Nghịch lý ở Bệnh viện TP.Thủ Đức: Có BHYT vẫn phải ra ngoài mua thuốc

Thứ Bảy, 21/05/2022 10:57  | Nam Anh

|

(CATP) Bệnh viện (BV) TP.Thủ Đức từng được xem là hiện tượng của ngành Y tế Việt Nam khi lần đầu tiên một BV cấp quận (huyện) được nâng hạng lên cấp I, do Sở Y tế TPHCM trực tiếp quản lý. Hệ thống mạng lưới phòng khám trực thuộc BV được phát triển rộng khắp, gồm 5 phòng khám đa khoa (PKĐK) vệ tinh với mô hình "y tế gần dân". Thế nhưng những ngày gần đây, BV lại đang phải đối mặt với tình trạng… hết thuốc điều trị!

Bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng… hết thuốc!

Là BV tuyến cuối nên Bệnh viện TP.Thủ Đức có chất lượng khám và điều trị đạt uy tín bậc nhất trên địa bàn. Có trách nhiệm chính trong việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh (KCB) cho người dân trên địa bàn và khu vực lân cận, tuy nhiên nhiều tháng qua BV hoạt động trong tình trạng "hết thuốc" điều trị khiến hàng nghìn bệnh nhân (BN) đến khám tại đây hết sức lo lắng. Trường hợp cần thuốc điều trị, bác sĩ (BS) sẽ kê toa cho BN ra ngoài mua với giá "cắt cổ".

Có mặt tại BV vào trung tuần tháng 5-2022, chúng tôi ghi nhận gần như BN đến khám theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) đều không có thuốc điều trị, trong khi tại cổng chính BV có 10 nhà thuốc tư nhân hoạt động trong tình trạng đông kín người mua.

Đang điều trị tại khoa Cấp cứu, anh Nguyễn Văn Long, nhập viện với bệnh lý viêm tủy cấp, phải chịu đựng những cơn đau xé lòng. Vừa nhập viện, người nhà phải đóng 2 triệu đồng tiền tạm ứng cho BV và để có thuốc điều trị, BS đã phải kê đơn 4 loại thuốc No Spa, Phopha Luycl, Insulin Nirtairl, Insulin cho người thân anh Long ra ngoài mua với giá 2,7 triệu đồng. Đưa thắc mắc đi hỏi BS: Vì sao có thẻ BHYT nhưng vẫn phải ra ngoài mua thuốc thì nhận được câu trả lời: BV đã hết thuốc điều trị (!). Qua hơn 1 tuần nằm tại BV, anh Long đã phải bỏ ra hơn 10 triệu đồng mua thuốc, trong khi anh được công ty đóng BHYT hơn 15 năm liên tục.

Dù có thẻ bảo hiểm y tế nhưng người dân vẫn phải mua thuốc bên ngoài

Anh Nguyễn Văn Thế (46 tuổi) bị gãy xương đùi, nằm điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Do vết thương khá nặng phải mổ nên chi phí cao, BS đã kê chỉ định 7 loại thuốc để người nhà ra ngoài mua. Do mổ mất máu khá nhiều nên anh Thế phải truyền thêm, nhưng không có ống truyền, người nhà cũng phải ra tiệm thuốc Tây mua về. Theo anh Thế, anh có thẻ BHYT và thuộc diện hộ nghèo của địa phương, nhưng mỗi lần ra ngoài mua thuốc mất khoảng vài triệu đồng nên gia đình phải đi vay mượn để có tiền điều trị cho anh.

Thuốc theo diện BHYT đã hết

Tại khoa Khám bệnh trong 3 tháng trở lại đây, người dân có thẻ BHYT đến KCB ở các phòng khám đa khoa vệ tinh của Bệnh viện TP.Thủ Đức đều được BS kê toa, đề nghị ra ngoài mua thuốc, nếu BN thắc mắc thì được giải thích "BV hết thuốc". Thực tế, hầu hết BN đến khám và điều trị theo diện BHYT đều có hoàn cảnh khó khăn, gặp nhiều chứng bệnh nặng, nhưng việc mua BHYT để giảm bớt gánh nặng về kinh tế thì BN lại không được hưởng?

Hàng trăm người chờ đến lượt khám bệnh

Sự việc này kéo dài hơn 3 tháng qua không chỉ ở Bệnh viện TP.Thủ Đức mà còn diễn ra ở 5 phòng khám trực thuộc BV. Ghi nhận của PV tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, mỗi ngày nơi này tiếp nhận hàng nghìn người đến khám và điều trị theo diện BHYT đều được BS kê đơn để ra ngoài mua thuốc. Tại phòng khám số 10, chuyên khám nội tiết của BV, nhóm BN là người cao tuổi vừa mệt mỏi vì phải chờ đợi vừa chán nản nhìn cảnh người bệnh méo mặt cầm toa ra ngoài mua thuốc trong danh mục thuốc BHYT mà cảm thấy xót xa. Bà Trần Thị Lệ (68 tuổi) cho biết bị bệnh tiểu đường di căn nên thường xuyên đi khám và điều trị tại BV bằng BHYT, trước đây luôn được BV phát thuốc đầy đủ nhưng thời gian gần đây, các BS chỉ định bà phải ra ngoài mua, trong khi hoàn cảnh của người phụ nữ này gặp không ít khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Bệnh viện TP.Thủ Đức cho biết, ngoài thuốc BHYT thì vật tư y tế tại BV cũng rơi vào tình trạng cạn kiệt, xuất hiện ngay từ đầu năm 2022, khi Ban giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức có nhiều sự xáo trộn khiến ông Nguyễn Minh Quân - Giám đốc BV cũ - bị cơ quan chức năng bắt tạm giam để điều tra về vụ "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên, đó là việc làm sai phạm của cá nhân ông Quân, rất mong Ban giám đốc Bệnh viện TP.Thủ Đức cũng như ngành Y tế thành phố xem xét, sớm kiện toàn bộ máy lãnh đạo để người bệnh đến khám sớm có thuốc điều trị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang