Giữ gìn môi trường sống sạch sẽ để phòng ngừa bệnh tật

Thứ Ba, 08/10/2019 11:51  | Ngô Đồng

|

(CAO) Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo, mọi người, mọi nhà cần chung tay giữ gìn môi trường sống sạch sẽ để phòng ngừa căn bệnh có thể gây chết người. Trong 9 tháng đầu năm 2019, đã có 9 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng đang tiếp tục gia tăng theo mùa. Trong tháng 9-2019, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của thành phố ghi nhận 6.573 ca bệnh tay chân miệng, bao gồm cả nội trú và ngoại trú, tăng gấp 2 lần so với số ca của tháng 8-2019, nhưng thấp hơn số ca bệnh của tháng 9-2018.

Theo đó, số ca bệnh tay chân miệng tích lũy trong 9 tháng đầu năm 2019 là 14.990 ca, không có ca tử vong.

Các chuyên gia y tế cho biết, diễn tiến của bệnh tay chân miệng tương tự như những năm trước. Tuy nhiên, năm nay chỉ có khoảng 16% số ca bệnh phải nhập viện điều trị, cho thấy hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều ở mức nhẹ.

Bệnh tay chân miệng đang tiếp tục gia tăng theo mùa

Mặc dù không có trường hợp mắc bệnh nặng, song các chuyên gia y tế khuyến cáo quý phụ huynh, người chăm sóc trẻ không nên chủ quan với bệnh tay chân miệng. Bệnh hiện chưa có vắc xin phòng ngừa.

Đây là bệnh lây qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh và với đồ vật nhiễm chất tiết của người bệnh. Do đó, việc phòng bệnh phụ thuộc hoàn toàn vào các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như rửa tay, vệ sinh đồ dùng. Do đó, để bảo vệ trước bệnh tay chân miệng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, giáo viên, bảo mẫu hãy nhớ thường xuyên rửa sạch tay trẻ và của chính mình bằng nước và xà phòng để phòng bệnh.

Bên cạnh đó, việc rửa sạch đồ chơi, đồ dùng của trẻ bằng xà phòng cũng được khuyến khích để phòng bệnh tay chân miệng.

Nếu phát hiện có trẻ bị bệnh, phải cách ly trẻ ở nhà, không nên đưa trẻ đến lớp nhằm hạn chế lây lan cho trẻ khác. Đồng thời thường xuyên theo dõi để sớm phát hiện các dấu hiệu trở nặng của bệnh để đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.

Ngoài bệnh tay chân miệng, theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, bệnh sốt xuất huyết tuy có dấu hiệu giảm nhiệt, nhưng số ca mắc bệnh vẫn còn ở mức cao hàng tuần.

Cụ thể, trong tháng 9 vừa qua, toàn thành phố ghi nhận có 8.128 ca, tương đương số ca tháng 8.

Bệnh sốt xuất huyết tuy có dấu hiệu giảm nhiệt, nhưng số ca mắc bệnh vẫn còn ở mức cao hàng tuần.

Mặc dù tháng 9 vừa qua trời mưa liên tục, nhưng nhờ sự đồng loạt ra quân triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết như: diệt muỗi, diệt lăng quăng, phun hóa chất... nên số ca bệnh không tiếp tục tăng nhanh như xu hướng hàng năm.

Tuy nhiên, để kiểm soát được tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết bền vững, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo, cần có sự tham gia của tất cả mọi gia đình, mọi ban ngành đoàn thể. Hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết đến từ sự tự giác giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, loại bỏ các ổ loăng quăng trong nhà, xung quanh nhà, nơi làm việc.

Hiệu quả phòng bệnh sốt xuất huyết đến từ sự tự giác giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, loại bỏ các ổ loăng quăng trong nhà, xung quanh nhà, nơi làm việc.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách.

Trong 9 tháng đầu năm, ghi nhận có 9 trường hợp tử vong, gồm 2 trẻ em và 7 người lớn. Hầu hết các trường hợp này đều đến bệnh viện trễ, sau một thời gian mua thuốc tự điều trị tại nhà; một vài trường hợp bệnh nhân người lớn có thể trạng béo phì, có bệnh mạn tính.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người trong vùng sốt xuất huyết lưu hành cần chủ động diệt loăng quăng và phòng tránh muỗi đốt. Khi bản thân hoặc gia đình có người bị sốt cao đột ngột, có thể kèm theo nhức đầu, đau sau hốc mắt hoặc có dấu hiệu xuất huyết...nên đến cơ sở y tế khám ngay.

Nếu được chỉ định điều trị ngoại trú, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ. Nếu thấy mệt nhiều, xuất huyết nhiều, đau bụng... phải đến ngay bệnh viện để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Bình luận (0)

Lên đầu trang