Huyện Bình Chánh: Cần rà soát, xử lý nghiêm các công trình vi phạm xây dựng

Thứ Sáu, 17/06/2022 06:54

|

(CAO) Một số công trình xây dựng trái phép tại huyện Bình Chánh, TPHCM bị người dân phản ánh đã được cơ quan chức năng ra quyết định cưỡng chế nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Phản ánh đến Báo Công an TPHCM, người dân cho biết, nhiều công trình được xây dựng trái phép ngay trước đường vào cổng KCN Lê Minh Xuân (ấp 7, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) tồn tại suốt thời gian dài, đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Công trình xây dựng ở ấp 7, xã Lê Minh Xuân đến nay vẫn chưa được xử lý

Theo phản ánh của người dân, có đến 14 công trình không phép được xây dựng liền kề nhau. Chủ nhân của những công trình trên là của gia đình bà L.T.T và L.T.L. Theo đó, lúc đầu chỉ mới xuất hiện một vài căn được dựng tạm bằng tôn để buôn bán. Tuy nhiên, do không được phát hiện, xử lý dứt điểm nên các căn nhà trái phép khác “mọc lên” dùng để ở và bán quán cơm, cà phê, tạp hóa...

Được biết, liên quan đến các công trình xây dựng trái phép này, UBND xã Lê Minh Xuân đã từng lập biên bản vi phạm hành chính số 14/BB-VPHC ngày 8-9-2017 về hành vi xây dựng không phép đối với bà L.T.T. Đến ngày 12-12-2017, UBND xã Lê Minh Xuân ban hành Quyết định khắc phục hậu quả số 503/QĐ-KPHQ về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; Quyết định số 545/QĐ-SĐXPVPHC ngày 12-12-2017 về sửa đổi Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động xây dựng buộc gia đình bà L.T.T phải táo dỡ các công trình xây dựng trái phép.

Đến ngày 9-5-2018, huyện Bình Chánh đã ban hành Quyết định số 351/QD-CCXP ngày 9-5-2018 về cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Dù vậy đến nay đã 4 năm trôi qua nhưng các công trình xây dựng trên vẫn ngang nhiên tồn tại.

Công văn của xã Lê Minh Xuân trả lời phản ánh của người dân

Tại công văn số 193/UBND ký ngày 28-1-2022, Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân cho biết, liên quan đến vụ việc trên, TAND huyện Bình Chánh đã có Thông báo số 235/TB-TLVA ngày 10-6-2020 về thụ lý vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Do đó, UBND xã chưa thực hiện xử lý công trình vi phạm này. “Sau khi có Quyết định hoặc bản án của tòa, UBND xã sẽ căn cứ xử lý theo quy định pháp luật”, lãnh đạo xã Lê Minh Xuân nói.

Công trình của Công ty Phi Long được huyện Bình Chánh xác định vi phạm xây dựng. (Trong ảnh: Khách hàng trong một lần tụ tập tại trụ sở Công ty Phi Long yêu cầu giải quyết quyền lợi chính đáng của mình).

Tương tự, các công trình xây dựng trái phép khác của Công ty Phi Long tại dự án Nam – Nam Sài Gòn mặc dù đã có quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ từ năm 2019 đến nay nhưng hiện vẫn chưa được thực hiện. Theo đó, ngày 20-12-2019, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh thời điểm đó là ông Trần Phú Lữ đã ký Quyết định số 899/QĐ-KPHQ yêu cầu Công ty Phi Long phải tháo dỡ 6 công trình xây dựng trái phép tại dự án Nam - Nam Sài Gòn.

Trong đó, công trình 1 (trụ sở văn phòng) có diện tích xây dựng 290m2; tổng diện tích sàn xây dựng 993,6m2, kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch, sàn bê tông cốt thép, mái ngói; công trình 2 (hàng rào): dài 163,5m, kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch + song sắt; công trình 3 (mái che): diện tích 163m2, kết cấu cột sắt, mái tôn; công trình 4 (nhà ở): diện tích 163m2, tổng diện tích sàn xây dựng 604,7m2; kết cấu: cột bê tông cốt thép, vách gạch, sàn bê tông cốt thép, mái ngói; công trình 5 (mái che): diện tích 107,9m2, kết cấu cột sắt, mái tôn; công trình 6 (hàng rào): chiều dài 83,8m, kết cấu cột bê tông cốt thép, vách gạch + song sắt.

Theo QĐ số 899/QĐ-KPHQ, UBND huyện Bình Chánh yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ các công trình vi phạm trên trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định này. Nếu quá thời hạn mà công ty này không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế.

Tại số 113/TP-VP ký ngày 3-3-2020, ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo huyện Bình Chánh phải kiên quyết tháo dỡ các công trình xây dựng không phép của Công ty Phi Long, nhưng đến nay những công trình trên vẫn đang tồn tại.

Trong khi những “vấn đề” cũ chưa được giải quyết dứt điểm thì mới đây, người dân tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh lại phản ánh có nhiều công trình mọc lên trên đất nông nghiệp, có dấu hiệu trái phép.

Theo đó, người dân chỉ ra các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp diễn ra tại thửa 27 tờ bản đồ số 22 (đường liên ấp 4-5); thửa 47 tờ bản đồ số 22 (đường liên ấp 4-5) dùng để xây kho; thửa 2 và 4 tờ bản đồ số 20, đường Bà Cả được xây dựng làm kho; thửa 14 tờ bản đồ số 21 xây dựng hồ câu cá giải trí; thửa 174 và 175 tờ bản đồ số 7 xây nhà...

Khu đất trồng lúa được san lấp và đấu nối hạ tầng ở xã Đa Phước

Cũng theo người dân phản ánh, tại thửa 615 tờ bản đồ số 1, thửa đất này có hiện trạng đất lúa, nhưng chủ đất san lấp, đặt cống và đấu nối hạ tầng với đường Đa Phước.

Liên quan đến những vấn đề người dân phản ánh, phóng viên Báo Công an TPHCM đã liên hệ UBND xã Đa Phước vào đầu tháng 6-2022 để tìm hiểu, xác mình thông tin vụ việc. Sau khi để lại nội dung thông tin người dân phản ánh, đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm từ chính quyền địa phương!

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần nhanh chóng rà soát và sớm có câu trả lời cho người dân, dư luận, tránh những bức xúc trong nhân dân. Mặt khác, nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm, không để phát sinh thêm các điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang