc công, du kích, mà còn có những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của người dân nơi đây: gần 80% gia đình liệt sĩ và có công với cách mạng, đặc biệt là nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng, trong đó có các Mẹ: Phan Thị Lâu, Đoàn Thị Thế, Doãn Thị Thiếp... Nhân dân Cần Giờ quanh năm nước mặn, cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, nhưng vẫn chắt chiu dành dụm để ủng hộ cách mạng, vượt lên cái chết để bảo vệ cách mạng đến cùng, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

SỰ TRỖI DẬY TỪ VÙNG ĐẤT CHIẾN LƯỢC CỦA TPHCM

Giữ vị trí quan trọng trên tuyến đường thủy huyết mạch từ Biển Đông vào TPHCM, trong thực hiện chiến lược phát triển của thành phố (TP), Cần Giờ với nhiều lợi thế, tiềm năng về kinh tế biển, du lịch (DL) sinh thái, truyền thống lịch sử gắn với phát huy giá trị rừng phòng hộ Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển của thế giới, năng lượng điện gió, góp phần phát triển bền vững, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Du lịch Cần Giờ đang thu hút nhiều du khách.

Với hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, đa dạng, được UNESCO công nhận là "Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn quốc tế", Cần Giờ đã hình thành rõ nét khu DL sinh thái hấp dẫn, mở ra nhiều triển vọng phát triển DL trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện trong tương lai. Bên cạnh đó, chủ trương của Đảng bộ huyện khoán cho hộ gia đình bảo vệ rừng phòng hộ đã giúp nhiều gia đình tăng thu nhập đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển rừng, chống khai thác trái phép tài nguyên này.

Hiện nay, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở Cần Giờ đã được cải thiện đáng kể, phát huy được tác dụng, tạo tiền đề cho sự phát triển trong giai đoạn sau. Huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các bước lập, điều chỉnh quy hoạch theo chỉ đạo của TP; dự án XD khu đô thị (KĐT) DL lấn biển quy mô 2.780 ha đã được Thủ tướng phê duyệt...

Ngoài khôi phục rừng ngập mặn Cần Giờ, việc XD cơ sở hạ tầng như tuyến đường bộ xuyên Rừng Sác đầm lầy, điện lưới quốc gia, ống dẫn nước ngọt về vùng đất nhiễm mặn, công trình kè chống xâm thực cửa biển, hệ thống trường học, bệnh viện - trạm y tế, bưu chính viễn thông (mạng internet), các công trình ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống và đặc biệt đội ngũ cán bộ đủ sức đảm đương nhiệm vụ chính trị đặt ra trong từng thời kỳ, nhất là phát triển công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế đã làm nên một Cần Giờ hiện đại, tràn đầy tự tin để vững bước đi lên.

Du lịch Cần Giờ đang thu hút nhiều du khách.

Tại Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 26/12/2022 của Thành ủy TPHCM về định hướng phát triển Cần Giờ đến năm 2030, nơi này sẽ trở thành TP biển mang đặc trưng của một TP tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện với môi trường; trong đó DL sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao là mũi nhọn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển nhanh, đời sống người dân được nâng cao, bộ máy quản lý nhà nước tổ chức tinh gọn, hiệu quả.

Đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành TP nghỉ dưỡng và DL sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực. Phấn đấu tổng lượng du khách đến Cần Giờ giai đoạn 2021-2030 đạt 49 triệ ulượ t, tố cđô tăng bình quân 12,5%/năm.

Ông Lê Minh Dũng - Bí thư Huyện ủy Cần Giờ - cho biết, việc phát triển Cần Giờ phải trên cơ sở bảo tồn, gìn giữ những giá trị cơ bản, cốt lõi của địa phương, đồng thời giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn - phát triển. Trước mắt, Cần Giờ sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đề án quy hoạch 1/5.000; cùng với đó, triển khai thực hiện song song 2 dự án cầu Cần Giờ và KĐT lấn biển quy mô 2.870 ha. Đây là đòn bẩy vô cùng quan trọng để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế của địa phương, nhất là trong lĩnh vực DL. Tuy nhiên, để dễ dàng thực hiện chiến lược phát triển của mình, Cần Giờ cần các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Với các mục tiêu, phương hướng cụ thể, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện của Thành ủy, UBND TPHCM, sự hỗ trợ của các sở ngành, nhất là với truyền thống đoàn kết, gắn bó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cần Giờ hứa hẹn về tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

Đặc biệt, việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Cần Giờ đến năm 2030 sẽ là cơ hội, bước ngoặt quan trọng để vùng đất hai lần đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thực sự vươn mình trỗi dậy, phát triển tương xứng tiềm năng hiện có, với "tọa độ đặc biệt" như Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên từng phân tích.

Bình luận (0)

Lên đầu trang