Công khai xin lỗi người bị khởi tố, tạm giam oan cách đây 42 năm

Thứ Sáu, 17/06/2022 15:54

|

(CAO) Việc ông Tê bị khởi tố, tạm giam từ ngày 1/8/1980 đến ngày 30/12/1980 là không đúng quy định pháp luật. Việc ông Tê bị khởi tố và tạm giam oan đã gây tổn thất tinh thần, vật chất cho ông và gia đình, gánh chịu những mất mát.

Sáng 17/6, tại xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức công khai xin lỗi đối với ông Võ Tê và gia đình liên quan việc khởi tố, bắt giam oan trong vụ án giết người xảy ra năm 1980.

Buổi công khai xin lỗi được thực hiện nhằm phục hồi danh dự và tổn thất cho gia đình ông Võ Tê, người bị bắt, khởi tố, tạm giam oan trong vụ án giết người, cướp tài sản xảy ra xảy ra ngày 31/7/1980, tại xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận).

Ông Đinh Kim Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, thay mặt các cơ quan tố tụng tỉnh và huyện Hàm Tân đã thông báo kết quả điều tra vụ án “Giết người, cướp của” xảy ra ngày 31/7/1980, tại thôn 3, xã Tân Minh.

Buổi công khai xin lỗi diễn ra tại nhà văn hóa xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, Bình Thuận.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận kết luận ông Võ Tê (SN 1932, trú xã Tân Minh, huyện Hàm Tân) không phải là người thực hiện hành vi giết bà Phan Thị Khanh (SN 1954, trú xã Tân Minh, huyện Hàm Tân).

Việc ông Tê bị khởi tố, tạm giam từ ngày 1/8/1980 đến ngày 30/12/1980 là không đúng quy định pháp luật. Việc ông Tê bị khởi tố và tạm giam oan đã gây tổn thất tinh thần, vật chất cho ông và gia đình, gánh chịu những mất mát. Thiệt thòi trong quá trình tạm giam và thời gian dài mang thân phận bị can.

Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận Đinh Kim Lập, thay mặt cơ quan tố tụng gửi lời xin lỗi đến ông Võ Ngọc (con trai ông Võ Tê): Mặc dù lời xin lỗi của chúng tôi không bù đắp được những tổn thất, mất mát mà ông và gia đình đã gánh chịu, đặc biệt là ông Võ Tê, người bị khởi tố, tạm giam oan đã không còn nữa, nhưng buổi xin lỗi thể hiện bản chất nhân văn của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trách nhiệm của Nhà nước trước công dân, thể hiện tinh thần cầu thị của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Qua đây, Cơ quan cảnh sát điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện cũng rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình tố tụng.

Thay mặt gia đình, ông Võ Ngọc, con trai người bị khởi tố, tạm giam oan là ông Võ Tê, đã chấp nhận lời xin lỗi của các cơ quan tố tụng. Đồng thời, ông Ngọc mong muốn các cơ quan chức năng sớm giải quyết trách nhiệm bồi thường theo luật định. Ông Ngọc cũng kiến nghị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân gây ra việc oan sai.

Vụ án xảy ra vào ngày 31/7/1980, bà Phan Thị Khanh, vào rẫy thu hoạch bắp nhưng đến chiều tối không về nhà. Gia đình tìm kiếm thì phát hiện bà Khanh nằm chết ở gần rẫy bắp thuộc xã Tân Minh, huyện Hàm Tân.

Ngày 1/8/1980, Công an huyện Hàm Tân khởi tố vụ án giết người, cướp của và bắt tạm giam ông Võ Tê. Tuy nhiên, quá trình điều tra, căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường, tử thi và các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, không đủ cơ sở để buộc tội ông Tê. Sau 5 tháng bị bắt giam oan, ngày 30/12/1980, ông Võ Tê được trả tự do. Ông Võ Tê qua đời vào năm 1994 và do không có quyết định đình chỉ bị can nên ông Tê vẫn mang thân phận là bị can giết người.

Ngày 16/11/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã phục hồi điều tra vụ án. Ngày 5/1/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Bình Thuận có quyết định đình chỉ bị can đối với ông Võ Tê về tội giết người, cướp của và có thông báo kết thúc vụ án nói trên.

Theo đó, kết quả điều tra xác định Trương Đình Chi (tức Mười Chi, còn có họ tên khác là Trương Đình Khôi và Lê Minh Sơn, SN 1956, trú thôn Bình Thạnh, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), là người thực hiện hành vi giết người và cướp 1,6 lượng vàng của bà Phan Thị Khanh.

Sau khi làm việc với Trương Đình Chi, Cơ quan Cảnh sát điều tra có đủ căn cứ kết luận hành vi giết người, cướp tài sản của Chi. Ngoài ra, qua giám định ADN, xác minh tàng thư, tra cứu vân tay và các biện pháp nghiệp vụ khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra đủ căn cứ xác định Trương Đình Chi, Trương Đình Khôi, Lê Minh Sơn là một người.

Theo Điều 27, Bộ luật Hình sự 2015 quy định thời hiệu xử lý đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là 20 năm, trong khi vụ án giết bà Khanh đã xảy ra hơn 40 năm nên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đã hết thời hiệu truy cứu nên Cơ quan Cảnh sát điều tra đã cho Trương Đình Chi được bảo lãnh theo quy định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang