Độc đáo khu chợ mía vàng "vía" ông Trời ở Sài Gòn, mỗi năm họp 1 lần

Thứ Ba, 08/02/2022 18:08

|

(CAO) Đều đặn cứ vào mùng 8 tháng Giêng hàng năm, con đường sầm uất Lê Quang Sung (Q.6) lại biến thành khu chợ độc đáo, chuyên bán những cây mía vàng, tươi, đủ kích cỡ để phục vụ người dân làm lễ “vía” Ngọc Hoàng (hay còn gọi là lễ vía Trời).

Bà Năm Dung (60 tuổi), chủ một vựa mía trên đường Lê Quang Sung giải thích, tập tục “vía” Ngọc Hoàng là tập tục dân gian có nguồn gốc từ những người Hoa di cư đến phương Nam của Việt Nam. Lễ “vía” Ngọc Hoàng được chọn vào ngày Mùng 9 Tết hàng năm.

Chợ mía Lê Quang Sung rực vàng bởi những bó mía tươi 

Lễ vật cúng vía Trời gồm: nhang, đèn, hoa, trà (hay nước lã) kèm theo đồ vàng mã và nhất thiết phải có "vàng" thọ, "vàng" ông Trời, một cặp thùng giấy, một cặp mía vàng (còn nguyên ngọn) và đường đổ khuôn. Mía phải chưng đủ cặp, thẳng và suôn tượng trưng cho chiếc thang lên trời.

Mía vàng được bán trong ngày "vía" ông Trời được nông dân mang từ huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang về TPHCM

Cũng từ đó, đều đặn vào khuya ngày Mùng 7 và rạng sáng Mùng 8 tháng Giêng, đường Lê Quang Sung (đoạn thuộc địa bàn P.2, Q.6) sẽ trở thành điểm đến quen thuộc của đại đa số người dân khu Chợ Lớn. "Chợ mía" Lê Quang Sung chỉ hoạt động đến trưa Mùng 8 là thu dọn, trả mặt bằng. 

Khu chợ mía Lê Quang Sung cho đến nay đã hình thành trên 50 năm 

Giá mía để “vía” Trời năm nay giao động từ 50.000-70.000 đồng/cặp. “Năm nay dịch bệnh, các xe tải chở mía khó nhập hàng hơn mọi năm, nên chúng tôi phải đưa mía lên TPHCM từ sáng Mùng 6, chứ mọi năm, khuya Mùng 7 mía mới lên" – bà Năm tâm sự

Người dân khu Chợ Lớn tấp nập lựa mía "vía" Ngọc Hoàng trong sáng 8-2 (tức mùng 8 Tết)
Mỗi gia đình sẽ chưng 1 cặp mía để làm lễ "vía"
Cây mía chuẩn phải là cây có thân to, mọng nước, cao trên 2 mét và phải có sắc vàng rực rỡ
Cơn mưa bất chợt trong chiều 8-2 không làm cho không khí khu chợ mất sôi động

Các chủ vựa trung bình sẽ nhập từ 3.000-4.000 cặp mía, dự tính bán đến trưa nay (Mùng 8 tháng Giêng) là thu dọn, không nấn ná ở tới chiều.

Ghi nhận vàng sáng 8-2 của phóng viên Báo CATP có tới hơn 5 điểm bán mía nằm kề nhau trên đường Lê Quang Sung.

Các tiểu thương tươi cười trước ống kính của phóng viên Báo CATP
Chở mía vàng về nhà cũng là mong ước đầu năm mang lộc trời, may mắn về với tổ ấm gia đình

Người bán đa phần đều là những nông dân trồng mía quê ở huyện Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Mía được thu hoạch trước đó 1 đến 2 ngày rồi vận chuyển lên TPHCM bán trực tiếp cho bà con cúng vía Trời.

Bình luận (0)

Lên đầu trang