Bụi mịn là gì?
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường của Mỹ (US EPA), bụi mịn là những hạt bụi cực nhỏ lơ lửng trong không khí, có kích thước được tính bằng đơn vị micromet (μm). Tuỳ theo kích thước của chúng, các nhà khoa học phân ra nhiều loại.
Loại bụi có đường kính khí động học ≤ 10 μm gọi là PM10, loại có đường kính khí động học ≤ 2.5 μm (chỉ bằng 1/30 đường kính sợi tóc) gọi là bụi mịn - PM2.5. Những bụi này có thể được tạo thành từ hàng trăm hóa chất khác nhau.
Một số được phát thải trực tiếp từ nguồn, chẳng hạn như các công trường xây dựng, tuyến đường không trải nhựa, hoạt động nông nghiệp, ống khói hoặc quá trình đốt cháy.
Hầu hết các bụi này hình thành trong khí quyển là kết quả của các phản ứng quang hóa phức tạp của các hóa chất như sulfur dioxit, nitơ oxit và các chất hữu cơ bay hơi (volatile organic compounds), là những chất gây ô nhiễm phát ra từ các nhà máy điện, khu công nghiệp và các phương tiện giao thông.
Khí thải công nghiệp làm không khí ô nhiễm
"Sát thủ" lặng thầm
Hai thành phố đầu tàu của cả nước hiện đang đối diện với tình trạng ô nhiễm bụi mịn đáng báo động.
Tại Hà Nội, thời điểm trong tháng 1-2019, nồng độ bụi mịn vượt mức 100, gấp trên 2 lần quy chuẩn quốc gia và trên 4 lần so với quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo các chuyên gia, trong quý 1 năm 2019, chất lượng không khí ở Hà Nội luôn ở nhóm kém.
Gần đây nhất, số liệu quan trắc tại 10 trạm đo, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở Hà Nội do Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội thực hiện cho thấy tuần từ ngày 20 đến 26-1-2019, chất lượng không khí trên địa bàn TP Hà Nội suy giảm rõ rệt.
Dựa trên cơ sở dữ liệu của WHO, Trung tâm Phát triển và Sáng tạo Xanh (GreenID) phân tích và cho rằng người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm.
TP.HCM cũng đang đối diện với ô nhiễm không khí
TP Hồ Chí Minh cũng trong tình trạng chẳng khá hơn. Theo số liệu của GreenID, trong 3 năm gần đây, TP.HCM cũng đang phải đối mặt với ô nhiễm bụi, nồng độ bụi mịn (PM2.5) trong không khí ở mức nồng độ cao.
Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM), ô nhiễm bụi PM10 tại TP.HCM chủ yếu phát sinh từ khí thải xe với 70.42% số liệu vượt quy chuẩn cho phép. Đó là chưa kể, các khí thải SO2, NO2, CO còn gây kích ứng niêm mạc, thậm chí gây ngạt hóa học nếu hít phải lượng quá lớn.
GreenID cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát công khai với 1.000 người, kết quả cho biết: giao thông vận tải, sản xuất công nghiệp và sản xuất năng lượng được cho là ba nguồn "đẻ" ra bụi mịn gây ô nhiễm không khí hàng đầu tại các thành phố.
Phá rừng, tàn sát cây xanh cũng làm không khí nhanh bị ô nhiễm
Ngoài ra, ở các TP lớn có quá nhiều nhà cao tầng cộng với tình trạng nghịch đảo nhiệt nên khối không khí bị ô nhiễm không thể phát tán lên cao. Bụi mịn trở thành một "sát thủ" âm thầm lượn lờ trong không khí và từng ngày xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp mà không ai hay biết.
Làm gì để hạn chế hít phải bụi mịn?
Những hạt bụi chứa chất rắn siêu nhỏ hoặc giọt chất lỏng nhỏ đến mức có thể hít vào và gây ra các vấn đề sức khỏe. PM10 có thể đi sâu vào phổi và một số thậm chí có thể xâm nhập vào máu. Trong số này, các bụi mịn - PM2.5 có nguy cơ cao nhất đối với sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nghiên cứu tiếp xúc lâu dài với PM2.5 trong không khí xung quanh đã ghi nhận những ảnh hưởng đến sức khỏe, bao gồm các bệnh về hô hấp, ung thư phổi... Các hạt mịn này cũng là nguyên nhân chính làm giảm tầm nhìn (khói mù) ở một số vùng.
Theo các chuyên gia, việc đầu tiên để hạn chế bụi mịn vẫn là xử lý từ gốc, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm. Với một nước công nghiệp đang phát triển như Việt Nam, có thể nói đây là một bài toán khó. Do đó việc khuyến cáo người dân phải tự tìm cách bảo vệ mình được khuyến khích. Khi hoạt động trong môi trường ô nhiễm cần phải đeo khẩu trang chuyên dụng.
Cần phải đeo khẩu trang khi ra đường để hạn chế hít phải bụi mịn
Ông Lê Hữu Đức - Phó Giám Công ty Tấn Phát (chuyên làm sạch không khí) cho biết thêm: "Khẩu trang thông thường chỉ có thể chặn phần nào loại bụi PM10, còn với bụi mịn PM2.5 thì rất khó. Trên thị trường hiện đã có loại khẩu trang chuyên dụng ngăn được loại bụi mịn. Người nào hoạt động trong môi trường độc hại, ô nhiễm thì nên sử dụng loại này để bảo vệ sức khoẻ cho mình".
Với trẻ em, cha mẹ cần tránh cho trẻ ra ngoài trong giờ cao điểm giao thông, tuyệt đối hạn chế trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá. Với trẻ sống gần khu công nghiệp, quốc lộ, tỉnh lộ, công trình xây dựng, cha mẹ nên thường xuyên cho trẻ đi chơi biển, tiếp xúc với cây xanh, môi trường thiên nhiên trong các hoạt động dã ngoại cuối tuần để cân bằng cơ thể.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý tới chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp trẻ hình thành và duy trì lớp niêm mạc ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, chống lại tổn thương tế bào, tăng cung cấp oxi cho tế bào và nhờ đó tăng cường hệ miễn dịch.
Ô nhiễm không khí đang đe doạ sức khoẻ nhiều thế hệ
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cần tăng cường cho trẻ ăn rau xanh, trái cây giàu vitamin A, vitamin C...
Để cải thiện ô nhiễm không khí, cần phải có sự chung tay giữa chính quyền và người dân, đồng thời cũng cần sự phối hợp giữa các ban ngành khác nhau. Các cơ quan thực thi pháp luật cần mạnh tay xử lý các nguồn gây ô nhiễm.
Đồng thời các đơn vị bảo vệ môi trường cần đầu tư các xe hút bụi, tưới đường nhằm hạn chế bớt bụi, bảo vệ sức khỏe người dân. Việc trồng nhiều cây xanh cũng là một biện pháp được các nhà khoa học khuyến khích.