Cuộc sống người Sài Gòn đảo lộn vì nắng nóng
Ớn lạnh với nước đá bẩn
BÁN TRÀN LAN
Không khó để tìm ra nước giải khát bình dân, giá rẻ trên từng góc phố, đặc biệt mùa nắng nóng như hiện nay. Cứ cách vài trăm mét lại có một quán nước “di động” bày bán ngay trên vỉa hè, lòng đường. Nhiều nhất là trước các công ty, xí nghiệp, trường học vì phù hợp với túi tiền của “thượng đế”. Mỗi ly nước giải khát vỉa hè có giá từ 5 đến 10 ngàn, tùy loại và tùy địa điểm được bày bán.
Ngoài nước mía từ lâu được người dân ưa chuộng, các món như: sâm lạnh, dừa thơm, rong biển, mía lau... thu hút lượng lớn khách hàng tìm đến, nhất là vào các buổi trưa nắng.
Chị Thủy - chủ một xe nước giải khát “di động” trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) hồ hởi khoe: “Mùa nóng nên bán nước giải khát chạy lắm, được gấp 2 lần so với đầu năm. Mặt hàng bán chạy nhất là mía lau, sâm lạnh vì loại nước vừa thơm, mát nên được nhiều người dùng!”.
Quan sát “đại bản doanh” của chị, chúng tôi thấy một túi bóng đựng đầy chai nhựa trắng, không nhãn mác dùng để chứa nước bán cho khách hàng. Nước uống đã được chị nấu trước ở nhà, đựng trong thùng nhựa, khi nào khách uống thì dùng can múc ra. Hỏi chị về cách chế biến, chị Thủy ra vẻ cảnh giác: “Mỗi người có cách nấu riêng, miễn sao khách hàng thấy ngon thì họ ủng hộ mình thôi!”.
Xe nước mía bên đường đầy ruồi, nhặng
Chạy dọc tuyến đường Tôn Đản (quận 4), loại nước uống này bày bán san sát, cứ vài chục mét lại có một quán nước “di động” đặt trước cửa nhà người dân. Tất cả các khâu từ sơ chế đến nấu nướng đều được giấu kín trong nhà. Khi thành phẩm mới được đặt trong thùng nhựa hoặc nồi lớn mang ra bán cho người đi đường. Nhiều “cửa tiệm” chỉ vỏn vẹn một cái thùng xốp đựng những chai nước giải khát, đặt trên một ghế nhựa mà bên dưới là nước bẩn, rác thải vẫn thu hút nhiều người mua.
SIÊU SẠCH HAY SIÊU BẨN?
Trên tuyến đường Nguyễn Kiệm (phường 3, quận Gò Vấp) có một xe nước mía “cao tuổi” bày bán từ nhiều năm qua. Do nằm ngay đầu hẻm, nơi ngưng tụ của nước thải cộng với mùi thơm ngọt từ xác mía, xung quanh xe nước đầy ruồi, nhặng vo ve.
Những cây mía cạo vỏ, ngâm trong thùng nước cáu bẩn chờ ép thành nước bán cho người mua. Nước đá đựng trong thùng xốp “nghèo nàn” đầy keo dán.
Xác mía bám đầy trong máy ép, tràn xuống mặt đường trông nhếch nhác, bẩn thỉu vô cùng. Giá một ly nước mía khổng lồ 5.000 đồng, nước mía đậu phộng 7.000 đồng. Quan sát “trụ sở” quán nước giải khát này khiến chúng tôi rùng mình, không dám gọi để uống.
Quán nước “thô sơ” trên đường Hoàng Văn Thụ
Thời gian vừa qua, máy ép nước mía siêu sạch ra đời thay thế máy ép truyền thống thu hút nhiều người mua. Loại máy ép này được thiết kế gọn gàng, kín đáo, nhìn bên ngoài không thể trông thấy quy trình ép, dễ lau chùi bên ngoài nhưng khó vệ sinh bên trong. Cây mía được ép một lần là hết nước, không cần phải hì hụi ép nhiều lần như trước. Giá mỗi máy ép từ 8 đến 10 triệu, đắt hơn máy truyền thống 2 đến 4 triệu.
Do không quan sát được khâu vệ sinh của máy ép siêu sạch, nên loại máy ép này thu hút lượng lớn khách hàng. Tuy nhiên, khác xa vẻ bên ngoài hào nhoáng, bên trong máy ép siêu sạch lại siêu bẩn. Nguyên nhân chính vì loại máy này chỉ có cách vệ sinh duy nhất là đổ nước vào bên trong dẫn bụi bẩn ra bên ngoài, chứ không thể chùi rửa. Đã có rất nhiều phản ánh của người dùng về tình trạng ruồi lẫn trong nước mía từ máy ép siêu sạch, thế nhưng do nhu cầu giá rẻ, nhiều “thượng đế” vẫn nhắm mắt tiêu dùng.
Đặc biệt, chất lượng đá tinh khiết bán cùng nước giải khát cũng rất mất vệ sinh từ quy trình lấy - lọc nước làm lạnh - bảo quản và vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, hiện thành phố có hơn 190 cơ sở sản xuất nước đá cây và viên. Năm 2014, đoàn liên ngành kiểm tra và phát hiện trên 80 cơ sở (chiếm 43%) vi phạm các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
NGUY CƠ NHIỄM BỆNH
Nếu không bàn đến quy trình chế biến các loại nước uống thì chính việc bày bán trước vỉa hè, lòng đường, đồ uống phải “hứng” toàn bộ khói bụi từ nhiều phương tiện giao thông qua lại, cũng đủ khiến khách hàng phải đau bụng. Do áp lực cạnh tranh, phần lớn các quầy hàng giải khát đều có “chiêu” hạ giá thành sản phẩm. Một trong những “chiêu” đó nằm ngay trong nhiều cửa hàng kinh doanh hóa chất ở chợ Kim Biên (quận 5).
Hóa chất tung hoành ở chợ Kim Biên
Trong vai một khách hàng muốn tìm mua hóa chất tạo mùi và chất tạo ngọt để bán nước giải khát: sâm lạnh, bông cúc, bí đao... chúng tôi được một chủ cửa hàng cho biết: “Mùi chanh dây, nho thì 20 ngàn đồng/100 gram, bí đao 25 ngàn đồng/gram. Để tạo màu thì 10 ngàn đồng/màu/100 gram. Mỗi gói pha từ 5 đến 10 thùng loại 5 lít, bỏ thêm 30 ngàn đồng đường hóa học nữa là có món nước giải khát thơm ngon”.
Theo Cục an toàn thực phẩm, năm 2014 có 194 vụ ngộ độc thực phẩm khiến 5.000 người bị ngộ độc, 80% trong số đó phải nhập viện và 43 trường hợp tử vong. Nguyên nhân chủ yếu từ việc sử dụng các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Với suy nghĩ lâu lâu mới uống nước vỉa hè một lần, nên mọi người vô tư sử dụng. Trong các loại đường hóa học phổ biến như: Acesulfame Kali, Sucralose, Aspartame... được cho phép sử dụng, nhưng cũng chỉ ở ngưỡng nhất định. Riêng loại đường Sodium Cyclamate được tìm thấy trong ô mai, xí muội là chất phụ gia thực phẩm không được phép sử dụng tại Việt Nam vì ảnh hưởng xấu đến gan, thận, ung thư. Khi sử dụng thức uống vỉa hè, người dùng rất dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy...; sử dụng thường xuyên, lâu dài rất dễ dẫn đến rối loạn tiêu hóa, gây ung thư.
Theo Thông tư của Bộ Y tế quy định điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, có hiệu lực từ tháng 10-2013: người kinh doanh phải được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và giấy xác nhận tập huấn. Nguyên liệu chế biến phải có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc, trang phục sạch sẽ, vệ sinh khi chế biến. Tuy nhiên, để cạnh tranh với sức ép của thị trường như hiện nay, thì các dịch vụ giải khát vỉa hè khó kiểm soát và đảm bảo chất lượng.
Trung Oanh