TP.HCM: Cảnh báo ổ dịch tay chân miệng trong trường tiểu học

Thứ Tư, 24/10/2018 15:08  | Ngô Đồng

|

(CAO) Nguyên nhân khiến dịch bệnh gia tăng do một số trường học chưa trang bị đủ bồn rửa tay cho trẻ và trẻ chưa tiêm phòng đủ.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, trong tuần qua TP.HCM phát hiện 17 ổ dịch tay chân miệng trong trường học với 82 ca mắc.

Hầu hết số ca xảy ra nhiều ở các trường tiểu học. Nguyên nhân được lý giải là do bậc học này chủ yếu lo giảng dạy, còn lơ là trong công tác vệ sinh, khử khuẩn phòng chống dịch bệnh.

Trường tiểu học, nơi dễ có nguy cơ lây bệnh. Ảnh: NĐ

Tính thời điểm từ đầu năm đến nay, toàn TP.HCM phát hiện 82 ổ dịch tay chân miệng với 503 ca mắc. Trong đó chấm dứt được 53 ổ với 224 ca và còn 29 ổ đang theo dõi.

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM yêu cầu ngành giáo dục cần chỉ đạo nhà trường trang bị đầy đủ bồn rửa tay. Theo đó, không chỉ yêu cầu trẻ rửa tay mà phải yêu cầu cả người lớn, đặc biệt người trực tiếp chăm sóc, phục vụ trẻ ăn uống rửa tay đầy đủ, đúng cách.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vận động toàn dân không phân biệt lứa tuổi, thành phần cùng rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng để bảo vệ bản thân, trẻ em, gia đình và cộng đồng trước nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm. Ảnh: NĐ

Ngoài ra, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cũng vừa ghi nhận một ổ dịch sởi. Tính đến nay, TP.HCM đã ghi nhận 143 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Trong số đó 46 trường hợp có kết qủa xét nghiệm dương tính trên tổng số 57 trường hợp được xét nghiệm.

Trước tình hình dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vận động toàn dân không phân biệt lứa tuổi, thành phần cùng rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng để bảo vệ bản thân, trẻ em, gia đình và cộng đồng trước nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm lây qua đường tiếp xúc đặc biệt là đối với bệnh tay chân miệng – một bệnh truyền nhiễm chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin dự phòng.

Thói quen này đã góp phần phòng tránh nhiều nguồn lây nhiễm bệnh hiệu quả. Ảnh: NĐ

Tăng cường kiểm soát bệnh truyền nhiễm trong trường học nhằm bảo vệ sức khỏe học sinh và cộng đồng; đặc biệt là đối với tay chân miệng và sởi, 2 bệnh rất dễ lây lan qua những tiếp xúc. Do đó khi có học sinh, cô giáo, nhân viên trường học mắc bệnh, bắt buộc tuân thủ các biện pháp vệ sinh khử khuẩn, cách ly người bệnh tại nhà (nghỉ học, nghỉ làm hết thời gian có thể lây bệnh: đối với tay chân miệng là 10 ngày, sởi là 7 ngày, kể từ ngày khởi bệnh) theo quy định.

Thực hiện vệ sinh khử khuẩn nơi sinh hoạt, đồ chơi của trẻ tại nhà, tại trường và tại các khu vui chơi công cộng nhằm giảm thiểu sự hiện diện của mầm bệnh tay chân miệng trong môi trường.

Đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng bệnh sởi cho tất cả trẻ em theo lịch tiêm chủng quốc gia, theo đó trẻ phải được tiêm vắc xin sởi (đơn giá) lúc 9 tháng tuổi và vắc xin có thành phần của sởi lúc 18 tháng tuổi. Các bậc cha mẹ có con dưới 5 tuổi phải đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch; tự kiểm tra lại tiền sử tiêm vắc xin sởi của trẻ và liên hệ trạm y tế phường xã gần nhất để được tư vấn tiêm chủng phòng bệnh sởi cho trẻ. Trường hợp trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc sin phòng bệnh sởi theo quy định sẽ được tư vấn tiêm bổ sung.

Phối hợp các ban ngành đoàn thể, tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, tập trung kiểm soát điểm nguy cơ, xử lý triệt để các ổ dịch, không để dịch lây lan, kéo dài; tăng cường xử phạt theo nghị định 176 của Chính phủ.

TP.HCM: Tăng cường ứng phó bệnh tay chân miệng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang