Ô nhiễm không khí, bảo vệ đường hô hấp như thế nào?

Thứ Sáu, 04/10/2019 20:38  | Ngô Đồng

|

(CAO) Nguồn ô nhiễm không khí có thể do con người tạo ra, như khói từ phương tiện giao thông, quá trình sản xuất công nghiệp...; một số nguồn gây ô nhiễm từ tự nhiên như bụi sa mạc, cháy rừng, hoạt động của núi lửa.

Theo các chuyên gia, loại bụi có đường kính 10 μm (micromet, kích thước bằng một phần triệu mét) gọi là PM10 là bụi mịn. Nguy hiểm nhất là loại bụi siêu mịn PM2.5. Ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội,... các loại bụi này hầu hết sinh ra từ khí thải giao thông (xe buýt, xe máy, ôtô).

Khi nồng độ bụi mịn ngoài trời tăng lên, không khí sẽ có vẻ mờ đi và tầm nhìn bị giảm. Tình trạng này tương tự thời điểm độ ẩm cao hoặc sương mù.

Ô nhiễm không khí trong môi trường càng nhiều thì hiện tượng sương mù càng dễ xảy ra. Khi hạt bụi ngoài không khí vào trong cơ thể sẽ đi vào trong phổi. Những hạt bụi càng nhỏ sẽ càng dễ đi vào phổi hơn, lắng đọng và gây ra tình trạng viêm.

Ảnh minh họa

Các chuyên gia y tế cho biết, những hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2,5 micro sẽ dễ dàng đi vào trong niêm mạc mũi, thẩm thấu và khuếch tán vào trong phế quản phổi, gây nên tình trạng kích ứng viêm, làm cho niêm mạc đường hô hấp bị viêm, sau đó gây ra tình trạng thiết lập và tái tạo lại niêm mạc đường hô hấp là phù nề và dày đường hô hấp. Từ đó, gây ra tình trạng hẹp phế quản, điều này lặp đi lặp lại làm giảm chức năng của hệ hô hấp.

Lúc đầu bệnh nhân chỉ có hiện tượng bị kích ứng như ho, sổ mũi, hắt hơi. Còn trong trường hợp nặng có thể khiến con người có phản ứng ho, khạc đờm kéo dài, thậm chí khó thở nặng ngực.

Đặc biệt những bệnh nhân có vấn đề về đường hô hấp sẽ dễ dàng gặp hơn. Lâu dài làm tăng nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe cấp tính và mãn tính, như tăng nguy cơ mắc hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.

Theo BS. Huỳnh Thị Chiêu Oanh, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, đối với những ảnh hưởng từ không khí ô nhiễm đến người bệnh, bản thân mỗi người cần tự bảo vệ mình. Khi ra đường cần phải đeo khẩu trang. Tránh tập trung những nơi đông người để giảm bớt sự tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh.

Ngoài ra, những người có bệnh phổi, phải đi tái khám định kỳ hoặc khi có những triệu chứng về đường hô hấp, nên đi khám bác sĩ. Đặc biệt với những loại cúm, nên tiêm chủng phòng ngừa thường xuyên.

Ăn nhiều rau xanh, trái cây để tăng cường sức đề kháng.

BS. Huỳnh Thị Chiêu Oanh cũng lưu ý, người dân nên sử dụng các dung dịch rửa mũi (nước muối sinh lý, nước biển,...) sau khi ở những nơi ô nhiễm không khí nhiều về nhà; lúc thức dậy vào buổi sáng; tiếp xúc ở môi trường có nguy cơ lây bệnh cao (khói thuốc, nấm mốc, bụi bẩn, vi khuẩn trong hồ bơi…); khi ngồi điều hòa nhiều hoặc những bệnh nhân bị viêm xoang, viêm mũi;...

Tuy nhiên, khi sử dụng thì lượng xịt phải vừa đủ hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ, nếu xịt quá mạnh và nhiều có thể đẩy dịch nhầy từ mũi vào tai giữa gây viêm tai giữa, xuống đường hô hấp dưới gây viêm phổi hay làm kích ứng niêm mạc mũi.

Nếu sau khi tiếp xúc với môi trường độc hại, cảm thấy trong cơ thể có tình trạng viêm như ho nhiều, lượng đờm nhiều, tức ngực, nặng ngực, khó thở,... cần đi khám ngay.

Ô nhiễm không khí do bụi mịn: Tử thần giấu mặt
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang