(CAO) Cả nước có 610.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ thu Bảo hiểm xã hội (BHXH) được 327.000 doanh nghiệp. Còn tới 283.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động. Ngoài ra, quỹ BHXH đang có tổng số nợ khó thu lên đến 2.500 tỉ đồng do doanh nghiệp “mất tích”, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn là những vấn đề mà ngành bảo hiểm đang gặp phải, cần phải có thêm biện pháp xử lý.
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đưa ra tại phiên họp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý, sử dụng Quỹ BHXH năm 2018, của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiến hành mới đây.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH đã có sự đổi mới thông qua việc tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương, các đại lý BHXH và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; qua đó, thu hút được sự quan tâm của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc thực hiện chính sách này.
Cũng theo ông Lợi, trong năm 2018, ngành BHXH đã thanh tra, kiểm tra được 14.151 cuộc, tăng 61,9% so với năm 2017. Qua thanh tra, kiểm tra và lập 1.178 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với tổng số tiền phạt 37,7 tỷ đồng.
Ngành Lao động –Thương binh và Xã hội cũng tích cực chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam thanh tra đối với 179 doanh nghiệp tại 46 huyện thuộc 10 tỉnh, thành phố... Nhờ đó, hết năm 2018, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 6,3% và số đơn vị tham gia tăng 12,55% so với năm 2017.
Công nhân tại một công ty ở TPHCM mất trắng quyền lợi BHXH, BHYT do doanh nghiệp nợ BHXH và bỏ trốn
Đặc biệt, năm 2018 đã phát triển được 270.779 người tham gia BHXH tự nguyện (bằng 1,21 lần của cả giai đoạn 10 năm từ 2008 đến 2017); nâng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay lên trên 495.000 người.
Cùng với đó, năm 2018, cơ quan BHXH đã chi trả chế độ cho trên 2,5 triệu đối tượng với tổng số tiền gần 202.000 tỷ đồng. Trong đó, chi từ nguồn ngân sách nhà nước chiếm 22,86% và chi từ Quỹ BHXH chiếm trên 77%.
Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi cũng nhìn nhận, công tác mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn vướng mắc, nhiều người dân chưa hiểu rõ chính sách.
Số nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc đã giảm đáng kể, song vẫn còn hơn 5.300 tỷ đồng phải tính lãi (nợ của các DN ngoài quốc doanh chiếm đến 67%).
Đặc biệt, có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần (tăng 19,31% so với năm 2017 và bằng 77,82% số đối tượng tham gia BHXH tăng thêm năm 2018).
Chia sẻ những khó khăn trong công tác thực hiện chính sách BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay, cả nước có 610.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng mới đang quản lý thu BHXH được 327.000 DN. Còn tới 283.000 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH cho người lao động.
Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, quỹ BHXH đang có tổng số nợ khó thu lên đến 2.500 tỉ đồng do doanh nghiệp “mất tích”, phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn. Vấn đề đặt ra là luật hiện hành chưa quy định cách nhận diện loại doanh nghiệp này. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị cơ quan chức năng bàn thêm giải pháp để xử lý.