(CAO) Chủ doanh nghiệp đối xử bất công hà khắc, kéo dài thời hạn thử việc, lương thấp… là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng đình công và ngưng làm việc tập thể của công nhân.
Chiều 15-11, tại TP.HCM Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã tổ chức hội thảo với sự tham dự của nhiều Sở ban nghành, lực lượng an ninh địa phương… nhằm bàn về tình hình tranh chấp lao động và đình công.
Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ giữa năm 2009 đến giữa năm 2016 cả nước xảy ra 3.614 cuộc ngừng việc tập thể và đình công. Trong đó địa bàn Bình Dương chiếm 1/4 các cuộc đình công của cả nước, sau đó đến TPHCM và Đồng Nai. Đình công do tranh chấp lao động tập thể cũng như thái độ đối xử bất công hà khắc của người sử dụng lao động.
Một số cuộc đình công có hàng ngàn người tham gia, diễn ra trong thời gian dài. Điển hình là cuộc đình công của 18.000 công nhân Công ty TNHH Pou Chen tại Đồng Nai. Ở TPHCM nhiều công nhân Công ty giày Huê Phong đình công kéo dài đến 35 ngày. Công ty TNHH Cheng Chia Wood Bình Dương đình công 3 lần trong 6 tháng đầu năm 2010.
Công nhân đình công phản đối thang bảng lương của một doanh nghiệp tại TP.HCM
Việc đình công gây ảnhh hưởng đến doanh nghiệp, đời sống thu nhập của hàng ngàn công nhân, gây thiệt hại cho môi trường đầu tư trong nước. Hầu hết các cuộc đình công vì mục đích kinh tế, không mang màu sắc chính trị, không xô xát gây thương tích cho lao động và chủ doanh nghiệp.
Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đình công. Trong đó, do người sử dụng lao động chi trả lương thấp, chỉ cao hơn mức lương tối thiểu một chút. Doanh nghiệp không xây dựng thang lương, bảng lương, quy chế nâng lương. Doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động, kéo dài thời gian thử việc, ký không đúng loại hợp đồng lao động nhằm trốn tránh nghĩa vụ đống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Ngoài ra các chủ doanh nghiệp thường vi phạm về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tăng ca, tăng giờ làm liên tục khiến công nhân căng thẳng về mặt tâm lý, không có điều kiện nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe để lao động. Các bữa ăn công nghiệp không đảm bảo chất lượng, suất ăn thiếu dinh dưỡng.
Theo Tổng liên đoàn lao động, quyền lợi công nhân bị vi phạm, đời sống vật chất tinh thần khó khăn, không có nhà ở, không được hưởng thụ các hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi giải trí, nên người lao động dễ bị kích động bức xúc, tự tụ tập nhau lại để đấu tranh bằng việc ngừng việc tập thể và đình công.
Ngoài ra, việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước về thuế, bảo hiểm, hợp đồng… chưa được thường xuyên, do lực lượng này còn quá ít và mỏng so với số lượng doanh nghiệp.