Đắk Lắk:

Chủ đại lý cà phê “biến mất”, cả trăm người dân lao đao

Thứ Sáu, 15/03/2019 16:41

|

(CATP) Ngày 15-3, một số hộ dân vẫn vây quanh nhà ông Nguyễn Thành - Trưởng thôn Ea Sia B, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk vật vã khóc than, bức xúc đòi đập phá tài sản xiết nợ do nghi vợ chồng chủ nhà này “ôm” tài sản bỏ đi sau khi nhận ký gửi hàng trăm tấn cà phê, trị giá hàng tỷ đồng của người dân địa phương.

Trước đó, khoảng 7 giờ ngày 14-3, khi hay tin bà Lê Thị Trang – chủ đại lý cà phê Thành Lớn (vợ ông Thành) – đi khỏi địa bàn, cửa nhà đóng im ỉm, hàng chục người dân đã kéo đến để đòi nợ.

“Nhiều hộ dân ký gửi cà phê tại đây, cho rằng vợ chồng ông Thành xù nợ tiền cà phê, hồ tiêu nên đòi phá kho, phá nhà xiết tài sản. Cán bộ địa phương đã tuyên truyền, vận động những người có ký gửi nông sản ở đây bình tĩnh, không được tùy tiện đập phá nhà cửa, tài sản của ông vợ chồng ông Thành, tránh hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời hướng dẫn họ đem giấy tờ, biên lai đến khai báo với công an, chính quyền xã để có cơ sở giải quyết theo quy định của pháp luật”, đại diện chính quyền xã Ea Nam cho biết.

Nhiều người dân khốn khổ khi bị giật nợ, đi trình báo cơ quan chức năng. Ảnh: DUY HẬU

Theo ông Y Chức K’Pă – Phó chủ tịch UBND xã Ea Nam, đến nay, qua tổng hợp từ đơn thư của các hộ dân, cho thấy, đại lý của vợ chồng ông Thành có nhận ký gởi hơn 200 tấn cà phê, hồ tiêu (khoảng 8 tỷ đồng theo giá bán cà phê hiện nay) của khoảng 100 hộ dân ở các thôn, buôn trong xã. Người gửi nhiều nhất đến trên 30 tấn, ít nhất là 3 tạ.

Chưa rõ lý do gì vợ chồng ông Thành bỗng dưng bỏ đi khỏi địa phương, để lại căn nhà khóa cửa khiến người dân cho rằng, vợ chồng này cố tình “xù” nợ. Chúng tôi đã chỉ đạo, phân công anh em công an, dân quân xã ghi nhận sự việc, báo với cơ quan thẩm quyền cấp trên để xử lý theo qui định pháp luật; đồng thời đảm bảo công tác an ninh trật tự địa phương”.

Theo thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm 2019 đến nay, riêng địa bàn huyện Ea H’leo có tới 3 đại lý chuyên thu mua, nhận ký gửi nông sản tuyên bố “vỡ nợ”, mất khả năng thanh toán gây thiệt hại về kinh tế cho nhiều hộ gia đình tại địa phương.

Tính từ năm 2017 đến nay, tại nhiều xã, huyện thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai có khoảng 50 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mua bán, ký gửi nông sản, cà phê tuyên bố “vỡ nợ, mất khả năng thanh toán” sau khi ôm cả trăm tấn nông sản của bà con, với số tiền trị giá trên 400 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang