(CAO) Qua thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội, một số thanh thiếu niên tại Gia Lai đã bị sập bẫy sang Campuchia làm việc với mức lương mỗi tháng hàng chục triệu đồng.
Đã nhiều ngày nay, gia đình bà L. (ngụ huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) chưa có một bữa cơm ngon lành kể từ ngày đứa con trai đầu mới 15 tuổi bị lừa xuất khẩu lao động sang Campuchia. Hiện gia đình bà K. không thể gọi điện cho con trai mình. Lâu lâu, bà K. chỉ nhận được vài tin nhắn qua mạng xã hội, hối thúc cha mẹ nộp 130 triệu để chuộc con về. Tuy nhiên, gia đình thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định nên không thể xoay được số tiền lớn vậy.
Cha mẹ em K. (áo đỏ) trình bày vụ việc
Vì gia đình kinh tế khó khăn, em K. (con của chị L.) gác lại chuyện học, quyết định "liều" một chuyến bằng cách lên TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai tìm việc làm thêm. Cuối năm tháng 3-2022, qua mạng xã hội có thông tin tìm việc làm, điều kiện chỉ biết gõ máy tính, mức lương mỗi tháng 20 triệu đồng. K. giấu bố mẹ đi theo lời hướng dẫn qua điện thoại xuống TPHCM rồi có người đưa xuống miền Tây để vượt biên sang Campuchia. Công việc thường ngày là sử dụng vi tính và môi giới khách hàng tham gia đường dây lừa đảo để hưởng hoa hồng.
Sau 10 ngày, K. mới liên hệ về với gia đình, báo con đang ở Campuchia làm việc cho một công ty do người Trung Quốc quản lý. Từ đó, K. không liên lạc về bằng gọi điện mà chỉ lâu lâu nhắn tin qua mạng xã hội.
Mẹ L. nước mắt lưng tròng, nói: “Con nhắn tin muốn về nhà, nhưng các đối tượng không cho. Chúng bắt nộp tiền phạt số tiền 130 triệu đồng mới thả con về nước. Chúng còn chích điện, đánh đập, bỏ đói con. Chúng cũng yêu cầu gia đình tìm thêm 10 người nữa biết gõ máy tính để đưa sang Campuchia làm việc, khi đó sẽ giảm mức phạt. Nếu làm vậy, tôi lại tiếp tay cho bọn lừa đảo. Còn tiền chuộc chúng đòi, có bán cả gia tài cũng không đủ”.
Thượng tá Đinh Văn Sơn cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo lao động sang Campuchia
Một trường hợp may mắn hơn K., là em H. (SN 1999, ngụ huyện Chư Prông, Gia Lai) sau khi gia đình vay mượn, nộp tiền chuộc 150 triệu đồng đã được về Việt Nam.
Theo thông tin trình báo của nạn nhân, khi sang Campuchia, họ được đưa vào các tổ chức do người Trung Quốc quản lý. Công việc hàng ngày là tuyển cộng tác viên trên các sàn thương mại điện tử giả mạo, kêu gọi đầu tư vào các sàn tiền ảo, giả đóng vai các cơ quan nhà nước… để gọi điện về Việt Nam lừa đảo.
Các nạn nhân được giao chỉ tiêu hàng tháng phải đạt được một doanh thu nhất định. Nếu không đạt, các nạn nhân bị phạt ít nhất 1000 USD, bị đánh đập, bỏ đói rồi sau đó buộc phải gọi điện cho người nhà đòi tiền chuộc. Họ chỉ được thả khi gia đình đã nộp hàng trăm triệu đồng cho chúng để chuộc thân.
Thượng tá Đinh Văn Sơn, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai, cơ quan Công an đã xác định rõ hai trường hợp trên địa bàn tỉnh bị lừa đảo sang Campuchia làm việc. Đối với trường hợp người lao động vẫn còn ở Campuchia, Phòng An ninh mạng sẽ phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh và báo cáo với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Thượng tá Sơn khuyến cáo, người dân cần cảnh giác không bị lợi dụng, lôi kéo sang Campuchia làm việc và bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Công dân có nhu cầu đi lao động cần tìm hiểu kỹ, liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương để được tư vấn, hỗ trợ và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh.