(CATP) Do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều lao động (LĐ) về quê không muốn quay lại thành phố làm việc. Vào những ngày này, tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên địa bàn TPHCM phải căng nhiều băng-rôn để tuyển LĐ. Tuy nhiên, sau thời gian dài thông báo, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng không tuyển được người.
Hàng loạt doanh nghiệp treo băng-rôn tuyển lao động
Khảo sát một vòng các KCX Tân Thuận, quận 7, Linh Trung, TP.Thủ Đức, KCN Vĩnh Lộc, Bình Chiểu, Tân Bình... trên các trục đường lớn, trước nhiều công ty chúng tôi đều thấy giăng đầy băng-rôn, tờ rơi, áp-phích ngay trước cổng thông báo tuyển dụng người lao động (NLĐ) để phục hồi và mở rộng sản xuất (SX). Doanh nghiệp tuyển ít thì từ 100 trở lên, nhiều lên đến vài nghìn LĐ, mức lương dao động từ 7,5 - 19 triệu đồng cùng nhiều ưu đãi: thưởng cá nhân, bao cơm trưa, hỗ trợ tiền nhà trọ, môi trường làm việc tốt để thu hút NLĐ...
Nhiều DN còn nghĩ ra cách giao bộ phận nhân sự lên các diễn đàn, Facebook, YouTube có đông người tham gia để tuyển dụng với mức lương cạnh tranh. Cá biệt, có những DN làm ở các lĩnh vực cơ khí, gò, hàn, ốc vít... cần tay nghề cao còn đưa ra mức lương từ 15 - 25 triệu đồng/tháng để chiêu dụ NLĐ. Đơn cử Công ty TNHH Nic Tosok Việt Nam, chuyên SX hàng điện tử xuất đi Nhật, châu Âu, đang có nhu cầu tuyển dụng 800 công nhân (CN) nam - nữ với mức lương 7,5 - 12,5 triệu đồng/tháng cùng nhiều ưu đãi khác.
Dù căng băng-rôn, doanh nghiệp vẫn không tuyển được lao động
Anh Nguyễn Thành Văn - Giám đốc (GĐ) nhân sự Cty - cho biết, là Cty đa quốc gia có trụ sở chính đóng ở Nhật nên Cty luôn có sẵn đơn hàng kéo dài đến giữa năm 2023. Theo đó, Cty liên tục phải đăng thông tin tuyển dụng nhân sự bằng đủ mọi cách. Để bù đắp cho số LĐ thiếu hụt, Cty còn phải cử cán bộ nhân sự đi các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung để tuyển bổ sung thêm. Dạo quanh KCX Tân Thuận, chúng tôi ghi nhận có hàng chục DN đăng bảng tuyển dụng NLĐ. Do không tuyển được đủ số LĐ mình cần, nhiều DN còn phải thuê cơ sở gia công, thậm chí phải từ chối đơn hàng.
Chung cảnh ngộ, ông Đinh Xuân Nam - GĐ nhân sự Công ty Asia Garment Mannufacturer Việt Nam, chuyên về ngành may mặc - cho biết, nhu cầu tuyển trong năm 2022 của DN là 1.200 LĐ, nhưng từ đầu năm đến nay chỉ tuyển được 64 người. Bây giờ ngành may rất khan hiếm LĐ, trong khi đó các công ty da giày và may mặc đang có sự cạnh tranh rất dữ dội trong việc tìm nguồn LĐ.
Các trung tâm dịch vụ việc làm cũng lâm cảnh khó
Hiện nay các DN "khát" LĐ nhất nằm ở các ngành nghề thực phẩm, thủy sản, dệt may, da giày, đồ điện tử... Do đặc thù của các DN này cần lượng LĐ lớn nên những năm gần đây luôn rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự. Dạo một vòng các KCN Vĩnh Lộc, Bình Chiểu, Tân Bình, Tân Thuận, Linh Trung..., chúng tôi ghi nhận từ sau Tết Nguyên đán, nhiều DN đã trưng băng-rôn tuyển CN để phục hồi và mở rộng SX. Nhu cầu mà các DN đưa ra cho NLĐ khá dễ dàng, thậm chí còn có nhiều ưu đãi để thu hút, nhưng vẫn không thể tuyển đủ người.
Trong khi đó, đại diện Cty TNHH Liên Minh - Vina cho biết: "Để mở rộng mạng lưới tuyển dụng, Cty còn đưa ra chiêu thức mới: dùng loa phóng thanh nội bộ thông báo đến những CN đang làm việc tại Cty về nhu cầu tuyển dụng đồng thời đưa ra chiêu "khuyến mãi": 1 CN giới thiệu được 1 NLĐ vào làm việc sẽ được thưởng 1 triệu đồng. Hiện chúng tôi cần khoảng 600 CN nhưng suốt 3 tháng qua DN chỉ nhận được vài chục hồ sơ nộp vào, đa số chưa biết việc nhưng DN cũng phải chấp nhận".
Do khan hiếm LĐ, nhiều DN đang phải hạ bớt yêu cầu cần thiết như: kéo dài độ tuổi, không cần trình độ tay nghề, văn hóa... để mong tuyển đủ số CN cần tìm. Trong khi đó, ngành hàng SX đồ điện tử, dệt may và da giày, thủy sản... là những DN đang thiếu hụt nguồn LĐ lớn nhất, dù NLĐ mới vào Cty học việc nhưng lương tháng và các khoản hỗ trợ khác lên tới 6 - 7 triệu đồng, mặc dù vậy nhiều DN vẫn không tuyển đủ số LĐ cần. Để có được nguồn LĐ, nhiều DN còn hợp tác với các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh nhờ tuyển dụng.
Tại phố việc làm ở ngã tư An Sương (giáp ranh Q12 với huyện Hóc Môn, TPHCM) có hàng chục trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) cũng khá im ắng. Chị Nguyễn Thị Nguyệt - GĐ Trung tâm giới thiệu việc làm K.N - cho biết, trung tâm có nhiều công việc khá hấp dẫn nhưng rất ít NLĐ đến đăng ký. Thị trường nguồn LĐ năm nay khác hẳn với mọi năm, bởi nhiều DN tìm đến các Cty giới thiệu việc làm đặt nguồn để tuyển dụng nhưng nguồn LĐ vẫn vắng bóng. Khu ngã tư An Sương có gần 20 TTGTVL nhưng sáng 7-3 chỉ có lèo tèo 5 - 7 LĐ đến tìm hiểu đôi chút rồi lại đi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Kỳ Quan Triết - Phó GĐ Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM - cho biết, trong quý I-2022 thành phố cần tuyển từ 43.000 - 57.000 LĐ. Ngoài LĐ làm việc toàn thời gian, các công ty, DN cũng cần lượng lớn LĐ bán thời gian phục vụ nhu cầu SX - kinh doanh. Cũng theo ông Triết, những năm gần đây có nhiều công ty, nhà máy, xí nghiệp được thành lập tại các địa phương để thu hút nguồn LĐ tại chỗ. Theo đó, nhiều DN trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai... dù có "khát" LĐ cũng khó tuyển được đủ số lượng theo yêu cầu.
Hiện thành phố chỉ có thể đáp ứng được phân nửa số LĐ mà các DN cần. Trong khi đó, các KCX - KCN hàng năm cần tuyển 30.000 - 40.000 CN nhưng chỉ tìm được từ 16.000-20.000 LĐ, nên nhiều DN phải tìm đến các TTGTVL mong có thêm được nguồn cung. Trung tâm giới thiệu việc làm của Nhà văn hóa Thanh niên cũng nhận được hàng chục đơn đặt hàng tuyển dụng LĐ từ các DN. Để cung cấp nguồn LĐ cho các DN, trung tâm đã tổ chức các sàn giao dịch việc làm nhưng cũng không thu hút được nhiều LĐ.